Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh:

Hợp tác quốc phòng của VN không gây phương hại đến quốc gia nào

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong. Ảnh: Như Ý.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong. Ảnh: Như Ý.
TP - “Mình độc lập tự chủ trong quan hệ, không một nước nào có thể can thiệp vào công việc của chúng ta. Trong quan hệ với các nước, Việt Nam luôn luôn tuân thủ nguyên tắc là không liên minh, liên kết với bất kỳ ai để chống nước khác”, Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nói khi trao đổi với Tiền Phong về chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam.

Các nước lớn đều muốn có quan hệ quốc phòng với Việt Nam

Vừa qua chúng ta có một chuỗi những sự kiện đối ngoại quốc phòng, trong các sự kiện đó chúng ta đã giải quyết các mối quan tâm của các nước lớn như thế nào, nhất là vấn đề về biển Đông?

Trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6 vừa qua, chúng ta có hàng loạt các hoạt động đối ngoại quốc phòng quan trọng. Trước hết là tổ chức Giao lưu Quốc phòng biên giới Việt - Trung do 2 Bộ trưởng Quốc phòng chủ trì trong 4 ngày tại Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc); sau đó Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đi thăm Ấn Độ; tiếp đến là chúng ta tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và mới đây nhất là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tuần chúng ta có 4 cuộc tiếp xúc song phương lớn. Bên cạnh đó chúng ta còn tham dự Hội nghị Shangri- La.

Thực tế còn có nhiều Bộ trưởng Quốc phòng các nước lớn như ở châu Âu và ASEAN cũng bày tỏ mong muốn thăm Việt Nam. Họ thăm là để tìm hiểu quan điểm của Việt Nam trước tình hình an ninh khu vực, thế giới và khả năng hợp tác quốc phòng. Tất cả các nước đều mong muốn tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam.

Và cũng chỉ trong một tuần chúng ta ký bản Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng với hai nước lớn là Mỹ và Ấn Độ. Tôi cho rằng, chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam là hết sức thành công. Cho đến bây giờ quan hệ Việt Nam và Ấn Độ có thể nói là xếp hàng đầu cả về sự tin cậy, nội dung, hiệu quả. Ấn Độ bày tỏ quan điểm rõ ràng về vấn đề an ninh trong khu vực, ủng hộ chúng ta mạnh mẽ về vấn đề biển Đông.

Đối với Mỹ, việc ký bản Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng dù không phải là văn bản pháp lý mà chỉ là tuyên bố chính trị, nhưng hai Bộ trưởng đã thể hiện quyết tâm bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng trên cơ sở luật pháp quốc tế, đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực và không gây phương hại đến bất kỳ quốc gia nào, không nhằm vào quốc gia nào. Tầm nhìn quan trọng ở chỗ đó. Việt Nam hợp tác với Mỹ nhưng không liên minh với Mỹ. Việt Nam hợp tác với Mỹ ở những lĩnh vực mà Việt Nam muốn và luật pháp quốc tế cho phép. Nó sẽ ràng buộc nhau về ý chí chính trị và định hướng trong quan hệ giữa quân đội hai nước.

Việc ký các bản Tuyên bố Tầm nhìn này còn tạo ý nghĩa công khai minh bạch trong quan hệ của chúng ta với các nước lớn, đồng thời giúp chúng ta chủ động quan hệ trong khuôn khổ các nội dung đã được thống nhất và quan trọng nhất là thể hiện sự độc lập, tự chủ trong quan hệ của ta với các nước, không bị sức ép từ nước nào.

Thế giới im lặng, Trung Quốc sẽ lấn tới

Trong các cuộc hội đàm thì Mỹ có mong muốn gì khi quan hệ với Việt Nam, và họ quan tâm thế nào đến vấn đề biển Đông, thưa ông?

“Hôm vừa rồi tôi gặp Phó Tổng Tham mưu trưởng Trung Quốc, ông ấy nói rằng: Câu chuyện này nằm ngoài quan hệ đại cục hữu nghị quan hệ giữa hai nước. Tôi bảo: Vậy thế cái này là tiểu cục hay sao? Chuyện lớn như thế này mà là chuyện nhỏ hay sao? Cả thế giới người ta quan tâm, hơn 80 triệu người Việt Nam đều quan tâm thì sao lại là tiểu cục? Đây là vấn đề quá lớn và không thể không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước”.

Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khá thẳng thắn khi bày tỏ muốn gì khi quan hệ với Việt Nam. Ông Ashton Carter nói rằng, Mỹ quan hệ với Việt Nam trước hết là vì lợi ích của chính họ. Họ đến châu Á – Thái Bình Dương, hiện diện ở khu vực này là vì lợi ích, họ cần có đồng minh. Nhưng ngoài đồng minh ra, Mỹ không thể không có các nước là bạn, là đối tác tin cậy. Trong số đó họ mong muốn các nước ASEAN, Ấn Độ... là những đối tác tin cậy hàng đầu. Mục đích của Mỹ là thực hiện chiến lược tái cân bằng. Họ luôn nói rằng chiến lược ấy không đem lại bất ổn, nó tuân thủ luật pháp quốc tế và đảm bảo lợi ích cho các quốc gia mà Mỹ hợp tác. Tất nhiên là ông ấy nói như vậy còn làm thế nào lại là một chuyện.

Về quan điểm của Việt Nam, nếu những hợp tác đó tuân thủ luật pháp quốc tế, bình đẳng, chia sẻ lợi ích thì chẳng có lý do gì để cản trở. Nhưng Việt Nam chỉ hợp tác trên những lĩnh vực thấy phù hợp và không làm phương hại đến quốc gia nào. Phía Hoa Kỳ cũng đồng ý với quan điểm của chúng ta.

Tại Shangri- La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nói đến nguy cơ và những thách thức, vấn đề trên biển, di dân, thảm họa thiên nhiên… Trong đó vấn đề an ninh biển đang nổi lên vì hành động của một số quốc gia làm cả thế giới lo ngại. Trước hết là thuyết đường 9 đoạn của Trung Quốc và hoạt động bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo. Thậm chí có thông tin là họ đang chuẩn bị quân sự hóa các đảo này. Mỹ bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này. Lo ngại đó xuất phát từ chính lợi ích của Mỹ, ví như trước đây máy bay của Mỹ bay trong vùng biển quốc tế, vùng trời quốc tế không vấn đề gì, chẳng phải xin ai. Nay bay qua đó thì bị Trung Quốc đuổi nên từ chỗ không phải xin thành phải xin. Cái đó Mỹ không bao giờ chịu, đấy là chưa kể sau này Trung Quốc lập thành đảo thì tàu Mỹ đi qua đó cũng phải xin. Đó là sự thay đổi hiện trạng từ vùng trời, vùng biển, lòng đất, thay đổi là ở chỗ đó, chứ không chỉ là bồi đắp mấy cái đảo nhân tạo. Đó chính là sự phức tạp và đáng lo ngại về lâu về dài.

Những lo ngại đó của Mỹ cũng phù hợp với lo ngại của chúng ta. Chúng ta phản đối Trung Quốc cải tạo các bãi đá thành các đảo nhân tạo vì nó vi phạm chủ quyền của ta, vi phạm DOC và vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam mong muốn Trung Quốc dừng lại, đồng thời Việt Nam cũng mong muốn cộng đồng quốc tế lên tiếng vì đó cũng là quyền lợi của các nước. Đó là những quan ngại chung mà cộng đồng quốc tế cần chia sẻ. Nếu chúng ta kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế thông qua đối thoại thì các nước cũng thấy đúng. Vì không ai muốn xung đột cả, xung đột thì tất cả đều thiệt. Chính vì những cái đồng hành này mà giữa ta với các nước có cơ sở để có tiếng nói chung.

Thực tế tình hình biển Đông cho thấy Trung Quốc đang bất chấp luật pháp, phản ứng của quốc tế. Vậy các đối tác nhìn nhận, chia sẻ với Việt Nam như thế nào về vấn đề trên?

Tại Shangri- La có nhiều nội dung, thách thức an ninh được đề cập, nhưng tất cả các nước đều coi vấn đề biển Đông là thách thức an ninh của chính họ và cần được quan tâm, kể cả đó là các nước ở xa. Tất cả các bài phát biểu đều nói đến vấn đề biển Đông. Điều đó cho thấy biển Đông là sự quan tâm chung của thế giới chứ không chỉ là câu chuyện của Việt Nam, ASEAN, Trung Quốc hay Mỹ…  Các nước đều coi đó là việc của họ, vì đó là luật pháp quốc tế, là cách hành xử, là an ninh hàng hải, tự do thương mại...

Qua nghe các ý kiến tôi thấy có một điểm ít người nhắc tới là thái độ thiện chí, xây dựng của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc. Tất cả đều mong muốn một Trung Quốc phát triển, có vai trò trách nhiệm lớn hơn trong an ninh khu vực. Tất cả đều bày tỏ mong muốn hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc. Nhưng các nước cũng mong muốn Trung Quốc hành xử theo luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng thế, cũng mong muốn có một Trung Quốc mạnh, phát triển và giữ hình ảnh đẹp, tuân thủ luật pháp quốc tế để phát triển hòa bình.

Bên cạnh việc Trung Quốc bồi đắp các bãi đá thành các đảo nhân tạo, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại trước thông tin Trung Quốc đưa vũ khí lên đảo. Nếu thông tin ấy là có thật thì đó là sự thách thức dư luận, không tôn trọng luật pháp, phản ứng quốc tế. Ông đã đưa pháo lên rồi thì sau này ông đưa các thứ khác nữa lên thì sao? Lo ngại của thế giới là đúng và mình hoàn toàn chia sẻ.

Cũng có ý kiến cho rằng cứ nói mãi mà Trung Quốc vẫn cứ làm thì Việt Nam và cộng đồng quốc tế phải làm sao?

Đúng là khi các bên đều kiềm chế không để xảy ra xung đột thì Trung Quốc vẫn cứ mặc tình và vẫn làm. Nhưng khi tiếng nói quốc tế mạnh mẽ, kiên trì thì Trung Quốc sẽ phải nghĩ lại. Trung Quốc không thể muốn làm gì thì làm, và sẽ phải điều chỉnh lại hành vi. Thế giới cũng không thể im lặng vì nay Trung Quốc làm được cái này, thì mai họ sẽ làm được cái khác.

Biển Đông: Không phải “tiểu cục” để bỏ qua

Sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều hợp tác quan hệ, nhưng Trung Quốc vẫn vi phạm. Có thể lý giải điều này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Quan hệ với Trung Quốc là “đại đồng, tiểu dị”, tức là phần chung thì đồng nhưng cũng có những khác biệt, nhưng thế nào là “đại”, thế nào là “tiểu”? Hôm vừa rồi tôi gặp Phó Tổng Tham mưu trưởng Trung Quốc, ông ấy nói rằng: Câu chuyện này nằm ngoài quan hệ đại cục hữu nghị quan hệ giữa hai nước. Tôi bảo: Vậy thế cái này là tiểu cục hay sao? Chuyện lớn như thế này mà là chuyện nhỏ hay sao? Cả thế giới người ta quan tâm, hơn 80 triệu người Việt Nam đều quan tâm thì sao lại là tiểu cục? Đây là vấn đề quá lớn và không thể không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.

Thực tế trong quan hệ với Trung Quốc, chúng ta đang cố gắng xây dựng ngày càng phát triển và ngày càng đi vào thực chất. Nhưng điều quan trọng đầu tiên là các cam kết chính trị, biểu tượng chính trị. Muốn gì thì muốn Trung Quốc cũng phải suy nghĩ trước khi có hành vi, hành xử quá đáng đối với Việt Nam. Anh tuyên bố thế rồi thì không thể làm khác ngay được.

Thứ hai, trong quan hệ với Trung Quốc, chúng ta phải hết sức thận trọng và kiềm chế, tránh căng thẳng không cần thiết để phía Trung Quốc không thể nói rằng chúng ta thiếu thiện chí và thiếu trách nhiệm trong quan hệ, và từ đó có những hành xử không hay với Việt Nam.

Một điều quan trọng nữa là trong toàn bộ bức tranh quan hệ nếu cái gì tốt thì chúng ta cố mà quan hệ, cố mà giữ, bồi đắp. Thậm chí chưa có thì mình tìm ra có để mà tăng quan hệ. Đặc biệt không để Trung Quốc hiểu nhầm là mình đi theo ai chống lại họ. Dứt khoát Việt Nam không theo nước nào để chống Trung Quốc, thực tế mình có theo ai để chống lại Trung Quốc đâu. Mình phải làm cho Trung Quốc hiểu điều đó. Cái này quan trọng lắm. Như thế chính nghĩa luôn thuộc về chúng ta.

Khi chúng ta tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước thì có nước nào cảm thấy khó chịu với sự tăng cường đó không?

Chúng ta độc lập tự chủ, không một ai có thể can thiệp vào việc của mình, mình quan hệ với ai thì đó là chuyện của mình. Trong quan hệ với các nước chúng ta luôn luôn tuân thủ nguyên tắc không quan hệ với một ai để chống lại nước khác. Cái đó cả thế giới đều biết. Trong câu chuyện này chúng ta luôn công khai, minh bạch cho nên đến giờ này quan hệ của Việt Nam với các nước là hết sức trong sáng, tuân thủ luật pháp quốc tế. Ví dụ, chúng ta vừa ký Tuyên bố Tầm nhìn chung với Mỹ cũng chính là giải pháp công khai quan hệ quốc phòng.

Nhiều ý kiến nói chúng ta không liên minh với ai để chống lại nước thứ ba, nhưng lại cần liên minh để bảo vệ chủ quyền, thưa Thứ trưởng?

Liên minh quân sự là khái niệm về một tổ chức quân sự chung, tạo ra lực lượng chung, có huấn luyện, chỉ huy chung. Có đối tượng, mục tiêu chung cụ thể. Một liên minh ra đời là có mục tiêu chống một ai đó. Hai nội dung đó chúng ta không tham gia. Chúng ta không có mục tiêu chung để chống ai. Còn hợp tác quốc tế là khác, đó là kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và phát triển đất nước, chúng ta trân trọng lắm chứ, vì nó sẽ tạo ra sức mạnh chung của cộng đồng để đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.