Huyền thoại Titov với Hạ Long

Mẹ con bà Tamara trước tượng đài Titov.
Mẹ con bà Tamara trước tượng đài Titov.
TP - Ngày 14/9/2015, tại Đảo Ti Tốp trên vịnh Hạ Long, diễn ra một sự kiện biểu thị tình cảm thân thiết đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Nga và sự thủy chung, ân nghĩa trước sau như một của những trái tim Việt Nam: Khánh thành tượng Thượng tướng Gherman Titov, Anh hùng vũ trụ Liên Xô, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô - Việt, nguyên Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Nga - Việt.

Kỳ 1: Người số 2 với nhiều cái đầu tiên

Trong lễ khánh thành tượng Gherman Titov, có nhiều vị khách Nga đặc biệt: GS. TS V.P. Buianov – Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga – Việt; bà Slesova – nguyên Chủ tịch Quỹ Hòa bình Mátxcơva, một người bạn chí thiết của Việt Nam; ông K.V. Vnukov - Đại sứ Nga tại Việt Nam; ông Alexander Putin – người bà con của Tổng thống Putin (đến Việt Nam để giới thiệu cuốn sách “Gia tộc Putin” do ông viết)... Nhưng thu hút nhiều sự chú ý, chính xác hơn là sự quan tâm nhất là những người thân của Gherman Titov: bà Tamara Vasilievna – vợ ông và bà Tatiana Ghermanovna – con gái ông (sinh năm 1963).

Vợ và con gái người anh hùng

Bà Tamara Vasilievna đã 78 tuổi nhưng vẫn giữ được vẻ ngoài khá trẻ, nhỏ nhắn và nhanh nhẹn (năm 2013, gặp bà ở Mátxcơva, tại Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội Hữu nghị Nga – Việt, tôi cứ lấy làm lạ là một phụ nữ Nga ở tuổi gần 80 lại giữ được vẻ bề ngoài như thế). Phát biểu tại buổi lễ, bà đã kể lại câu chuyện Bác Hồ lấy tên của Titov đặt cho hòn đảo nhỏ xinh đẹp trên vịnh Hạ Long mà chồng bà kể lại trong cuốn sách của ông có tên “Hành tinh xanh của tôi” như sau: “Trong chuyến thăm vịnh Hạ Long cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 22/1/1962 - LXS), khi tàu đi qua một trong số ba nghìn hòn đảo trong vịnh, Gherman Titov đã xin phép Bác Hồ (vâng, Chủ tịch đã cho phép Gherman gọi Người là Bác) cho xuống bơi bên hòn đảo có bãi cát nhỏ. Dịp đó nhiệt độ nước biển là 16 độ C, nên Bác Hồ hỏi: “Cháu không sợ rét à?”… Một lát sau, Bác Hồ và Gherman đi xuồng vào đảo.

- Các chú, đây là đảo gì? – Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi thuyền trưởng hải quân làm nhiệm vụ chở đoàn.

- Thưa Bác, đảo này được đánh số 46 (có tài liệu nói 48 – LXS) ạ.

Bác nói:

- Có lẽ Gherman không ở thăm nước ta mãi được,  nhưng chúng ta sẽ có cách để lưu chú ấy ở lại đây mãi.

Quay sang Gherman Titov, Người nói: “Tặng cháu hòn đảo này. Cháu cứ sang đây, Bác và mọi người lúc nào cũng vui mừng”.

Và Chủ tịch nói với thuyền trưởng: “Cháu cho sửa lại trên bản đồ nhé, từ nay gọi là “Đảo Ti Tốp””.

Thực ra, trước đó dân gian gọi hòn đảo này bằng mấy cái tên khác nhau. Tên cũ xưa của nó là Cát Nàng. Năm 1905 một tàu chở hàng của Pháp khi vào Vịnh Hạ Long đã đâm vào đá ngầm do không thông thạo luồng lạch và bị đắm ở vũng Con Cóc, các thủy thủ  đuối nước được đưa về chôn ở đảo này nên đảo có thêm tên là Hồng Thập Tự hay đảo Nghĩa Địa. Không giống một vài trường hợp được đặt tên mới nhưng vẫn bị gọi theo tên cũ, từ nhiều năm nay, người dân Việt Nam đều thống nhất gọi đảo này là đảo Ti Tốp.

Trên con tàu du lịch từ bến đến du thuyền Tuần Châu ra đảo Ti Tốp, tôi thấy có lúc bà Tamara lặng lẽ một mình ra góc mũi tàu, vẻ mặt rất đăm chiêu, tư lự. Tôi lại gần hỏi bà về các chuyến đi Việt Nam trước đây. Bà nói đây là chuyến đi thứ ba của bà sang Việt Nam. Chuyến đầu tiên năm 1981, khi Titov còn sống. “Tôi hơi bồi hồi vì đã từng cùng Gherman ở vịnh này. Giờ thì chỉ có mình tôi” - Bà giải thích tâm trạng của mình.

Tamara Vasilievna không cười khi bước chân lên đảo Ti Tốp. Nét mặt bà nghiêm nghị, có phần căng thẳng. Có thể hiểu được, vì bà nhìn thấy tượng người chồng thân yêu đã đi xa chẵn 15 năm của mình trên một hòn đảo nước khác nằm cách rất xa quê hương. “Bà thấy tượng có giống ông nhà không?” – Tôi hỏi. Bà đáp: “Những nét chung thì giống, quan trọng là thần thái”. Cũng trả lời câu hỏi đó, con của Titov, bà Tatiana nói: “Cái chính là ông sẽ ở đây với các bạn”. Bà Tamara khóc khi thấy các thiếu nữ Việt Nam trình bày điệu múa Nga trước tượng đài chồng. Tôi nhìn sang người con và thấy bà Tatiana cũng lấy tay chấm chấm dưới mắt.

Huyền thoại Titov với Hạ Long ảnh 1

Bác Hồ với Titov (người chèo thuyền) trên vịnh Hạ Long.

Chuyến bay lịch sử

German Titov là phi công vũ trụ số 2 của Liên Xô và số 4 của thế giới bay vào khoảng không ngoài khí quyển trái đất  (sau Gagarin và hai phi công vũ trụ Mỹ Alan Shepard and  Virgil Grissom).

Tháng 8/1961, 4 tháng sau Gagarin, ông bay vào Vũ trụ trên con tàu Phương Đông II. Không phải là người mở đầu, nhưng ông vẫn ghi dấu ấn đặc biệt vào lịch sử chinh phục vũ trụ bởi ông là người đầu tiên làm nhiều điều trên quỹ đạo bên ngoài trái đất. Ông là người đầu tiên bay hơn 1 ngày trên quỹ đạo (Gagarin bay 108 phút, 1 vòng quanh trái đất, còn 2 nhà du hành Mỹ thì thậm chí chỉ ở trên quỹ đạo có 15 phút). 

Trong thời gian 25 giờ 18 phút, ông bay 17,5 vòng quanh trái đất. Ông là người đầu tiên ngủ trong vũ trụ, mặc dù lúc đầu ông gặp phiền toái vì hai tay hai chân ông cứ tự động bay lên trong tình trạng không trọng lượng, ông phải khắc phục bằng cách thắt dây an toàn qua cả hai cánh tay. Và khi thiếp đi được, ông đã ngủ “ngon như một đứa trẻ” (lời của chính ông) lâu hơn dự kiến đến nửa tiếng đồng hồ.  

Ông bỏ lỡ một lần liên lạc với trung tâm chỉ huy. Trong thời gian ngủ, con tàu đã mang ông đi trọn 1 vòng quỹ đạo quanh trái đất.  Ông là người đầu tiên điều khiển tàu bằng tay trên quỹ đạo. Titov là người đầu tiên chụp ảnh trái đất và quay phim trái đất bằng tay từ vũ trụ. 

Bữa ăn đầu tiên của con người trong vũ trụ cũng do Titov thực hiện, thức ăn là các món súp, gan nghiền đựng trong tuýp và nước quả phúc bồn tử (khi uống ông đánh rớt vài giọt và thấy chúng biến thành những quả cầu tròn nhỏ bay lơ lửng trong khoang lái).

Titov cũng trở thành người trái đất đầu tiên bị “bệnh vũ trụ” khi thấy sự khó chịu và chóng mặt do tình trạng trên. Một số tài liệu còn ghi ông là người trái đất đầu tiên đã nôn trong vũ trụ. Cho đến bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ lịch sử chinh phục vũ trụ, Titov vẫn giữ danh hiệu là người trẻ tuổi nhất bay vào khoảng không ngoài trái đất khi vào cái ngày 6/8/1961 ấy, ông mới 25 tuổi 11 tháng.

Các nhà báo phương Tây còn nhận xét rằng, trong những năm 60, Gherman Titov là nhà du hành Nga được biết đến nhiều nhất ở Âu – Mỹ do Liên Xô hạn chế việc tiếp cận Gagarin. Ông hợp tác với Martin Caidin – một tác giả nổi tiếng Mỹ chuyên về đề tài hàng không và vũ trụ để viết cuốn sách “Tôi là đại bàng” xuất bản bằng tiếng Anh năm 1962. Đại bàng là mật danh của Titov trong chuyến bay, và giọng nói qua sóng radio từ vũ trụ của Titov: “Tôi là đại bàng, Tôi là đại bàng” rất nổi tiếng và được yêu thích trên thế giới.

Titov nằm trong số 20 phi công đầu tiên được tuyển chọn để huấn luyện thành phi công vũ trụ và cùng với Gagarin lọt vào tốp 6 người xuất sắc nhất. Ông cũng ở trình độ như Gagarin nhưng chỉ được chọn làm người dự bị. Về chuyện Gagarin chứ không phải Titov được chọn làm người đầu tiên bay vào vũ trụ có nhiều giả thuyết khác nhau. 

Chỗ thì nói lý do là Tổng Bí thư Liên Xô lúc đó là N. Khrutsov không thích cái tên Gherman không thuần Nga của Titov. Lại có giai thoại rằng khi chọn người bay, Tổng công trình sư vũ trụ Korolyov đã cho 6 phi công thuộc thê đội 1 uống một loại thuốc làm đau đầu rồi hỏi: “Bây giờ cần một trong các anh bay lên vũ trụ, ai ở trạng thái tốt nhất sẵn sàng bay?”. 

Năm phi công đã trả lời hoàn toàn khỏe mạnh, sẵn sàng làm nhiệm vụ, duy chỉ có Gagarin nói đang đau đầu nhưng cũng sẵn sàng mang vinh quang về cho Tổ quốc. Và người nói thật đã được chọn. Nhưng có lý nhất là giả thuyết nói N. Khrutsov chọn Gagarin vì anh có nụ cười tỏa sáng, nụ cười của người chiến thắng, điều rất quan trọng cho công tác tuyên truyền sau chuyến bay. Nếu đúng vậy thì vị Tổng Bí thư đã rất sáng suốt vì quả thật nụ cười Gagarin sau đó đã chinh phục cả thế giới.

Truyền thông hồi đó đã mô tả rằng nghe tin Gagarin được chọn, Titov đã nhảy lên reo mừng và chúc mừng bạn. Nhưng sau này, Gherman Titov chia sẻ rằng lúc được thông báo mình chỉ là người dự bị cho Gagarin, tất nhiên ông đã cảm thấy thất vọng nhưng không hiểu ngay ra được ý nghĩa vĩ đại của việc được chọn làm người khởi đầu. Ông ngộ ra điều đó 2 ngày sau chuyến bay khi thấy toàn bộ lãnh đạo cao nhất của đất nước cùng biển người trên Quảng trường Đỏ đón chào người anh hùng Gagarin trong một sự kiện chưa từng thấy.

Thượng tướng Gherman Stephanovich Titov – Phi công vũ trụ thứ 2 của Liên Xô, người đầu tiên ở hơn 1 ngày đêm trên vũ trụ; Anh hùng Liên Xô, Anh hùng Lao động Việt Nam; nguyên Phó cục trưởng thứ nhất phụ trách nghiên cứu và thiết kế - thử nghiệm Cục Phương tiện vũ trụ thuộc Bộ Quốc Phòng Liên Xô; nguyên Chủ tịch Trung tâm quốc tế về vũ trụ và điện tử Kosmoflot; nguyên Chủ tịch Liên đoàn vũ trụ Liên bang Nga;  đại biểu từ Đảng Cộng sản ở Duma quốc gia Nga; Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô – Việt từ 1966 – 1991, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Nga – Việt 1991 – 2000. Có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển tình hữu nghị Xô/Nga – Việt và giúp đỡ rất nhiều cho Việt Nam giai đoạn chiến tranh. 

Đón đọc kỳ 2: Vì sao Titov?

MỚI - NÓNG