Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Huế nên tận dụng thế mạnh văn hóa lịch sử, vẻ đẹp riêng có

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Huế có tiềm lực ít có nơi nào sánh được, là một thành phố di sản với quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, thắng cảnh kỳ vĩ ít nơi nào sánh kịp. (Ảnh: Ngọc Văn)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Huế có tiềm lực ít có nơi nào sánh được, là một thành phố di sản với quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, thắng cảnh kỳ vĩ ít nơi nào sánh kịp. (Ảnh: Ngọc Văn)
TPO - Làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Huế có tiềm lực ít có nơi nào sánh được, là một thành phố di sản với quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, thắng cảnh kỳ vĩ ít nơi nào sánh kịp. Do đó, để phát triển Huế, nên tận dụng thế mạnh văn hóa lịch sử, vẻ đẹp bình an, lãng mạn riêng có “chẳng nơi nào có được”.    

Ngày 2/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ có chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Huế có tiềm lực ít có nơi nào sánh được, là một thành phố di sản với quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, thắng cảnh kỳ vĩ ít nơi nào sánh kịp. Do đó, để phát triển Huế, nên tận dụng thế mạnh văn hóa lịch sử, vẻ đẹp bình an, lãng mạn riêng có “chẳng nơi nào có được”. Huế cần tiếp tục có giải pháp đột phá mạnh mẽ về du lịch dịch vụ, phải làm đều đặn, có chiều sâu.

Báo cáo với đoàn công tác của Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: năm 2017, kinh tế của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, 12/13 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, thu ngân sách hơn 6.928 tỷ đồng, bằng 101% dự toán, tăng 14,2% so với năm 2016. Chỉ tiêu duy nhất không đạt là tăng trưởng kinh tế, với 7,76% (kế hoạch là 8-8,5%), xếp thứ 5/12 tỉnh khu vực miền Trung. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND tỉnh, đây là mức tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh kinh tế còn gặp khó khăn.

Huế nên tận dụng thế mạnh văn hóa lịch sử, vẻ đẹp riêng có ảnh 1

Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ với lãnh đạo tỉnh TT-Huế, cùng đại diện các ban, ngành địa phương. (Ảnh: Ngọc Văn)

Những khó khăn của Huế cũng đã được nêu ra tại cuộc làm việc, đó là quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng chậm, chưa xuất hiện những nhân tố có tính đột phá; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao… Bên cạnh đó, năm 2017, Thừa Thiên-Huế chịu ảnh hưởng nặng nề từ các trận mưa lũ dồn dập, gây tổng thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng.

Tỉnh đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, cùng các bộ ngành liên quan xem xét chủ trương tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD cho dự án Laguna Lăng Cô và cho phép đầu tư kinh doanh casino tại đây; đề nghị bổ sung quy hoạch 2 sân golf tại các xã Vinh Xuân - Vinh An (huyện Phú Vang) và Lộc Bình (huyện Phú Lộc); ủng hộ thống nhất khôi phục 139 biệt thự trên đỉnh Bạch Mã, cho phép xây tuyến cáp treo tại đây; đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài; gia hạn hiệp định vay vốn dự án cải thiện môi trường nước tại Huế…

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực mà Thừa Thiên-Huế đạt được, nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra tình hình phát triển của tỉnh này hiện ở mức dưới tiềm năng, chưa tạo được đột phá cần thiết, môi trường đầu tư ở mức trung bình, một số dự án lớn còn chậm tiến độ… Thủ tướng lưu ý Huế cần có một quy hoạch tổng thể về phát triển, để địa phương vừa phát triển du lịch lại giữ được nét Huế cổ kính, hài hòa trong tổng thể phát triển của các ngành, tránh cản trở nhau, nhất là giữa công nghiệp và du lịch.

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương đối với các kiến nghị của tỉnh về thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh đối với một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, việc thu hút đầu tư phát triển phải phù hợp với mục tiêu phát triển của tỉnh và phục vụ tốt cho phát triển du lịch, dịch vụ.

Thủ tướng giao cho các bộ, ngành xem xét tham mưu Chính phủ đối với một số dự án đầu tư có tính khả thi, phục vụ ngay và kịp thời cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nhất là việc mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài và đầu tư nguồn lực cho phát triển Đại học Huế.

Đối với việc hỗ trợ di dời, đền bù giải tỏa và tái định cư hơn 3.000 hộ dân trong phạm vi khu vực I khoanh vùng bảo vệ di tích thuộc khu vực kinh thành Huế, Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh đề xuất cơ chế đặc thù, báo cáo Chính phủ xem xét cụ thể vấn đề này.

Huế nên tận dụng thế mạnh văn hóa lịch sử, vẻ đẹp riêng có ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây lưu niệm tại Vườn quốc gia Bạch Mã. (Ảnh: Ngọc Văn)

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) tại Khu du lịch Laguna Lăng Cô; thăm, làm việc tại Vườn Quốc gia Bạch Mã và Đại học Huế.

Tại Khu du lịch Laguna Lăng Cô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Tập đoàn Banyan Tree tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án, nhằm đưa Laguna Lăng Cô trở thành khu nghỉ dưỡng phức hợp hàng đầu Việt Nam và vươn tầm khu vực.

Thăm Vườn quốc gia Bạch Mã, Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu của vườn trong nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học độc đáo của Bạch Mã, đồng thời, ghi nhận các ý kiến đề xuất nhằm phát triển du lịch bền vững tại đây.

Huế nên tận dụng thế mạnh văn hóa lịch sử, vẻ đẹp riêng có ảnh 3

Thủ tướng thăm, làm việc và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, giảng viên Đại học Huế và lãnh đạo tỉnh TT-Huế. (Ảnh: Ngọc Văn)

Tại Đại học Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương tìm mọi nguồn lực với đề xuất hỗ trợ dự án đầu tư khu đô thị đại học xứng tầm với vị trí của Đại học Huế, đây phải là một trung tâm đổi mới; đồng thời, giao cho chính quyền địa phương vận động, thúc đẩy mạnh mẽ hơn để Huế sớm có đô thị đại học, cũng như giao quyền cho Đại học Huế tăng tính tự chủ hoạt động.

MỚI - NÓNG