Ỉ nhau là chính

Ỉ nhau là chính
TP - Phân tích thất bại của hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Copenhagen, Đan Mạch, tháng 12 - 2009, có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là các quốc gia có khuynh hướng xử lý vấn đề toàn cầu theo phương châm ỉ vào nhau là chính.

BĐKH khác với tất cả các thách thức khác mà thế giới đã và đang phải đối mặt. Nó là vấn đề mang tính toàn cầu ở mọi khía cạnh, khi mà mọi người đều tham gia phát thải khí nhà kính dưới dạng này hay dạng khác.

Vấn đề là tổng lượng khí thải trong khí quyển chứ không phải là lượng khí thải của một nước riêng rẽ nào đó gây nên BĐKH. Thế là dẫn đến lối suy nghĩ tại hầu hết các cuộc đàm phán quốc tế đại loại "tại sao chúng tôi phải đầu tư hàng triệu USD để giảm phát thải trong khi nước kia đang làm điều đó hộ chúng tôi? Chúng tôi hoàn toàn có thể hưởng lợi từ việc lượng khí thải toàn cầu đã được hạn chế và vẫn tiếp tục phát thải như bình thường để phát triển kinh tế".

Đáp lại, nước kia nghĩ "Tại sao tôi lại phải là nước đầu tiên giảm phát thải khi các nước khác sẽ không làm theo?".

"Cuộc chiến khí hậu đặc biệt khó khăn vì nó khuyến khích các nước ỉ lại vào nhau", tác giả bài báo Why COP15 failed - analysis from an economic perspective (Vì sao COP15 thất bại - phân tích từ góc độ kinh tế) nhận định.

Hành vi như vậy có thể thấy rõ trong các vòng đàm phán quốc tế ngay từ khi vấn đề khí hậu bắt đầu được đề cập trên thế giới. Các nước đưa ra những lời hứa giảm phát thải nhưng hành động thì gần như chưa có. Điển hình là phần lớn lượng phát thải mà Liên minh Châu Âu (EU) giảm được trong khuôn khổ Cơ chế Buôn bán Khí thải của EU thời gian vừa qua là nhờ khủng hoảng kinh tế!

Nếu không có một cơ chế thực thi đáng tin cậy nào, khó có thể đạt được điều gì. Lời đề nghị của Hoa Kỳ các vòng đàm phán khí hậu chỉ nên bao gồm các nước phát thải nhiều nhất như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi được khá nhiều người quan tâm và, thậm chí, có ý kiến cho rằng "có vẻ là một bước chuyển tiếp tốt".

Quả thực, việc đi đến một quyết định chắc chắn sẽ dễ dàng hơn khi có ít nước tham gia hơn. Suy cho cùng, mỗi nước chỉ có vài chính trị gia đại diện cho cả đất nước để đưa ra chính sách.

Tuy nhiên, điều đáng báo động là, cái gọi "chính phủ toàn cầu" do Hoa Kỳ gợi ý lại bao gồm những nước phát thải nhiều và đều muốn trở thành những cường quốc kinh tế của thế giới.

Hơn nữa, các nước lớn ấy thế nào cũng đứng về một phe khi đàm phán với các nước nghèo như thực tế đã và đang xảy ra. Liệu thế giới có trông chờ được một thỏa thuận khí hậu tốt hơn Kyoto từ họ không? 

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).