Hy sinh tuổi xuân cho trẻ tật nguyền

Hy sinh tuổi xuân cho trẻ tật nguyền
TP - Một người lính trở về sau cuộc chiến, mang hết tuổi thanh xuân và niềm vui riêng của mình cho một niềm vui chung nhằm xoa dịu nỗi đau của những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam, tật nguyền…

Chị trở thành niềm tin và hy vọng cho tất cả những đứa trẻ trong mái ấm gia đình của Cty Cổ phần Thiện Giao. Chị là Trần Thị Thanh Hương.

Nơi gieo mầm hạnh phúc

Ở tuổi 26, Hoàng Thị Phương tủi phận và chẳng dám hy vọng vào hạnh phúc lứa đôi. Phương chịu thiệt thòi bởi di chứng chất độc da cam khiến đôi chân teo lại nhỏ xíu, việc đi lại vô cùng khó khăn.

Phương kể: “Bố mẹ là thanh niên xung phong ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa) sinh được 3 người con, trong đó em bị thiệt thòi bởi tật nguyền bẩm sinh. Bố mẹ cũng thương lắm, nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn, nên việc học hành là ước mơ xa vời”. Gửi đơn xin việc ở một số nơi nhưng Phương đều bị từ chối vì họ không nhận người lao động tật nguyền.

Trong lúc buồn nản, Phương tình cờ xem truyền hình giới thiệu về Cty Cổ phần Thiện Giao tại Hải Phòng, Phương viết một bức thư gửi đến giám đốc Cty. Phương kể rõ hoàn cảnh hiện tại và những mong muốn được làm việc để nuôi sống mình.

“Em không kỳ vọng nhiều vào bức thư gửi đi... Bỗng một ngày, em nhận được thư hồi âm của cô giám đốc Cty với những lời chân tình mong em trở thành thành viên của mái ấm. Em tạm biệt bố mẹ để đến với mái ấm gia đình của cô vào cuối năm 2005” – Phương nghẹn ngào kể.

Ở đây, Phương được học nghề sản xuất và chế biến nấm, đặc biệt được sống trong tình yêu thương của nhiều anh chị em có cùng hoàn cảnh đặc biệt trong mái ấm gia đình và một người mẹ luôn lo toan và che chở cho các em. Thấy em ham học, mẹ còn giúp em học thêm máy tính...

Mỗi đứa trẻ đến với gia đình Thiện Giao đều có nỗi bất hạnh riêng. Phương xúc động kể: “Nhìn mấy em trong mái ấm gia đình này thương lắm chị à. Em chỉ bị thiệt thòi vì đôi chân không lành lặn nhưng nhiều em khác không những bị khuyết tận chân, tay mà còn thiểu năng trí tuệ. Nếu không được sống trong tình thương và sự chia sẻ của mẹ Hương, không biết số phận của chúng sẽ ra sao nữa!”. 

Trọn đời dành cho những đứa trẻ bất hạnh

Phương, Nhã khi kể về cuộc sống trong mái ấm gia đình mới ở Cty Cổ phần Thiện Giao không quên nhắc đến một người mà các em gọi bằng mẹ. Đó là chị Trần Thị Thanh Hương. Người đàn bà ngoại ngũ tuần trầm tính và kín đáo đến lạ lùng. Chị Hương dè dặt và không muốn kể về mình.

Qua những người thân và bạn bè, chúng tôi được biết, trước đây, chị Hương là nữ trinh sát hiếm hoi của một đơn vị tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Bình. Ngoài nhiệm vụ được giao, một số anh em, bạn bè, đồng đội gửi gắm những đứa con của họ cho tôi để họ tiếp tục vào tuyến sau chiến đấu.

Sau đó, có người trở lại nhận con, có những người không trở lại nữa. Chị thấy thương và gắn bó với những đứa trẻ, nên hết lòng chăm sóc, nuôi dạy chúng. Hòa bình trở lại, trên đường trở ra Bắc, anh em đồng đội, chịu thiệt thòi vì sinh ra những đứa con không còn lành lặn. Họ lại gửi gắm, nhờ chị trông giúp.

Cứ thế, tuổi thanh xuân của chị đi qua nhanh và chỉ còn niềm vui bên những đứa trẻ không phải con đẻ của mình...

Thời gian đầu, chỉ có một vài đứa trẻ chị nhận nuôi là con của đồng đội cũ, sau đó nhiều người được nghe giới thiệu về chị giàu lòng nhân ái, nhận nuôi những đứa trẻ tật nguyền đã tìm đến với mái ấm của chị ngày một nhiều hơn. Có giai đoạn cao nhất trong mái ấm của chị có 32 người. Để nuôi các con, chị từng lập nghiệp bằng nhiều nghề như nuôi thủy sản, sản xuất rau màu…

Sau đó, chị cùng bạn bè thành lập Cty Cổ phần Thiện Giao với ngành nghề sản xuất và chế biến nấm. Cơ ngơi ban đầu chỉ có vài ngôi nhà xưởng nhỏ hẹp, nhưng chị đặt niềm tin vào sức mạnh của tập thể  những đứa con trong gia đình.

Sau 3 năm sản xuất,  chị và các con thành công trong việc trồng, chế biến các loại sản phẩm như trà túi lọc linh chi, nấm sò khô, rượu linh chi… Hiện nay, sản phẩm của Cty chị sản xuất cũng đã có chỗ đứng trên thị trường. 

MỚI - NÓNG