Hợp nhất trong tình yêu và hy vọng

TP - Khoảng 1 triệu người, trong đó chủ yếu là người công giáo, di cư vào Nam năm 1954 và rất nhiều người không ngờ đến năm 1975 thì hành trình trở về đất Bắc quê hương mới được khai thông sau mùa xuân thống nhất.

Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng thư ký Ủy ban bác ái xã hội trực thuộc hội đồng Giám mục Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TPHCM đồng thời giảng dạy môn Kitô học trong 6 học viện công giáo đã trả lời báo Tiền Phong xung quanh cuộc thiên di lịch sử.

Xin linh mục cho biết vài nét về cuộc di cư của cộng đồng người công giáo vào năm 1954 và quá trình hòa nhập vào cuộc sống ở Nam Bộ?

Cuộc thiên di vào Nam ra Bắc năm 1954 là dựa vào Hiệp định Geneve tạm thời chia giới tuyến hai miền chờ tổng tuyển cử sau khi Pháp thất bại buộc rút khỏi Việt Nam. Theo hiệp định này thì người dân tự do chọn nơi cư trú, do đó nhiều người miền Bắc đã di dân vào Nam và ngược lại nhiều người miền Nam cũng tập kết ra Bắc. Theo số liệu thì năm 1954 có khoảng 1 triệu người miền Bắc di cư vào Nam và khoảng 80% số họ là người công giáo. Chúng ta nhớ lại rằng trước thời điểm 1954 từ người công giáo chủ yếu sống ở miền Bắc. Trong đoàn quân Nam tiến thời chống Pháp, nhiều giáo dân đã theo Vệ quốc Đoàn vào Nam nhưng số lượng không nhiều. Đến năm 1954 mới có cuộc di dân lớn như vậy của các giáo dân. Điều này làm thay đổi lịch sử công giáo Việt Nam, vì hiện nay cả nước có 6 triệu giáo dân thì ở miền Nam chiếm 4 triệu người.

Hợp nhất trong tình yêu và hy vọng ảnh 1 Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn. Ảnh: T.N.A.

Được biết người miền Bắc, trong đó có các giáo dân đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa các tỉnh phía Nam và họ vẫn giữ được truyền thống văn hóa đất Bắc quê nhà - Ý kiến của linh mục?

 Đúng như vậy. Năm 1954, phần lớn giáo dân di cư là đi theo các vị linh mục xứ, mỗi xứ như vậy đi khoảng 200-300 người. Khi vào Nam, họ được phân một vùng đất nào đó. Chính từ đây đã xây dựng nên các xứ đạo vẫn tồn tại đến ngày nay. Chẳng hạn đến nay, khi lên vùng tập trung nhiều giáo dân như ở Hố Nai, Long Thành, Đồng Nai vẫn còn các giáo xứ Hà Nội, giáo xứ Phát Diệm, giáo xứ Hải Phòng, giáo xứ Bắc Ninh… liền kề nhau. Gia đình chúng tôi khi vào đây thì được đưa về đồng bằng Sông Cửu Long và cùng xây dựng một xứ đạo ở đó, xung quanh đều là người miền Nam.

Giáo dân miền Bắc đã tác động như thế nào đến đời sống xã hội miền Nam những năm sau đó thưa linh mục? 

Nói về vấn đề này, ta cũng nhớ lại năm 2015 này chính là năm kỷ niệm 400 năm công giáo được truyền vào Việt Nam. Ngày 18/1/1615 đoàn thừa sai dòng Tên do linh mục Francois Buzomi dẫn đầu đã đến Đà Nẵng. Với miền Nam lúc đó cũng vậy, các giáo dân miền Bắc đã góp phần thay đổi nhiều phong tục tập quán theo hướng xây dựng xã hội hiện đại. Chẳng hạn như về giáo dục thì tuyệt đại đa số các trường học tại Sài Gòn là thuộc về bên Công Giáo, trường công của nhà nước và các trường khác chỉ chiếm độ 10% thôi. Do nhu cầu đọc kinh, phải biết chữ nên trường học mở ra rất nhiều. Xã hội miền Nam khi ấy còn ảnh hưởng văn hóa thời quân chủ nhiều, vai trò phụ nữ bị xem nhẹ. Nhờ giáo dục phát triển mạnh nên phụ nữ có nhiều cơ hội làm việc xã hội.

Theo linh mục, giáo dân có cần thay đổi những tập quán đã lạc hậu?

Việc duy trì những nét văn hóa riêng biệt sâu đậm cũng có mặt trái của nó, đó là sự khác biệt của các giáo xứ khá lớn khiến cho việc hòa nhập chung gặp khó khăn. Nhưng, ưu điểm là giúp người dân giữ được những phong tục, ngôn ngữ, ẩm thực, truyền thống riêng của từng vùng, không quên nguồn gốc tổ tiên.  Một số hủ tục lạc hậu cần thay đổi, chẳng hạn như tục “nợ miệng”, mình đi ăn đám giỗ, đám ma ở đâu thì sau cố mời người ta để trả nợ, làm gì cũng tổ chức ăn uống linh đình rất tốn kém. 

Giáo dân đã đóng góp nhiều công sức cho việc thống nhất đất nước, đóng góp cho cách mạng, linh mục nhận xét gì về điều này?

Đúng vậy, những đóng góp của giáo dân với cách mạng và sự nghiệp thống nhất đất nước đã được ghi trong các sách nghiên cứu về lịch sử của công giáo và của nhà nước. Vấn đề của ngày hôm nay đó là cùng hợp nhất trong tình yêu và hi vọng để xây dựng đất nước ngày càng phát triển và đem những giá trị tốt đẹp đến cho con người.

Cám ơn linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn! 

Người miền Nam thường cư trú tản mát theo sông nước, trong khi đó người Bắc di cư vẫn theo truyền thống quần tụ thành các xóm làng bền vững ở những vùng đất ổn định. Do đó, tại các giáo xứ, người giáo dân vẫn đều nói tiếng Bắc, giữ gìn phong tục ngoài Bắc, ẩm thực kiểu Bắc. Thậm chí, có giáo xứ lại giữ kinh sách riêng, nên có kinh Hà Nội, kinh Bùi Chu… Nhiều nơi, các giáo xứ cách nhau chỉ một con đường, nhưng người vùng nào đi nhà thờ vùng ấy, vì kinh sách khác nhau, giọng đọc khác nhau. Linh mục An tôn Nguyễn Ngọc Sơn

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.