Hồn nhà văn hóa

Hồn nhà văn hóa
TP - Báo Tiền Phong ngày 3-1-2010 cho biết, nhà văn hóa xã, phường ở thành phố Cần Thơ, 40% không hoạt động hoặc hoạt động không thường xuyên, còn lại hoạt động chỉ nhằm đối phó để không bị trừ điểm thi đua.

Tình trạng này chắc không phải chỉ riêng ở Cần Thơ! Xây một nhà văn hóa hiện tốn cả tỷ đồng, chưa kể tiền đất. Tốn kém mà kết cục chưa thấy sáng sủa, lại tiềm ẩn nguy cơ sau nhiều năm lại đập bỏ.

Mỗi đợt vận động xây dựng nhà văn hóa xã, phường, đều có kèm theo các bộ tiêu chuẩn. Khi có nhiều bộ tiêu chuẩn thì một câu hỏi lại đặt ra: Cái hồn của nhà văn hóa xã, phường nằm ở nơi nao trong bộ tiêu chí ấy.

Văn hóa truyền thống Việt Nam, ở làng xã có hai thiết chế đáng chú ý: Chùa và đình. Chùa thờ Phật còn đình là nơi sinh hoạt cộng đồng. Đình là hồn quê, một nét đẹp văn hóa làng xã Việt Nam.

Khởi thủy, đình là quán nghỉ cho khách đường xa; sau đó, đình trạm còn được sử dụng làm chợ, nên gọi là đình chợ. Cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, thành hoàng được đưa vào đình làng để thờ.

Thành hoàng là những vị có công với nước được triều đình sắc phong hoặc những người có công khẩn đất, lập làng. Thần không nhất thiết là người của làng. Đình làng nhiều nơi còn thờ thần núi, thần biển, thần nước, thần cá, thần rắn…

Văn hóa đình làng là một nền văn hóa hỗn hợp, có tính độc lập của một cộng đồng xã hội biết tổng hợp dung hòa mọi nền văn hóa khác thành nét văn hóa riêng, làm cho đình làng có sức mạnh vô hình, tạo niềm tin cho cộng đồng.

Đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa, hội hè, khao vọng, đón người đỗ đạt, họp việc làng, xử kiện, mang đặc trưng nền văn minh lúa nước. Tất cả nhằm nhớ về cội nguồn, liên kết cộng đồng. Các hoạt động diễn ra ở đình vì thế, vốn là những khía cạnh đời thường, được nâng lên trong không gian thiêng liêng, có sức cộng cảm, trở thành nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng dân tộc.

Đình làng gần gũi, chở che cuộc sống người dân nên các hoạt động cũng như việc tu bổ đều do dân làng đóng góp. Đình làng có sức sống hàng nghìn năm, vượt qua biết bao biến cố bể dâu.

Nhà văn hóa xã, phường, phải chăng cần kế tục di sản văn hóa đình làng? Nó đồng tâm, cộng hưởng những giá trị, những tinh hoa của đình làng xưa. Bởi, qua biết bao thăng trầm những giá trị khởi nguyên được thời gian chuốt gọt luôn có vị trí độc tôn trong tâm hồn Việt. Trong đó, yếu tố lễ hội gắn với truyền thống lịch sử, tưởng nhớ những người có công với làng xã, anh hùng dựng nước và giữ nước được đề cao.

Nếu tiếp thu được điều đó, việc đầu tư sẽ không phân tán, cắt vụn cuộc sống, đi ngược với tính nhất nguyên văn hóa, như đang diễn ra. Nhà văn hóa, các loại bia, tượng đài hoặc khu tưởng niệm lẫn lưu niệm, di tích, được gắn kết với nhau, với cuộc sống người dân địa phương, tạo không gian thiêng liêng lưu giữ chứng tích tâm hồn và lịch sử.

Sinh hoạt văn hóa làng xã vốn hình thành và phát triển từ cuộc sống người dân. Đình làng luôn mở cửa đón mọi người con quê hương. Nay nhà văn hóa xã, phường, nhiều nơi xây cạnh trụ sở công quyền, chỉ mở cửa vào một số giờ nhất định thì đã cách ly với đời sống người dân, làm sao có sức sống?

Hơn nữa, văn hóa trở nên đẹp lung linh bởi sự đa dạng, phản ánh bản sắc độc đáo mỗi vùng quê. Nếu nhà văn hóa dựng lên đồng loạt theo khuôn mẫu đơn điệu, được vẽ ra từ một nơi nào đó, sẽ làm bào mòn đời sống văn hóa tinh thần vốn rất phong phú của người Việt.

Khi nhà văn hóa nối tiếp được di sản văn hóa đình làng có từ nghìn xưa, gợi nhớ lịch sử một cách gần gũi, tự thân nó sẽ đứng vững trong cuộc sống hôm nay.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.