Huyện có 60 ngân hàng

Ngân hàng LTCĐ thôn 7, xã Đăk Uy dân vay hết lúa trong kho. Ảnh: Nguyên Khanh
Ngân hàng LTCĐ thôn 7, xã Đăk Uy dân vay hết lúa trong kho. Ảnh: Nguyên Khanh
TP - Hàng năm vào mùa giáp hạt, đồng bào các dân tộc ít người trên địa bàn huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum thường rơi vào tình trạng thiếu đói. Sáng kiến xây dựng các Ngân hàng lương thực cộng đồng ở huyện Đăk Hà thực sự hữu ích cho họ .

> Cải thiện đời sống nông dân, tăng cường phát huy dân chủ

A Hrúi vay lúa của Ngân hàng LTCĐ thôn Kon Stiu II
A Hrúi vay lúa của Ngân hàng LTCĐ thôn Kon Stiu II.
 

Giải cứu dân nghèo

Gia đình A Hrúi (dân tộc Xê Đăng) làng Kon Stiu II, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà gồm 7 miệng ăn, có 2 sào ruộng trồng lúa nước, 4 sào mì ( củ sắn) , 5 sào cao su. Do kỹ thuật canh tác lạc hậu, lúa năng suất thấp, mì thu không đủ trả nợ, cao su mới trồng chưa khai thác nên hàng năm cứ đến mùa giáp hạt, ông lại tất tả ngược xuôi bán mì non lấy tiền mua gạo.

A Hrúi bảo: “ Mỗi sào mì nếu để đến cuối vụ thì mình kiếm được ít nhất cũng vài triệu đồng, còn bây giờ bán non cho người ta chỉ được 1,5 triệu đồng”. Mùa giáp hạt này, ông đang định tìm người bán mì thì được Ngân hàng Lương thực Cộng đồng (LTCĐ) cấp …thôn cho vay 1 tạ lúa. Mừng như bắt được vàng, ông gác lại dự định bán mì non. Không riêng gì A Hrúi, ở làng Kon Stiu II có 22 lượt hộ đã vay Ngân hàng LTCĐ.

Anh Phạm Hữu Hùng, người Kinh, vào đây lập nghiệp được dân làng bầu làm Thôn trưởng thôn Kon Stiu II, kiêm Tổ trưởng Tổ quản lý Ngân hàng cho biết: Lãi suất cho vay do người dân bàn bạc và quyết định.

Theo quy chế của Ngân hàng, vay 3 tháng trở xuống lãi suất 10%, vay từ trên 3 tháng đến 5 tháng lãi suất 20%... Khoản lãi suất này không phải để trả công cho Tổ quản lý, người coi kho mà để bù vào hao hụt (do chuột phá, chim ăn…), quay vòng cho người nghèo vay và để bà con có ý thức trách nhiệm khi vay.

Kho chứa lúa của Ngân hàng LTCĐ thôn Kon Stiu II
Kho chứa lúa của Ngân hàng LTCĐ thôn Kon Stiu II.
 

Dân làng Kon Stiu II làm ruộng ít, hàng năm nhiều người thiếu ăn 2-3 tháng. Việc bán mì non được dân buôn quy đổi theo lối “trời ơi”: lấy một bao gạo 50 kg thì đến mùa thu hoạch bà con phải trả 400 kg mì khô. Quy ra gạo 50 kg x 11.000 đồng/kg = 550.000 đồng; còn mì 400 kg x 4.000 đồng/kg = 1.600.000 đồng .

Vậy nên đồng bào làm ra bao nhiêu, dân buôn hưởng hết. Giá mì lên, bà con vẫn trắng tay. Biết vậy, nhưng bà con không còn lựa chọn nào khác! Việc mỗi hộ được vay trong lúc ngặt nghèo từ 50-100 kg lúa tuy không nhiều, nhưng đã góp phần giải cứu cho bà con qua cơn khốn khó.

Không như các ngân hàng ở xã Ngọc Wang, Ngân hàng LTCĐ thôn 7, xã Đăk Uy bà con thống nhất lãi suất vay 2%/tháng. Được UBND huyện hỗ trợ 2 tấn lúa, Ngân hàng chia cho 33 hộ khó khăn vay.

A Chan xúc động nói: Gia đình có 11 miệng ăn, nhưng chỉ có 4 sào ruộng với 1 ha mì nên thường xuyên thiếu hụt. Được Ngân hàng cho vay 1 tạ lúa, mình rất mừng.

Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Uy- Trần Đình Trình tâm sự: Nhờ có các Ngân hàng LTCĐ, nạn cho vay nặng lãi, o ép người dân của con buôn từng bước được đẩy lùi. Tuy nhiên, do người dân trong xã thiếu lương thực quá nhiều, nên số lúa huyện hỗ trợ 22,5 tấn (trong đó có 5 tạ gạo) cho các Ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ngân hàng LTCĐ thôn 7, xã Đăk Uy dân vay hết lúa trong kho. Ảnh: Nguyên Khanh
Ngân hàng LTCĐ thôn 7, xã Đăk Uy dân vay hết lúa trong kho.
Ảnh: Nguyên Khanh.
 

Huyện có 60 ngân hàng

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nghĩa Trí, từ đợt bão lũ số 9-2009, nhiều vùng bị cô lập, thiếu lương thực và bị tư thương o ép bán nông sản non trong mùa giáp hạt khiến dân nghèo túng bấn, gồng gánh nợ nần, nên Chủ tịch UBND huyện (nay là Bí thư Huyện ủy) Phạm Đức Hạnh nảy ra ý tưởng xây dựng Ngân hàng LTCĐ.

Mặc dù chưa có tiền lệ, nhưng qua làm điểm ở một số xã, thấy các Ngân hàng LTCĐ đáp ứng nhu cầu người dân và được người dân ủng hộ, đầu năm 2011, UBND huyện chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn triển khai kế hoạch xây dựng Ngân hàng LTCĐ.

Theo kế hoạch, từ năm 2011-2015, huyện sẽ huy động các nguồn lực và ngân sách hỗ trợ xây dựng 63 ngân hàng LTCĐ. Mỗi kho lương thực dự trữ ban đầu 5 tấn (2 tấn gạo, 3 tấn thóc); kinh phí đầu tư xây dựng các kho gần 3 tỷ đồng (bình quân mỗi kho 43 triệu đồng).

Việc xây dựng các kho lương thực do dân làng và chính quyền địa phương chịu trách nhiệm. UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các thôn, làng thành lập tổ quản lý ngân hàng (thành phần gồm: già làng, thôn trưởng và các ban, ngành, đoàn thể thôn).

Mỗi ngân hàng xây dựng một quy chế hoạt động quy định chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, tổ chức quản lý, trách nhiệm của người được vay, huy động đóng góp, đối tượng được vay, mức vay, quy trình cho vay và thu hồi lương thực… rất cụ thể và được UBND xã xác nhận.

Đến thời điểm này, toàn huyện đã xây dựng được 60 ngân hàng lương thực cộng đồng ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện hỗ trợ và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp hơn 100 tấn lúa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG