“Hung thần” hoành hành giữa Thủ đô

Khi bị dừng, đất vẫn rơi xuống đường từ xe 30T-7816, nhưng CSCĐ chỉ xử lý qua loa rồi bỏ đi (ảnh lớn). Sáng 5/2 xe bồn chạy vào đường cấm và cuốn xe máy vào gầm (ảnh nhỏ). Ảnh: Anh trọng.
Khi bị dừng, đất vẫn rơi xuống đường từ xe 30T-7816, nhưng CSCĐ chỉ xử lý qua loa rồi bỏ đi (ảnh lớn). Sáng 5/2 xe bồn chạy vào đường cấm và cuốn xe máy vào gầm (ảnh nhỏ). Ảnh: Anh trọng.
TP - Xe cơi thùng, đất đá chất cao ngất ngưởng, chạy khắp các con đường từ nội thành đến ngoại thành Hà Nội. Xe quá tải còn còi to, phóng nhanh, làm rơi vãi đất, khiến người đi đường, khu dân cư khiếp đảm.

Hoành hành suốt đêm

Hà Nội - nơi các quy định chống xe quá tải được phát đi nhưng hiện đang là một địa bàn nhức nhối về tình trạng này. Xe quá tải lộng hành với số lượng lớn, khắp các tuyến đường ngay giữa nội thành, đặc biệt là về đêm.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, tại ngã tư Phạm Văn Đồng - Xuân Thủy, từ 0 giờ 15 đến 0 giờ 35 ngày 14/1 có tới 9 chiếc xe Howo (thường gọi là xe hổ vồ - loại xe ben tự đổ, phá đường nhiều nhất hiện nay) băng qua. Các xe này chạy theo tốp, chủ yếu theo hướng đường Phạm Văn Đồng về Phạm Hùng.

Trong đó, nhiều nhất là xe gắn tên Cty Vận tải Hòa Bình. Đơn cử, thời điểm 1 giờ 35 ngày 14/1 có liên tiếp 5 chiếc xe Howo lưu thông, trong đó, 3 chiếc thuộc công ty này.

Theo kinh nghiệm của lực lượng kiểm tra tải trọng thuộc Tổng cục Đường bộ, xe Howo loại 3 chở đất đá trong thùng cao ở mức 54-60cm (tương đương với 1 khoang của thùng xe) là đầy tải (24 tấn, cả xe và hàng). Tuy nhiên, những chiếc xe trên hầu hết có thùng cao trên dưới 2 m, được chia làm 3 hoặc 4 khoang; nhiều xe còn chất cao, vượt thành của thùng xe.

Tổng cục Đường bộ khuyến khích người dân và doanh nghiệp phát hiện xe quá tải tại Hà Nội và các tỉnh thành thông báo về số điện thoại đường dây nóng 0915.869.900 do ông Đặng Văn Chung cầm máy. Ông Chung cho biết, nhiều người dân, các DN vận tải hàng hóa muốn cạnh tranh bình đẳng (về tải trọng) đã báo nhiều tin quan trọng và được chuyển ngay về các các đội kiểm soát tải trọng xe để bắt giữ, xử lý.

Điểm tập kết của những xe này thường là các khu nhà cao tầng, công trình đường giao thông đang được xây dựng. Khoảng 23 giờ đêm 19/1 và 20/1, nhóm phóng viên có mặt tại dự án FLC Complex tại 36 đường Phạm Hùng phát hiện: Từ dự án này, nhiều chiếc xe Howo 3 trục, có thùng xe 3 tầng thường xuyên ra vào chở theo đầy đất và cát.

Tại nút giao Phùng Chí Kiên- Hoàng Quốc Việt, sau 23 giờ, nhiều xe tải chở đầy đất đá, không che chắn, chạy với tốc độ cao vào khu công trường Tràng An Complex.

Tại đây luôn có người hoa tiêu. Có thời điểm, nhận “tín hiệu” của người này, 3 đến 4 chiếc xe tải cùng đợi để vào công trường, chiếm hết lòng đường. Những xe này thường xuyên vượt đèn đỏ, tiếng động cơ gầm rú, còi xe phá tan không gian ban đêm ở khu đông dân cư tại đây.

Ở phía Đông Hà Nội, quận Long Biên là địa bàn đông đúc xe quá tải hoạt động, nhiều nhất là dọc QL 5 và đường Cổ Linh. Sau nhiều ngày quan sát, nhóm PV Tiền Phong phát hiện những đoàn xe Howo 3 trục, chở đầy đất (bằng mắt thường cũng có thể nhận biết quá tải hơn 200%) gắn tên Cty Sông Hồng, biển số tỉnh Hà Nam.

Các xe này thường qua tuyến đường Cổ Linh - Thạch Bàn rồi rẽ vào ngõ số 3 đường Thạch Bàn. Tiếp tục bám đuôi theo những chiếc xe này vào con đường nhỏ, đang xuống cấp, chúng tôi phát hiện điểm tập kết khá bất ngờ: Bãi tập kết nguyên liệu làm gạch của Cty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn.

“Hung thần” hoành hành giữa Thủ đô ảnh 1

Sáng 5/2, xe bồn chạy vào đường cấm và cuốn xe máy vào gầm. Ảnh: Otofun.

Các tỉnh “ganh tị” với Thủ đô

Ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng ATGT, Tổng cục Đường bộ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Kiểm soát tải trọng xe cho hay: Qua theo dõi và so sánh với các địa bàn khác trên cả nước cho thấy, Hà Nội là một trong những điểm nóng về xe quá tải.

Ngoài khu vực nội thành, xe quá tải thường tập trung nhiều nhất tại khu vực thị trấn Xuân Mai (gần các mỏ đất đá), dọc QL 6 qua huyện Chương Mỹ (nơi có nhiều nhà máy chế biến cám), dọc QL 1A, QL5 và QL 18, đại lộ Thăng Long và cả đường vành đai 3 trên cao. “Rất nhiều xe quá tải, thậm chí xe không có biển số, chở công khai cả ban ngày” - ông Chung nói.

Theo ông Chung, thời gian qua, các lực lượng chống xe quá tải của Hà Nội đã vào cuộc nhưng chưa có chuyển biến rõ rệt. Việc xe quá tải lộng hành ngay Hà Nội đã ảnh hưởng lớn đến công tác chống xe quá tải ở các địa phương khác.

“Chúng tôi biết Hà Nội có nhiều việc nhưng khi đi các tỉnh, anh em làm công tác chống xe quá tải và cả các doanh nghiệp đều có ý kiến rằng: Hà Nội là trung tâm nhưng còn nhiều xe quá tải, trong khi địa bàn của họ lại bị làm rát quá”- ông Chung nói.

Trong cuộc họp mới đây, GĐ Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, các cơ quan ban ngành của Hà Nội đã lên kế hoạch để kiểm soát tình trạng xe quá tải.

Hiện tại, Sở GTVT đã giao nhiệm vụ chống xe quá tải cho lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với UBND các quận huyện thực hiện. “Chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp để thực hiện được mục tiêu năm 2015 không còn xe quá tải của Bộ trưởng GTVT đưa ra”, ông Viện nói.             

Nhiều cái chết liên quan đến xe tải

Gần đây, Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến xe quá khổ, quá tải. Sáng 26/1, tại khu vực gầm cầu Thăng Long (phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm), một xe tải đâm vào xe máy khiến một người tử vong tại chỗ.

Chiều cùng ngày, tại đường dẫn lên cầu Thanh Trì (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai), một chiếc xe tải khiến người đi xe đạp bị chết. Vào khoảng 14 giờ ngày 27/1, một cô giáo trẻ đi trên đường Phạm Hùng bị xe tải từ phía sau đâm phải, nạn nhân chết ngay sau đó.

Như Tiền Phong nhiều lần phản ánh, các vệt hằn dài trên đường (do xe quá tải góp phần gây nên) rất nguy hiểm với người tham gia giao thông, đặc biệt là xe máy. Khi người điều khiển xe máy đi vào vệt hằn lún sẽ mất khả năng kiểm soát tay lái, dễ va vào xe ô tô.

Bảo An

MỚI - NÓNG