Hợp tác công tư trong truyền tải điện: Đại biểu lo ngại về quốc phòng an ninh

Nhiều ý kiến lo ngại làm dự án PPP lĩnh vực truyền tải điện không đảm bảo quốc phòng, an ninh
Nhiều ý kiến lo ngại làm dự án PPP lĩnh vực truyền tải điện không đảm bảo quốc phòng, an ninh
TPO - Giải trình băn khoăn lo ngại của đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định, dự án công tư không phải là đầu tư tư nhân nên quyền kiểm soát, quyết định các yếu tố liên quan đến dịch vụ truyền tải điện vẫn do cơ quan Nhà nước thực hiện.

Chính phủ vừa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Trước đó, cho ý kiến về dự án luật, nhiều đại biểu đề nghị nên mở rộng lĩnh vực đầu tư, không chỉ giới hạn trong 7 lĩnh vực được đề xuất. Tuy nhiên, một số ý kiến lại nhất trí với việc chỉ tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm và các dự án có quy mô lớn, phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay, không nên mở rộng lĩnh vực đầu tư.

Cũng có ý kiến đề nghị không nên thu hút đầu tư vào những lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh, trong đó có lĩnh vực truyền tải điện. Đại biểu đề nghị rà soát, thống nhất với Luật Điện lực về lĩnh vực PPP bao gồm hệ thống truyền tải điện, trong khi việc truyền tải điện là độc quyền của Nhà nước, nhằm bảo đảm an ninh nhà nước trong lĩnh vực truyền tải điện.

Cũng có ý kiến đề nghị những lĩnh vực đầu tư như công viên, nhà công vụ, chợ dân sinh có tính chất phục vụ thuần túy hoặc dịch vụ công ích thì Nhà nước nên đầu tư hoặc xã hội hóa hoàn toàn mà không nên áp dụng PPP. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm những dự án PPP có tính chất hỗn hợp đáp ứng tiêu chí khai thác tối đa đơn vị diện tích đất và tài sản công hoặc đáp ứng theo xu hướng kinh tế tuần hoàn hiện nay; ví dụ như một dự án xử lý rác thì có thể làm phát điện, làm phân bón, xử lý nước thải và cung cấp nước sạch dân sinh.

Đối với những loại hình này, cần có chính sách ưu đãi lũy tiến để khuyến khích đầu tư; đề nghị nghiên cứu bổ sung hai tiêu chí là nguồn vốn và lĩnh vực, tính chất của ngành nghề và kết hợp hai tiêu chí này để lựa chọn phương án thực hiện dự án PPP vì có trường hợp tổng mức đầu tư dự án dưới 200 tỷ đồng, Nhà nước không có nhu cầu đầu tư nhưng về tính chất lại hấp dẫn nhà đầu tư khác.

Lời ăn lỗ chịu

Tiếp thu giải trình, Bộ KH&ĐT cho biết, các lĩnh vực đầu tư PPP được dự thảo luật quy định gồm: giao thông vận tải; nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện; hệ thống cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải…

Việc huy động nguồn lực tư nhân đầu tư trong các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh theo phương thức PPP phải được xem xét rất cẩn trọng mà trong nhiều trường hợp, cơ chế cạnh tranh của thị trường không thể thay thế được chức năng soát xét của phía Nhà nước. Do đó, tại chương quy định lựa chọn nhà đầu tư, nội dung này đã được đề xuất quy định tại trường hợp thực hiện chỉ định thầu.

Cơ quan soạn thảo khẳng định, định hướng cho phép thực hiện hợp đồng PPP đối với lĩnh vực truyền tải điện là không trái với quy định độc quyền Nhà nước tại Luật Điện lực. Lý do, PPP không phải là đầu tư tư nhân nên quyền kiểm soát, quyết định các yếu tố liên quan đến phát triển, cung ứng dịch vụ truyền tải điện vẫn phải do cơ quan Nhà nước thực hiện.

Đối với những lĩnh vực Nhà nước không có nhu cầu đầu tư nhưng lại hấp dẫn nhà đầu tư tham gia, theo cơ quan soạn thảo, các dự án này vẫn phải đáp ứng mục tiêu công, phải qua các bước lập, thẩm định, phê duyệt tương đương với dự án do phía Nhà nước chuẩn bị. Trường hợp dự án không có mục tiêu công thì phải xác định thực hiện theo cơ chế thị trường, lời ăn lỗ chịu để tránh bị lạm dụng.

MỚI - NÓNG