Huế : bão tàn phá gây ngập lụt trên diện rộng

Huế : bão tàn phá gây ngập lụt trên diện rộng
Bão số 6 sau khi đổ bộ vào đất liền đã tàn phá và gây ngập lụt trên diện rộng ở Thừa Thiên-Huế. Hiện ở Thừa Thiên-Huế đang có mưa lớn ở thượng nguồn, sông Bồ nước có khả năng đạt đỉnh lũ lịch sử năm 1999.
Huế : bão tàn phá gây ngập lụt trên diện rộng ảnh 1
Bão số 6 đã tàn phá trên diện rộng tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo tin đầu tiên, 5 người đã bị thương, 950 ngôi nhà bị tốc mái, hoặc bị sập, mưa to làm ngập úng nhiều vùng trong tỉnh. Đến chiều 1-10, mưa to vẫn diễn ra tại Huế. 3000 hộ đã bị ngập. Nước sông Hương đã vượt trên mức báo động 3 là 0,98m. ảnh: Quốc Việt -TTXVN

Tính đến 13h ngày 1/10, mực nước trên sông Hương tại Kim Long là 3,98m,vượt báo động 3 là 0,98m; trên sông Bồ tại Phú Ốc là 4,88m, vượt báo động 3 là 0,38m.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến thời điểm hiện nay, bão số 6 đã làm bị thương 30 người, 4.529 ngôi nhà bị tốc mái và bị sập; nhiều công trình xây dựng, hoa màu và tài sản của nhân dân bị hư hại.

Có 2.500 ha cây cao su và hoa màu bị gãy đổ, ngập hơn 3.000 ngôi nhà của các địa phương thuộc các huyện Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền và thành phố Huế, nhiều vùng bị ngập sâu phổ biến từ 0,3m đến 1,5m. Huyện miền núi Nam Đông có hơn 3.000 ngôi nhà bị tốc mái; 500 ha cây cao su bị gãy, đổ, 5 người bị thương.

Huyện Phú Lộc là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có khoảng 100 ngôi nhà bị sập. Ông Cái Vĩnh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết: Nhiều địa phương như xã Lộc Bình có tới 100% ngôi nhà bị tốc mái, xã Lộc Vĩnh có 95% nhà bị tốc mái, các xã Vinh Hiền và thị trấn Lăng Cô cũng trong vùng tâm bão đi qua nên bị thiệt hại hết sức nặng nề, nhà cửa ruộng vườn tan hoang. May nhờ trước đó, huyện Phú Lộc đã tổ chức di dời kịp thời được 3.200 hộ dân với khoảng 16.000 nhân khẩu nên đã hạn chế tối đa thiệt hại về người.

Huyện A Lưới có 285 nhà bị tốc mái, trong đó có 32 nhà bị sập, 3 người bị thương. Bưu điện tỉnh Thừa Thiên-Huế bị mất liên lạc 17.000 máy, đổ trên 1.000 cột điện, mạng cáp bị hư hỏng 190 km cáp đồng các loại; có 5 bưu điện huyện và trạm vệ tinh bị tốc mái tập trung chủ yếu khu vực huyện Phú Lộc và Nam Đông. Mạng cáp quang Huế-Phú Lộc và Nam Đông bị cây đổ đè mất liên lạc. Mạng Intenet ADSL toàn khu vực miền Trung bị mất liên lạc, trong đó Thừa Thiên-Huế bị mất liên lạc từ 9h 45 sáng ngày 1/10 đến nay chưa khắc phục xong.

Cột anten VIBA của Hạt thông tin tín hiệu đường sắt bị đổ sập do bão lớn. Bệnh viện huyện Nam Đông bị đổ sập, may có 30 bệnh nhân vừa được sơ tán kịp thời. Có 70% địa phương trong tỉnh bị mất điện lưới do nước ngập hoặc bị cây đổ đè lên. Sau bão, thành phố Huế ngổn ngang cây đổ, có cả những cây cổ thụ gần trăm năm tuổi cũng bị gãy đổ. Nhiều tuyến đường thuộc Đại Nội-Huế, và các phường Phú Hiệp, Phú Bình, Phú Hâu, xã Thủy An... ngập sâu trong nước.

Ông Nguyễn Xuân Lý, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Biện pháp cấp bách nhất của địa phương hiện nay là tập trung lo chỗ ăn ở cho hàng ngàn người dân bị thiệt hại về nhà cửa. Tỉnh đã chuẩn bị được 300 tấn lương thực, 30 tấn mì tôm cùng nhiều loại hàng hóa, chuẩn bị cứu trợ cho vùng bị nạn.

Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai lực lượng giúp ổn định dân cư một số khu vực tại eo biển Hòa Duân, vùng ven đầm phá, và vùng khu vực Cầu Hai-Lăng Cô do nước biển đang dâng cao từ 0,8m đến 1m để sơ tán và giúp dân ổn định cuộc sống...

Công điện khẩn của BCĐ phòng chống lụt bão TƯ và UBQG tìm kiếm cứu nạn điện :

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão-TKCN các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum

Mực nước các sông đang lên nhanh nguy cơ về lũ quét và sạt lở đất đang ở mức cao. Để chủ động bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương-Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố:

1. Thực hiện ngay việc sơ tán dân tại các vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

2. Tổ chức lực lượng canh gác tại các bến đò ngang, đò dọc, ngầm qua sông, suối và những nơi nước chảy xiết để hướng dẫn người và phương tiện qua lại đảm bảo an toàn. Ngăn không cho dân sống ở ven sông, suối ra vớt củi.

3. Triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động.

4. Các cơ quan thường trực Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão-Tìm kiếm cứu nạn các địa phương duy trì lực lượng, phương tiện thường trực tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch, sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống.

5. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, báo cáo thông tin kịp thời để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra và báo cáo kịp thời mọi diễn biến về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

--------------

* Trưa 1/10,Tiến sĩ Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm cho biết: Tất các cơ sở y tế đều đáp ứng tốt về phương tiện, thuốc men cho nhu cầu chăm sóc, cấp cứu nạn nhân bị chấn thương do tác động của bão số 6 gây ra. Riêng tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, từ 8 giờ sáng đến nay đã tiếp nhân trên 70 nạn nhân bị chấn thương do cơn bão số 6 gây ra trong đó 2 trường hợp đã tử vong,..

Đến chiều 30/9/2006 theo sự chỉ đạo của Bộ y tế các Công ty Dược Trung ương 3 và Công ty thiết bị y tế Trung ương 3 đã chuyển đến 8 tỉnh, thành phố trong vùng chịu ảnh hưởng của bão số 6 gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên - mỗi Sở Y tế 30 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 100.000 viên CloraminB và 100 áo phao để phục vụ công tác phòng chống bão và tìm kiếm, cứu chữa nạn nhân. Sở Y tế các địa phương chủ động huy động thêm phương tiện, thuốc men, lực lượng cứu hộ tại chỗ để đáp ứng công tác y tế trong mưa bão. Cụ thể như sau :

Tại công điện khẩn số 794/CĐ/BYT Bộ Y tế khẳng định: Tuyệt đối không để bất cứ bệnh nhân và cán bộ y tế nào bị chết, bị thương do mưa bão gây ra; Di chuyển toàn bộ thuốc, hoá chất và thiết bị y tế đến nơi an toàn. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố phải sẵn sàng các đội cấp cứu lưu động chi viện cho tuyến dưới khi có yêu cầu.

Bộ y tế yêu cầu, các Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực miền Trung, Tây nguyên sẵn sàng thuốc, hoá chất, cán bộ chuyên môn hỗ trợ các địa phương làm công tác thanh khiết môi trường, phòng chống dịch bệnh sau bão. Đồng thời kết hợp chặt chẽ với Quân y Quân khu 4, Quân khu 5 trong việc tổ chức phòng chống, tìm kiếm, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả do bão gây ra. Đối với nạn nhân các cơ sở y tế phải sẵn sàng tiếp nhận và cứu chữa không được thu bất cứ khoản phí nào.Toàn bộ chi phí phục vụ nạn nhân bị ảnh hưởng của bão số 6 của các cơ sở y tế báo cáo UBND tỉnh, thành phố và Bộ Y tế giải quyết.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.