Ì ạch công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long

Ì ạch công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long
TP - Chậm trễ, vướng mắc thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ nát - nguy hiểm; Công trình trọng điểm - công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội ì ạch... là một số trong những vấn đề "nóng" được đưa ra tại phiên chất vấn giữa kỳ họp HĐND TP Hà Nội.

Gần ba giờ đồng hồ chỉ đủ thời gian cho lãnh đạo thành phố giải trình về 5/8 vấn đề “nóng” đưa ra tại phiên chất vấn giữa kỳ họp HĐND - lần đầu tiên được thực hiện sáng qua (18/10).

12 ý kiến chất vấn của đại biểu đã làm nóng phòng họp chật chội, nhưng thời gian quá ngắn không thật sự làm đại biểu thỏa mãn.

Ì ạch công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Thành chất vấn lãnh đạo thành phố - Ảnh: Ng. Tuấn

Công trình chậm tiến độ: Thành phố nhận trách nhiệm

Báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển cho thấy hầu hết các công trình trọng điểm đều chậm, kéo theo việc giải ngân đạt quá thấp:

Năm 2007, vốn kế hoạch xây dựng cơ bản hơn 7,8 ngàn tỷ đồng, riêng 5 công trình trọng điểm (Cầu Vĩnh Tuy, Nhật Tân, đường 5 kéo dài, đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội, đường Láng Hòa Lạc mở rộng) chiếm tới 54,8%. Thế nhưng, 9 tháng đầu năm giải ngân chỉ đạt hơn 2,1 ngàn tỷ đồng (đạt 27% kế hoạch). 5 dự án lớn cũng chỉ giải ngân được 9% kế hoạch!

“Phải chăng năng lực các ban quản lý dự án quá yếu kém hay còn do nhiều nguyên nhân khác?” - Đại biểu Phạm Thị Loan chất vấn ngay sau đó.

Ông Hiển thừa nhận: Thành phố nhận trách nhiệm do không chỉ đạo quyết liệt, mặc dù đã biết và có các văn bản chỉ đạo các dự án này từ giữa năm. Ông Hiển hứa, thành phố sẽ kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án đã giao kế hoạch nhưng chưa triển khai hoặc quá chậm để tập trung cho giải phóng mặt bằng (GPMB) và các công trình trọng điểm.

Đại biểu Trần Trọng Hanh (Đống Đa) hỏi ông Hiển: “Sở ngành nào, cán bộ nào phải chịu trách nhiệm? Nếu cần thiết thì có bãi miễn cán bộ yếu kém?”.

Ông Hiển cho biết, với những chủ đầu tư quá yếu sẽ phải thay đổi chủ đầu tư khác. Và cùng đó, thành phố sẽ có chế tài xử lý trách nhiệm, sai ở chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải chịu, nếu thủ tục không đầy đủ đúng luật sẽ không cho thanh toán.

Trong khi đó, các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội theo báo cáo của Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng rất ì ạch: Bảo tàng Hà Nội và Cầu Vĩnh Tuy, đường 5 kéo dài như đã nêu trên quá chậm.

“Đúng là có dự án chậm, nhưng thành phố xác định phải đặt chất lượng công trình lên hàng đầu” - Bà Hằng nói. Sau khi nghe phần trả lời của Phó Chủ tịch Hằng, đại biểu Phạm Thị Thành chất vấn: Dự án chậm là do năng lực của cán bộ yếu kém, không có chuyên môn. Thành phố nên mở lớp học cho những cán bộ liên quan đến việc quản lý, thực hiện các dự án, cử người ra các nước tiên tiến học về quản lý đô thị.

“Là Phó Chủ tịch phụ trách mảng văn hóa lại phải theo dõi cầu Vĩnh Tuy, ngộ nhỡ cầu Vĩnh Tuy có điều gì đó xảy ra tương tự như cầu Cần Thơ thì bà Hằng có là người chịu trách nhiệm không?” - Bà Thành lo ngại.

Cải tạo chung cư nguy hiểm, cũ nát: Phải được dân đồng tình

Theo báo cáo của ông Vũ Văn Hậu - Giám đốc Sở TN-MT&NĐ, Hà Nội có tới 23 khu chung cư cũ nát, 7 chung cư nguy hiểm do xuống cấp. Các dự án cải tạo chung cư đều chậm.

Hiện, thành phố đang triển khai thí điểm cải tạo khu tập thể Kim Liên bằng vốn ngân sách; Khu Nguyễn Công Trứ đang chờ thông qua phương án quy hoạch - kiến trúc.

Nếu nhanh, quý I/2008 mới có thể bắt đầu thực hiện dự án này. Khó khăn trong việc thực hiện dự án là cần sự đồng thuận của 2/3 cư dân tại chung cư. Ngoài ra, lợi ích giữa các hộ tầng 1 với các tầng trên chưa thống nhất.

Theo ông Hậu, với những chung cư nguy hiểm thì buộc di dời dân theo dạng cứu nạn, nhưng với chung cư cũ, khi đảm bảo đủ số lượng dân đồng tình theo quy định thì sẽ cưỡng chế những hộ chây ì còn lại.

Ngay sau phần trả lời của ông Hậu, đại biểu Trần Trọng Hanh lập tức phản đối với chủ trương cưỡng chế: “Trên thế giới, khi làm đều 70% dân đồng tình. Còn chúng ta, nếu xây lại nhà cho dân mà dân không đồng tình thì xây có ý nghĩa gì?”.

Với những khó khăn mà thành phố nêu ra, ông Hanh nghi ngờ về tiến độ triển khai các dự án cải tạo nhà chung cư, không biết nhiệm kỳ này làm được bao nhiêu dự án?

Ông Hậu thanh minh: “Cưỡng chế nói ở đây không phải cưỡng chế dân ra khỏi nhà của họ mà là sau khi đã có cơ chế, đã đủ số lượng nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ chưa đồng ý, cản trở lợi ích đại đa số dân cư thì mới áp dụng biện pháp hành chính kiên quyết. Còn trước mắt, thành phố quyết tâm thực hiện ba dự án tại tập thể Nguyễn Công Trứ, Kim Liên và Thượng Đình”.

Phần chất vấn Giám đốc Hậu được “khoanh” lại, dành thời gian cho phần trả lời của Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh về quỹ nhà tầng 1. Theo ông Khanh, thành phố có 9 khu chung cư tập trung với 6.700 căn hộ, hơn 77 ngàn m2 tầng 1.

Phần diện tích này, thành phố có văn bản chấp thuận cho vào sử dụng  47 địa điểm; Cty QL&PT nhà cho 16 đơn vị sử dụng. Hiện còn 12 đơn vị nợ tiền thuê nhà, 5 đơn vị cơi nới trái phép.

Chủ trương của thành phố là sẽ rà soát làm rõ các sai phạm trong việc sử dụng nhà tầng 1, cho chủ đầu tư được tự tháo dỡ phần sai phạm. Ngoài ra, thành phố sẽ thu hồi những diện tích sử dụng trái mục đích, có nhiều vi phạm.

Nguyên nhân của tình trạng này là do thành phố chưa cân đối được nhu cầu sử dụng tầng1 cho cộng đồng dân cư và nhu cầu cho kinh doanh, quản lý chưa tốt và do cán bộ không báo cáo kịp thời (!?).

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.