Huyện dời chợ, tiểu thương bức xúc

Tiểu thương huyện Quảng Điền được thông báo phải dời khỏi khu chợ trung tâm này. Ảnh: Ngọc Văn
Tiểu thương huyện Quảng Điền được thông báo phải dời khỏi khu chợ trung tâm này. Ảnh: Ngọc Văn
TP - Hơn 100 hộ tiểu thương huyện Quảng Điền (tỉnh TT-Huế) nhiều ngày qua đứng ngồi không yên sau khi UBND huyện thông báo dời khu chợ trung tâm thị trấn Sịa đến hoạt động tại bãi giữ xe, nhằm sửa chữa nhỏ, đấu giá lại lô quầy.

Làm khó tiểu thương

Trong đơn kiến nghị gửi báo chí, tiểu thương chợ trung tâm huyện Quảng Điền bày tỏ: Năm 1996, chợ Sịa được xây mới theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Các hộ tiểu thương thỏa thuận kinh doanh trong thời gian 20 năm. 

Tuy nhiên, đến năm 2006, chỉ qua 10 năm sử dụng, khu chợ này buộc phải đóng cửa để dời sang chợ Sịa mới (nay còn có tên khác là Trung tâm Thương mại Quảng Điền). Dù hết sức bức xúc, nhưng sau một thời gian được chính quyền vận động, tất cả tiểu thương đồng ý chuyển về chợ mới. Họ lại tiếp tục tốn thêm tiền để chỉnh trang gian hàng, lô quầy.

Gần 10 năm sau, tiểu thương một lần nữa nhận thông báo của UBND huyện Quảng Điền yêu cầu dời chợ ra hoạt động tại bãi giữ xe, với lý do phục vụ sửa chữa nhỏ, chống dột mái chợ và đấu giá lại lô quầy sau khi gần đáo hạn thuê lô. Thông báo này được đưa ra ngày 13/10.

 “Toàn tỉnh có nhiều khu chợ lớn như Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu, Tây Lộc… hoạt động cả trăm năm nay, nhưng không nơi nào lại làm như cách của huyện Quảng Điền là dời chợ để đấu lại lô. Nếu đến hạn phải đấu giá lại thì UBND huyện nên tạo điều kiện để tiểu thương tiếp tục thuê lô cũ, sao lại đẩy bà con ra bãi giữ xe để sắp xếp đấu lại lô, gây xáo trộn và ảnh hưởng việc làm ăn ổn định lâu nay. Nếu không đáp ứng được mức giá thuê lô mới của huyện, chúng tôi sẵn sàng chuyển khỏi lô cũ để người khác vào kinh doanh”, tiểu thương Vương Thị Hoa nói.

Tiểu thương Hoàng Thị Hằng lo ngại: “Huyện yêu cầu dời chợ như vậy thì một lượng lớn hàng hóa chuyển ra chợ tạm phải quản lý, bảo quản như thế nào trước tác động của mưa, nắng gây hư hỏng, chóng cũ. 

Chúng tôi còn phải mất công bảo vệ suốt ngày đêm, đề phòng mất cắp”. Nhiều tiểu thương cho biết, họ sẵn sàng tạm dừng kinh doanh tại chợ trung tâm trong vòng nửa tháng, thậm chí một tháng, để ban quản lý sửa chữa chợ. “Tôi đề nghị, nếu được thì huyện nên cho sửa chữa theo hình thức cuốn chiếu, nhằm tránh gây gián đoạn việc làm ăn của bà con”, tiểu thương Lê Thị Huế kiến nghị.

Thiếu minh bạch

Nhiều tiểu thương kịch liệt phản đối việc UBND huyện đồng ý giao chợ trung tâm cho doanh nghiệp tư nhân Linh Hải Quân (thị trấn Sịa) quản lý, trong khi doanh nghiệp này không có chút đóng góp nào vào việc xây chợ trung tâm trước đây. 

Ông Phan Gia Phú, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quảng Điền, nói: “Bà con tiểu thương cứ yên tâm, huyện chưa đồng ý giao chợ trung tâm cho bất kỳ doanh nghiệp nào quản lý”. Nhưng tại thông báo ngày 13/10, UBND huyện Quảng Điền khẳng định: “Thống nhất giao cho doanh nghiệp tư nhân Linh Hải Quân là đơn vị kinh doanh khai thác và quản lý chợ trung tâm huyện”.

Làm việc với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, giải thích: “Huyện chỉ đạo bố trí khu chợ tạm là để những hộ tiểu thương bị ảnh hưởng khi sửa chợ có nơi tạm kinh doanh mà thôi, tránh gây gián đoạn việc làm ăn của bà con. 

Ai không bị ảnh hưởng thì không dời. Còn doanh nghiệp được giao quản lý chợ chỉ là đề xuất mà thôi”. Tuy nhiên, tại thông báo ngày 13/10, UBND huyện Quảng Điền chỉ đạo UBND thị trấn Sịa, ban quản lý chợ thông báo cho tiểu thương thời gian, kế hoạch sửa chữa, sắp xếp đấu giá lại các điểm kinh doanh, để bà con di chuyển tài sản ra khỏi chợ khi hết hạn hợp đồng.

MỚI - NÓNG