Hủy thầu quốc tế cao tốc Bắc - Nam

Một số đoạn cao tốc Bắc Nam chuyển từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước.
Một số đoạn cao tốc Bắc Nam chuyển từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước.
TP - Chiều 24/9, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chính thức phát thông báo quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức đối tác công - tư (hình thức hợp đồng BOT). Đây có thể coi là quyết định rất hợp lòng dân. Chuyên gia và doanh nghiệp đồng loạt lên tiếng ủng hộ.

Chỉ 7/60 nhà đầu tư qua sơ tuyển

Theo Bộ GTVT, sau khi đánh giá các yếu tố, trách nhiệm pháp lý quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành và Luật Đấu thầu; trên cơ sở thống nhất của các cơ quan liên quan, Bộ GTVT quyết định: “Hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”. Hiện tại, Bộ GTVT đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai dự án. Mọi thông tin về các bước thực hiện tiếp theo sẽ được Bộ GTVT kịp thời cung cấp rộng rãi để nhân dân biết và giám sát.

Bộ GTVT cho hay, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2017 - 2020) là dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò và ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước. Với 8 đoạn kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã phát hành hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế. Sau 2 tháng phát hành, Bộ GTVT đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển. Tuy nhiên, qua đánh giá hồ sơ, có tới 4/8 đoạn dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; 1 dự án có 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.

“Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao”, Bộ GTVT đánh giá. Bộ này đồng thời cho rằng, quyết định hủy chào thầu quốc tế, chuyển sang chào thầu trong nước nhằm triển khai dự án trên trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đặc biệt, để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án, nâng cao năng lực xây dựng. 

Nhà đầu tư nội tự tin

Trao đổi với PV Tiền Phong, trên cương vị nhà đầu tư đã làm một số dự án BOT giao thông, và nộp hồ sơ dự thầu dự án ở một số đoạn cao tốc Bắc - Nam, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tasco Phạm Quang Dũng ủng hộ quyết định của Bộ GTVT. Theo ông, đây là quyết định nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước, để có việc làm, nâng cao năng lực. Vì nếu đấu thầu quốc tế, chắc chắn các nhà đầu tư trong nước sẽ lép vế, cả về năng lực kinh nghiệm lẫn năng lực tài chính. Chuyển sang chỉ đấu thầu trong nước, về năng lực và kinh nghiệm xây dựng doanh nghiệp trong nước đáp ứng được. Đặc biệt, lợi thế của cao tốc Bắc - Nam là nhà nước bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, vì mặt bằng lâu nay là trở ngại không nhỏ với các dự án.

Tuy vậy, theo ông Dũng, các nhà đầu tư trong nước không dễ đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính. Đặc biệt, hiện tại, tín dụng ngân hàng cho giao thông đã tới hạn, nếu không thu xếp được vốn, có trúng thầu cũng thua. Do đó, muốn làm, nhà đầu tư trong nước phải liên danh 5-7 đơn vị với nhau để đảm bảo điều kiện về vốn tự có. Vì mỗi đoạn cao tốc có vốn đều trên dưới 10.000 tỷ đồng, tức vốn tự có của các nhà đầu tư, hoặc liên doanh cũng phải 2 -3 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện này không nhiều.

Cùng đó, nhà nước nên lựa chọn 1 số đoạn có nhu cầu cao để làm trước, không làm ồ ạt, kinh tế phát triển tới đâu làm tới đó. Ngoài ra, Bộ GTVT sau khi chuyển đấu thầu nội địa, có thể giảm một số tiêu chí, đặc biệt về vốn.

Trước đó, Hiệp hội Các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ Việt Nam cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ dừng việc chấm hồ sơ và hủy sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư quốc tế cho một số đoạn cao tốc Bắc - Nam. Hiệp hội này lập luận rằng, nếu làm thế, các doanh nghiệp trong nước sẽ không có cơ hội tham gia đầu tư và tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu các doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu. Thực tế, số doanh nghiệp trong nước nộp hồ sơ sơ tuyển khá thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, hiệp hội này kiến nghị đánh giá lại tổng thể 8 dự án kêu gọi đầu tư PPP, xem xét chọn một số dự án (khoảng 3-4 dự án) để tổ chức đấu thầu trong nước. Các dự án còn lại để đấu thầu quốc tế, hoặc thực hiện sau.

Rất đồng tình nhưng cần cấm mua đi bán lại

PGS.TS Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng Khoa Quản lý Giao thông, Đại học Bách khoa TPHCM) cho rằng, việc Bộ GTVT chuyển đấu thầu cao tốc Bắc - Nam sang nội địa là việc làm quá tốt. Đồng thời, với các nhà đầu tư trong nước sẽ dễ dàng kiểm soát được chất lượng từ thiết kế tới thi công, quản lý vận hành sau này. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cũng có cơ hội để phát triển.

Tuy nhiên, Bộ GTVT phải tuyển chọn kỹ càng nhà đầu tư hơn, không phải nhà đầu tư nào cũng làm được. Với các đơn vị liên kết đầu tư, phải có nhà đầu tư dẫn đầu liên doanh, để đảm bảo năng lực tài chính, kinh nghiệm, trách nhiệm. Tránh tình trạng như một số đự án BOT giao thông thời gian qua, do trong nước thực hiện, khi có nhóm lợi ích, làm kém chất lượng, mập mờ.

Đặc biệt, nhà đầu tư trong nước thường mua đi, bán lại dự án, với dự án cao tốc Bắc - Nam phải tuyệt đối cấm. Đồng thời, ngăn chặn các nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, không có tiền vẫn tham gia, dẫn tới mua đi bán lại, hoặc chậm tiến độ, chất lượng kém. Thậm chí, Nhà nước có thể lập hội đồng thẩm định độc lập với các nhà đầu tư, thay vì chỉ mình Bộ GTVT chấm thầu. Đồng thời, có thể chia nhỏ các đoạn tuyến, làm theo hình thức cuốn chiếu, đoạn nào cần làm trước, chưa cần để sau...

“Nếu áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, chắc chắn các doanh nghiệp trong nước sẽ đủ sức đầu tư, xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam hoàn chỉnh, thay vì đi tìm nguồn lực từ nước ngoài, trong khi trong nước đang thiếu việc”, ông Mai nói.

Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy cũng đồng tình với việc đấu thầu trong nước 1 số đoạn cao tốc Bắc - Nam. Đặc biệt, sau khi mở hồ sơ sơ tuyển, số lượng nhà thầu Trung Quốc chiếm áp đảo ở tất cả 8 dự án. Trong đó, có Cty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, doanh nghiệp đang là tổng thầu EPC Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (dự án đội vốn và đang chậm tiến độ kéo dài, đến nay chưa thể vận hành được). Ngoài ra, cao tốc Bắc - Nam đi qua các khu vực trọng yếu quốc gia, càng phải cẩn trọng. Với nhà thầu trong nước, ông Thủy cũng cho rằng, nên liên kết lại để thực hiện, đảm bảo năng lực về tài chính, nhân lực, thiết bị.

Cao tốc Bắc - Nam dài 2.109 km, nối từ Lạng Sơn tới Cà Mau, hiện đã khai thác và đang xây dựng 1 số đoạn dài 601 km. Giai đoạn 2017-2021, tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 11 đoạn, tổng mức đầu tư khoảng 118.700 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia khoảng 55.000 tỷ đồng.

Trong 11 đoạn, có 3 đoạn đầu tư công, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2. Với 8 đoạn kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, với số vốn nhà đầu tư phải thu xếp khoảng 63.716 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu các nhà đầu tư khoảng 12.743 tỷ đồng, còn lại là vốn vay), gồm các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Số lượng nhà thầu Trung Quốc chiếm áp đảo ở tất cả 8 dự án. Trong đó, có Cty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, doanh nghiệp đang là tổng thầu EPC Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (dự án đội vốn và đang chậm tiến độ kéo dài, đến nay chưa thể vận hành được).

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.