Hưng Yên: Bùng phát dịch tai xanh vì bệnh thành tích?

Hưng Yên: Bùng phát dịch tai xanh vì bệnh thành tích?
Đến nay, dịch tai xanh "tấn công" đàn lợn ở Hưng Yên đã hơn 3 tuần và diễn biến khá phức tạp với những nguy cư khó lường. Dù khắp nơi có lợn ốm bệnh nhưng trong các báo cáo thì dịch mới chỉ xảy ra ở duy nhất "11 xã thuộc 1 huyện" là Văn Lâm.
Hưng Yên: Bùng phát dịch tai xanh vì bệnh thành tích? ảnh 1
Hình minh họa

Bà con Hưng Yên lắc đầu: Cả huyện Văn Lâm xảy ra dịch bung bét lại nằm trải dài tiếp giáp từ Văn Giang, Mỹ Hào đến Yên Mỹ. Lợn bệnh được bán chạy đi khắp nơi mà lại bảo không lây lan?

Tại vùng tâm điểm dịch là Văn Lâm, các báo cáo cũng đều nhấn mạnh đang tập trung ngăn chặn dịch, nhưng nhiều người thắc mắc: "Tại sao càng dập, dịch càng bùng phát ?". Ban đầu là hơn 3 nghìn con bị bệnh; sau vài tuần nay đã lên đến trên 15 nghìn con, hơn 7 nghìn con đã chết và bị tiêu huỷ..

Trong buổi họp cuối tháng 4 mới đây của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm tỉnh, nhiều ý kiến thẳng thắn thừa nhận có nhiều trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh, vứt xác lợn chết ra môi trường.

Có ý kiến cũng đề nghị nên lấy mẫu kiểm dịch để công bố dịch rộng rãi cho nhân dân được biết mà tăng cường phòng chống; nhưng vấn đề này bị "cho qua". Nội dung trọng tâm đưa ra trong báo cáo để bàn bạc vẫn là "tập trung dập tắt dịch trong thời gian ngắn nhất" ở Văn Lâm, không để lây lan ra các huỵên khác.

Rồi tiếp đó vài ngày, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp& Phát triển nông thôn đã về kiểm tra tình hình tai xanh. Và thông tin báo cáo đến Bộ lúc này thì dịch cũng chỉ dừng lại ở Văn Lâm!. Dân Hưng Yên lại ngao ngán: Đến Bộ cũng vẫn bị nghe nói dối!

Xung quanh chuyện dịch chỉ được "khoanh vùng tại Văn Lâm", bà con Hưng Yên đã có nhiều lời bàn ra tán vào. Theo bà con Mỹ Hào: thực ra Văn Lâm bị dịch "tấn công" quá dữ; riêng về số lượng đã nhiều hơn cả của các tỉnh xung quanh rồi nên đành phải công bố. Các huỵên khác bị đầy ra đấy nhưng có ai dám báo đâu, vì còn phải giữ "bí mật" để mọi sự được bình an.

Lý do "không có dịch" đơn giản là: Thứ nhất, để bảo đảm an toàn cho bà con chăn nuôi không bị thiệt hại, vì dịch xảy ra, lợn không tiêu thụ được.

Thứ hai, thời điểm này còn chuẩn bị tập trung cho Đại hội rồi nên địa phương nào cũng im lặng cho qua để còn "lập thành tích"! Còn nếu để xảy ra dịch sẽ bị cho là phòng dịch kém, là chủ quan, lơ là nên nơi nào cũng ngại trách nhiệm.

Thứ ba, các báo cáo về tình hình dịch bệnh đều phản ánh dịch mới chỉ ở Văn Lâm nên kiên quyết lập thành tích trong việc "chặn đứng" dịch ở Văn Lâm, không thể có chuyện để lây sang huỵên khác được!

Song cả 3 lý do trên đều đang dẫn đến những hậu quả khó lường.

Ở những nơi có lợn bệnh nhưng không công bố dịch nên không khoanh vùng dập dịch, lợn ốm vẫn được vận chuyển bừa bãi, mang mầm bệnh rải đi khắp nơi để dịch bệnh cứ bùng phát tràn lan. Hậu quả vẫn là bà con chăn nuôi hứng chịu thiệt mọi bề.

Theo TTXVN

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG