Hà Giang:

Hợp nhất sở ngành với cơ quan Đảng, không 'vừa đá bóng vừa thổi còi'?

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Trung Tài trả lời về việc hợp nhất các cơ quan Đảng và chính quyền. Ảnh: Văn Kiên
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Trung Tài trả lời về việc hợp nhất các cơ quan Đảng và chính quyền. Ảnh: Văn Kiên
TP - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang vừa thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Ban Tổ chức – Nội vụ; hợp nhất Thanh tra tỉnh với cơ quan Ủy ban Kiểm tra thành Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra tỉnh. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra là tỉnh giải quyết mối quan hệ giữa Đảng và chính quyền ra sao để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, nhầm vai hay lạm quyền?   

Ông Nguyễn Trung Tài, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Ban Tổ chức - Nội vụ, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra là cơ quan tham mưu của cấp ủy, đồng thời là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh tương đồng về chức năng nhiệm vụ không có gì vướng. “Đối với tổ chức bộ máy bên nhà nước khi trực tiếp tham mưu cho tỉnh về công tác cán bộ thì quy trình vẫn phải trình qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới quyết định được”, ông Tài cho biết.

Cũng theo ông Tài, hiện Bộ Chính trị đã quyết định quản lý biên chế trong toàn hệ thống chính trị là do Bộ Chính trị và Ban thường vụ các cấp ủy quản lý. Cho nên trong công tác tuyển dụng, quản lý cán bộ công chức hiện nay là thống nhất. “Trong quy chế làm việc sẽ thay đổi một chút, cơ quan Ban Tổ chức - Nội vụ sẽ là cơ quan thực hiện các quy trình. Sau này thực hiện quy trình song lấy ý kiến Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chứ không phải Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình về Ban Thường vụ như trước nữa. Như vậy là giảm đi một khâu trung gian”, ông Tài nói.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang cũng khẳng định, trong mối quan hệ công việc giữa tổ chức và nội vụ không có gì “vừa đá bóng vừa thổi còi” mà còn phát huy vai trò tham mưu rất tốt, kịp thời và xuyên suốt.

Một vấn đề cũng được đặt ra khi hợp nhất sẽ có chuyện cấp trưởng trở thành cấp phó. Vậy việc sắp xếp các lãnh đạo cấp trưởng và cấp phó của các cơ quan này như thế nào, nhất là khi có lo ngại về việc chạy ghế, đấu đá thanh trừng nhau khi hợp nhất? Ông Tài thừa nhận “sắp xếp, bố trí cán bộ là một công việc hết sức khó khăn. Ông cho biết, đối với lãnh đạo Ban Tổ chức - Sở Nội vụ khi hợp nhất còn 6 lãnh đạo. Trong đó Trưởng Ban Tổ chức là người đứng đầu cơ quan sau khi hợp nhất còn Giám đốc Sở Nội vụ giữ chức phó trưởng ban thường trực. Còn các phó ban khác giữ nguyên, trong đó, có một Phó ban Tổ chức đã đến tuổi nghỉ hưu. “Từ nay đến Đại hội Đảng, chúng tôi sẽ sắp xếp lại để giữ khung cấp phó theo quy định của Ban Bí thư”, ông Tài nói.

Tương tự, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh có 8 lãnh đạo, khi sáp nhập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất phân công ông Lê Quang Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra giữ chức Chủ nhiệm Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra. Còn ông Phạm Hồng Thu, Tỉnh ủy viên - Chánh Thanh tra giữ chức Phó Chủ nhiệm Thường trực Cơ quan Ủy ban kiểm tra - Thanh tra. “Cho đến nay mọi việc cơ quan đã ổn định, cán bộ đã yên tâm công tác, không có ý kiến thắc mắc”, ông Tài cho biết.

Đối với các cơ quan khác, theo ông Sèn Chỉn Ly, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang, trong quý 4, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai xây dựng đề án văn phòng cấp ủy phục vụ chung để thực hiện từ đầu năm 2019. Đồng thời xây dựng các đề án về sáp nhập Sở GTVT với Sở Xây dựng; Sở TT&TT với Sở KH&CN… Đối với cấp huyện cũng sẽ hợp nhất cơ quan Kiểm tra - Thanh tra; Tổ chức - Nội vụ tại 3 huyện: Quản Bạ, Bắc Quang và Quang Bình. 

MỚI - NÓNG