Hợp nhất các sở, thừa lãnh đạo thì nên thi tuyển

ĐBQH Lê Thanh Vân. Ảnh: Hồng Vĩnh.
ĐBQH Lê Thanh Vân. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trao đổi với PV quanh chủ trương hợp nhất các sở, ngành cấp tỉnh.

- Bộ Nội vụ vừa có đề xuất hợp nhất nhiều sở, ngành ở cấp tỉnh để tinh gọn bộ máy. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

+ Đây là vấn đề mà lâu nay Đảng, Quốc hội và nhiều kỳ họp Trung ương đã bàn đi bàn lại. Cơ bản, định hướng nghị quyết của Đảng khá rõ nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện không nghiêm, dẫn đến phân công chức năng, nhiệm vụ chồng chéo. Chính việc sắp xếp chức năng nhiệm vụ khá tuỳ tiện nên khi có vấn đề xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm.

Hiện nay, dưới tác động của điều kiện khách quan như sức ép chi tiêu ngân sách, sự phàn nàn của nhân dân và chính bộ máy nhận thấy hiệu lực, hiệu quả của mình chưa cao khiến việc tổ chức sắp xếp lại không thể không làm. Đây là thời điểm đỉnh cao mà nút thắt phải gỡ và Đảng quyết tâm chỉ đạo, thực hiện cụ thể.

- Theo đề xuất của Bộ Nội vụ thì có thể hợp nhất 10 sở, ngành, trong đó có Sở GTVT và Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương... Ông thấy tính khả thi của các phương án ra sao?

+ Theo tôi, dường như Bộ Nội vụ mới chỉ làm việc cộng dồn các đơn vị theo phương pháp cơ học mà chưa bắt nguồn từ xây dựng chức năng của nhà nước, lĩnh vực nhà nước cần quản lý. Xu hướng phát triển hiện nay là xã hội lớn và nhà nước nhỏ, tức là chức năng nhà nước đến lúc xem xét thu hẹp, trong đó cơ bản là chức năng về kiến tạo phát triển, duy trì trật tự xã hội.

Cần phải dựa vào chức năng hiện có của các sở, ngành để thu hẹp đầu mối theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị chứ không phải hợp nhất dựa vào tên gọi.

- Bộ Nội vụ đề xuất giao thẩm quyền HĐND cấp tỉnh quyết định việc hợp nhất dẫn đến lo ngại mọi thứ sẽ vẫn như cũ vì có thể họ sẽ chần chừ hay chọn phương án ít động chạm. Ông nghĩ sao?

+ Theo tôi, hướng mà Bộ Nội vụ đưa ra là đúng, vì 63 tỉnh thành là 63 cá thể hành chính không đồng dạng về lợi thế địa lý, truyền thống văn hoá, tiềm năng phát triển, dân cư... Vì vậy, mô hình có thể khác nhau. Nhưng cần định dạng nguyên tắc để địa phương lựa chọn vì nếu không có điều kiện kèm theo thì tuỳ tiện và lạm dụng trong sáp nhập bộ máy.

Quan trọng là phải coi trọng trách nhiệm người đứng đầu. Nghĩa là tôi giao cho anh sự lựa chọn theo mô hình tôi thiết kế, anh lựa chọn sai thì anh chịu trách nhiệm cụ thể trước pháp luật, chứ không chịu trách nhiệm chung chung.

Ngoài ra cần thực hiện khoán chi tài chính. Ví dụ, chừng đấy công việc quản lý nhà nước thì tương ứng bao nhiêu tiền. Nếu tăng biên chế thì anh không có tiền trả lương, lập tức anh bị lên án và buộc phải điều chỉnh, chọn người tài. Cấp trên định kỳ giám sát đánh giá, nếu làm sai thì kỷ luật, cách chức.

- Thực tế có chuyện hai vụ thuộc bộ khi hợp nhất thì một vụ có hai vụ trưởng, bộ máy biên chế một vụ tăng gấp đôi so với trước. Vậy làm sao để tránh trường hợp thu hẹp đầu mối bên ngoài mà phình ra bên trong?

+ Phải làm công tác tư tưởng cho tốt để mọi cán bộ hiểu được vấn đề. Khi cá nhân vào tổ chức đã thề sẵn sàng phục tùng nghị quyết, chấp hành sự mệnh lệnh cấp trên, nay tổ chức thay đổi, sắp xếp lại thì phải vui vẻ nhận lời.

Khi hợp nhất, cũng phải có quy chế cụ thể bảo đảm sự công bằng. Ví dụ dôi dư 10 phó giám đốc sở mà chỉ cần một thì tổ chức thi tuyển, có hội đồng kiểm tra chéo để tránh gửi gắm. Thi qua hai vòng có sự giám sát của cấp trên, ai tham gia thì ký tên xác nhận trách nhiệm chứ không phải bỏ phiếu là xong. Còn chức vụ do bầu cử thì tổ chức để anh trình bày, thuyết trình phương án hành động.

Ngoài hướng thu hẹp chức năng theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 6 thì cần sắp xếp lại đội ngũ cán bộ. Nếu sắp xếp bộ máy hợp lý mà người vận hành không giỏi thì hiệu quả không cao. Ví dụ như mua cho anh ô tô hiện đại mà người lái không có trình độ; đưa con em, người thân, người có trí tuệ, nhân tâm kém, mua bán chức tước... vào thì phá là nhanh.

Lửa “lò” đang nóng, đây cũng là cơ hội loại trừ cán bộ tham nhũng, lạm dụng quyền hạn. Phải làm sao để loại bỏ được hết cán bộ yếu kém lại tham nhũng ra khỏi bộ máy.

Để làm được hai điều nói trên thì phải có chính sách trọng dụng nhân tài, chính sách phải hiện thực chứ không phải tồn tại ở chủ trương, định hướng. Tôi thấy điều này từ lâu và hy vọng Quốc hội sớm chiêu hiền bằng Luật Trọng dụng nhân tài để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp lộ trình đang đi của cách mạng công nghiệp 4.0 và giảm áp lực cho ngân sách.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG