Hơn bảy vạn người khai hội chùa Hương

Hơn bảy vạn người khai hội chùa Hương
TP - 9 giờ sáng ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, lễ hội chùa Hương năm 2010 chính thức khai mạc. Theo Ban tổ chức, năm nay có hơn bảy vạn người tới khai hội. Lễ khai hội chùa Hương được mở đầu với Tuần lễ văn hóa Phật giáo hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

>> Chùa Hương vào hội

Hơn bảy vạn người khai hội chùa Hương ảnh 1

Hát quan họ dọc suối Yến phục vụ du khách - điểm mới của lễ hội năm nay - Ảnh: V.V.Võ

Bến Đục và lễ hội xưa

Cụ Nguyễn Đức Bảng, nguyên Phó Ban quản lý di tích Hương Sơn, được coi là pho sử sống về chùa Hương.

Ban tổ chức cho biết, trong tuần lễ này sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: Lễ hội 500 hoa đăng, thả hoa sen xuống suối Yến, khai mạc triển lãm mỹ thuật Phật giáo với hai phòng tranh do các họa sĩ Phật giáo thể hiện lớn nhất từ trước tới nay...

Theo thông lệ truyền thống, lễ hội chùa Hương sẽ diễn ra cho tới cuối tháng 3 âm lịch tới khi có trận mưa cuối tháng 3 - được coi là trận mưa rửa chùa, lễ hội sẽ kết thúc.

Cụ Bảng nói, nhiều nhà báo, hướng dẫn viên du lịch đều lầm tưởng bến Yến, nơi du khách bắt đầu xuống thuyền trẩy hội là bến Đục. Trên thực tế, cái tên bến Đục có nguồn gốc khác.

Xưa kia, dòng suối nhỏ bắt nguồn từ chân núi Hương Tích, chảy qua làng Yến Vĩ gọi là Tiểu Khê. Có một con suối nối từ Tiểu Khê ra sông Đáy, chảy qua địa phận làng Độc Khê (vì làng này chỉ có một con suối). Sau do phương ngữ địa phương nên người ta gọi chệch thành làng Đục Khê.

Nhiều cụ cao niên trong làng Yến Vĩ tiếc nuối, lễ hội chùa Hương đang trở nên thương mại hóa và xa lạ.

Trước kia, du khách đến trẩy hội thường ngồi trên thuyền trải chiếu hoa, nhâm nhi chén rượu mơ, nghe hát, phải như thế mới “thấm” hết phong vị đặc trưng riêng có ở nơi đây. Khi gặp nhau trên suối, đôi bên thường chắp tay chào: Nam mô a di đà.

Do sự tiện lợi của cáp treo, du khách ngày nay thường chỉ đến động Hương Tích rồi quay ra, bỏ quên nhiều thắng cảnh thú vị khác. Đơn cử như hang Ngưu Cốc, nơi từng được chúa Trịnh Sâm khi về thăm chùa Hương năm Canh Dần (1770) khắc lên cửa hang bốn chữ: Sơn thủy hữu tình. Lòng hang rất rộng, có nhiều nhũ đá đẹp.

Rau sắng, rượu mơ Hương Tích

Ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng Ban quản lý di tích Hương Sơn tự hào giới thiệu, rau sắng là thứ đặc sản chỉ có ở trong rừng Hương Tích, mọc hoang trên núi. Nhiều người đã thất bại trong việc di thực ra nơi khác. Tuy gọi là rau sắng, nhưng thực ra là những búp non mọc trên cây sắng, một loài thân gỗ thuộc họ thầu dầu.

Một số người “ăn theo” sự nổi tiếng của rau sắng đã lấy lá nhãn non, lá ổ gà để lừa bán cho du khách. Ngoài rau sắng, ở chùa Hương còn có thứ rượu mơ đậm đà.

Anh Nguyễn Tiến Duy, một người nổi tiếng sành rượu ở đây cho biết: “Sở dĩ không rửa mơ bởi phải giữ lớp phấn mơ mỏng bao ngoài, chính nó góp phần mang lại vị rượu mơ Hương Tích đặc trưng”.

Anh Duy bảo, rượu mơ càng ngâm lâu càng ngon, nhất là ngâm trong chum sành, cất trong hang núi.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.