Juncker, đích là ông ấy

Ông Jean Claude Juncker. Ảnh: Reuters
Ông Jean Claude Juncker. Ảnh: Reuters
TP - Truyền thông trong ngoài nước đương loan tin về ông Tân chủ tịch Ủy Ban châu Âu. Nghe lẫn ngó lên màn hình, tôi ngờ ngợ vị tân chủ tịch này, hình như đã gặp ở đâu? Phải rồi. Jean Claude Juncker…

Một thời cứ cậy vào trí nhớ. Hỏng! Tha thiết nhắn cùng đồng nghiệp trẻ, dẫu có thông tuệ cỡ nào cũng phải trì níu thói quen giữ cái việc biên chép khi lâm sự!


May mà còn sót lại vài cuốn sổ biên việc. Việc ấy có từ 12 năm trước. Tháng 9 năm 2002. Trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải đến Đại Công quốc Luxembourg. Nay giở lại nhiều tờ đã ố vàng. May còn đọc được.

11 thành viên chính thức Đoàn thăm, hầu hết đã hưu nay còn tại vị 2 người. Ông Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, giờ là Phó Thủ tướng. Ông Vũ Huy Hoàng nay là Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Còn nhóm báo chí tháp tùng, có 2 vị nay đã lên quan. Là Hữu Ước, lúc đó là Tổng Biên tập báo Công an & ANTG, hiện Trung tướng Phó Tổng Cục XDLL. Và Hồ Quang Lợi khi ấy là PV báo QĐND nay là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

16h35 (giờ địa phương tức 12 giờ đêm Hà Nội) đến sân bay Luxembourg. Từ sân bay về Dinh Thủ tướng ngồi đợi cuộc Hội đàm hẹp giữa hai Thủ tướng cứ suy nghĩ vẩn vơ…

Có lẽ “biến tướng’’ của lòng vị tha hay là mong ước của nhiều người phương Đông thường thể hiện trong cách đặt tên? Những cô có tên là Tuyết thì thường có nước da ít sáng hoặc trên cả mai mái! Những anh mang tên Đại thường thấp nhỏ và chả mấy to gan? Nhưng ở bên trời Tây này, hình như với “phương pháp’’ gọi sự vật bằng cái tên của nó thì người ta có lý khi gọi tên một đất nước có số dân bằng một phần mười của tỉnh Thanh Hóa là Đại công quốc được lắm! Na ná như Vaticăng lọt thỏm giữa mông mênh Italia, như một Monaco trước đây thuộc Pháp, Đại Công quốc Luxembourg diện tích cũng như dân số cực kỳ khiêm tốn nép bên cạnh Vương quốc Bỉ. 

Tôi chẳng rõ có phải quốc gia nho nhỏ xinh xinh này có bí truyền lâu đời về phương pháp luyện thép trắng gần như độc nhất vô nhị trên thế giới để có người có nước mua về dùng nó vào quốc kế dân sinh thì ít mà chế ra các kiểu nòng súng thì nhiều hay GDP bình quân bây giờ đứng đầu thế giới với con số khủng, 107.206 USD/ người/năm, hay là quốc gia có nền quân chủ lập hiến cũng lâu đời mà có tên là Đại công quốc?

Quê nhà đang giữa đêm mà sắc nắng màu mật ong của lối năm giờ chiều nơi xứ Đại công quốc này vẫn tãi vàng hươm trên những vòm những mái của những ô biệt thự kiến trúc theo lối Pháp.

Đoàn báo chí may mắn có một người đẹp dong dỏng tên là Marguerite ở Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao tính khí tận tình dịu dàng lúc nào cũng bám sát. Đón chúng tôi từ sân bay, chỉ sang dòng xe cộ nườm nượp ngược chiều với đoàn xe có cảnh sát dẫn đường, cô giới thiệu luôn “Lao động Luxembourg hơn hai trăm ngàn người. Gần như Bỉ xa như Đức, Pháp đến Luxembourg làm việc sáng đi tối lái xe về cố quốc là trên một trăm ngàn người”.

Những con phố quá đỗi sạch và thoáng nếu không rợp thứ sồi lá hẵng còn ngằn ngặt xanh thì bên đường ken dày các trụ sở ngân hàng những cơ quan tài chính mang tên nhiều quốc gia có máu mặt trên khắp hành tinh này. Phương Đông là Hồng Kông, Manila, Mỹ là Nữu Ước, châu Âu là Luân Đôn, Phrăngphuốc... vốn là lâu đời là cựu giờ có thêm Luxembourg một trung tâm tài chính và thị trường chứng khoán khổng lồ của Thế giới!

… Một chuyện xảy ra khi cô bất ngờ kéo tay chỉ cho một ông dong dỏng tóc hoa râm đang liệng khá điệu nghệ một chiếc xe đạp trên Quảng trường Thủ tướng của chúng tôi kìa… 

Thủ tướng? Người đàn ông trung niên đang liệng xe đạp kia là Jean Claude Juncker Thủ tướng Đại Công Quốc Luxembourg? 

Người ấy dựa xe đạp vào chỗ để xe (bên xứ này có đến lắm người đi xe đạp) rồi thong thả nhập vào đám đông các quan chức Luxembourg đang tề tựu đông đủ trên Quảng trường của Tòa Thị chính để chuẩn bị đón khách Việt Nam.

Chẳng để ý đến vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, Marguerite nói thêm người dân Luxembourg đã quá quen với hình ảnh vị Thủ tướng có tiếng là giản dị bình dân khi đi đạp khi thì tản bộ với chú chó nhỏ...

Hội đàm hẹp thì không nhưng cuộc hội đàm rộng thì báo chí được dự. Đầu cuộc họp, tôi thấy ông Thủ tướng Jean Claude Juncker hướng cái nhìn về phía Thủ tướng Phan Văn Khải rồi bất ngờ chưa, ông Thủ tướng cười, cất lời xin lỗi, ngài có thuốc lá cho tôi xin một điếu…

Thoáng thấy Thủ tướng Phan Văn Khải hơi lúng túng nhưng ông cũng rất nhanh móc trong túi ra gói thuốc mentol bạc hà loại nhẹ… Tôi để ý thấy kiểu cầm điếu thuốc, cách thả khói của Thủ tướng Đại Công quôc Luxembourg rõ ra cung cách hút của một người không phải là nghiện. Thủ tướng ta cũng theo Thủ tướng Đại Công quốc Luxembourg gạt chung vào một cái… đĩa trước khi phục vụ mang đến một chiếc gạt tàn!

Sau này tôi cũng được cô Marguerite bật mí rằng Thủ tướng Jean Claude Juncker trước đây có nghiện nhưng đã “cai’’ được ít lâu... Được biết Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải có thói quen hút thuốc (làm sao mà vị chủ nhà này lại biết?) mặc dù đã bỏ nhưng Ngài hút trước một cách tự nhiên cho khách thoải mái theo!

Cuộc hội đàm có nhiều nội dung hợp tác và hình như trước đó đã bàn soạn quyết định ở cuộc hội đàm hẹp? Cuối cuộc, tôi nhớ chi tiết, gần như là ngẫu hứng, bằng một chất giọng bình thản, Thủ tướng Jean Claude Juncker nói ngài vừa quyết định cách đây ít phút là giành 250.000 EURO để trợ giúp khẩn cấp cho đồng bào miền Trung của Việt Nam vừa phải chịu hậu quả của thiên tai mà ngài mới được biết qua báo chí!

... Con trai một người thợ luyện thép trắng, thành phần xuất thân của Thủ tướng thuộc bình dân khác với những lãnh đạo quốc gia tiền nhiệm, có lẽ ngài Thủ tướng được hưởng sự mộc mạc bình dân vốn có nhưng ở vị thế của một nguyên thủ của một quốc gia giàu nhất thế giới ông cũng đã “hội đủ’’ những tố chất của một chính trị gia nhất nữa lại ở vào tuổi “tri thiên mệnh’’?

Trong cuộc họp báo chung, ngài mỉm cười thoải mái trước câu hỏi của một nhà báo rằng, cơ sở nào mà Luxembourg đặt Việt Nam vào vị thế ưu tiên trong các nước nhận viện trợ ODA? Và nữa, Luxembourg đặt ưu tiên hàng đầu việc đầu tư vào các nước khu vực châu Á? “Bởi Việt Nam là Việt Nam!’’, Ngài trả lời gọn ghẽ vậy!

Cuộc họp báo sắp vãn, ngài còn nhắc lại những kỷ niệm đẹp hay là dấu ấn khó phai của thời trai trẻ là như bao chúng bạn khác, ngài cũng liên miên các cuộc xuống đường tuần hành ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Thủ tướng Jean Claude Juncker còn nhắc lại kỷ niệm về cuộc thăm Việt Nam hồi tháng 10 năm 2000 như thế nào rồi ngài nói sáu triệu EURO đang chi dùng cho một số dự án tại Việt Nam mới chỉ là sự khởi đầu cho việc làm ăn qui mô sắp tới mà Hiệp định khung về hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Đại công quốc sẽ ký với nhau nhân chuyến thăm này của Thủ tướng Việt Nam.

Chúng tôi cũng được biết thêm, Luxembourg có tiếng nói cực kỳ trọng lượng trong việc hàn gắn, hòa giải! Cô Marguerite có nói rằng mỗi khi giữa các nước Đức, Pháp, Bỉ... có “vấn đề” gì thì Luxembourg lại có việc! Việc gì vậy? Đại loại để tháo gỡ để khai thông cho khỏi rối một vấn đề đang còn khúc mắc nào đó... Chả biết tự khi nào mà việc đó đã thành tiền lệ? Hỏi tại sao và Luxembourg có “bí quyết” ấy thì cô Marguerite cười mà rằng “nó cũng na ná như một qui trình riêng để luyện thép trắng vậy”! Riêng tôi chưa được tìm hiểu và giải thích tường tận nhưng nội cái phong thái lịch lãm cộng với cả khéo léo của người đứng đầu quốc gia độc đáo trong buổi đón Đoàn đại biểu Việt Nam đã phần nào cắt nghĩa cho cái “bí quyết” hòa giải ấy rồi?

... Hôm tiễn, một câu chả biết thật hay đùa nhưng mà vui chen giữa cái bắt tay của ngài Thủ tướng Jean Claude Juncker với Thủ tướng Phan Văn Khải “Tôi rất muốn sang Việt Nam nhất là dịp Hà Nội tổ chức Hội nghị cấp cao Á Âu vào cuối năm 2004 và chỉ còn “vướng” một việc nhỏ nữa thôi ấy là việc qua được kỳ bầu cử sắp tới!”.

Rồi Hội nghị Á Âu lần thứ 5 (ASEM- 5) tổ chức ở Hà Nội năm 2004 ấy, Thủ tướng Jean Claude Juncker đã đúng hẹn có mặt. 

Và có lẽ hơi bị hiếm, vị trí Thủ tướng Đại Công Quốc Luxembourg, Ngài đã vượt qua các cửa ải bầu cử suốt 18 năm liên tục giữ cương vị này (từ năm 1995 cho đến năm 2013). 

Và có lẽ với phẩm chất dung dị bình dân xen với những quyết liệt khôn khéo hằng bao nhiêu năm ở vị thế hòa giải gắn kết cộng đồng EU, Jean Claude Juncker đã ngoạn mục vượt qua nhiều rào cản trên hoạn lộ. 

Ngày 27/6, EU đã bầu ông Jean Claude Juncker làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ 2014-2019. Những rào cản mà ông Juncker vượt đâu có dễ? Hai nước Anh, Hungary đã bỏ phiếu phản đối đề cử trên. Thủ tướng Anh quốc từng khăng khăng sẽ ra khỏi EU nếu bà Thủ tướng Đức đồng ý giới thiệu ông Juncker!?   

Rồi để được chính thức bổ nhiệm, ông Juncker, ngày 15/7 đã phải trải qua một cuộc bỏ phiếu về chương trình hành động của mình tại Nghị viện châu Âu ( EP) Và tại đây, ông lại đã vượt qua một cách ngoạn mục với đa số phiếu thuận (422 phiếu). 

Như vậy, Jean Claude Juncker, ứng cử viên sáng giá của Đảng Nhân dân châu Âu đã thắng một ứng cử viên nặng ký khác, ông Martin Schulz thuộc đảng Xã hội châu Âu mở đầu cho một lộ trình hoạn lộ gian khó ở tuổi lục thập!

Đảng Nhân dân… với nhiều tiêu chí tiêu chuẩn nhưng hàng đầu và cốt lõi của Cương lĩnh vẫn là vì dân?

Và dung dị như dân.

Hành trang của Jean Claude Juncker mang theo chắc có phẩm chất dung dị mà những người Việt ngày ấy đã có dịp chứng kiến? 

Ngày 27/6, tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã bầu ông Jean Claude Juncker, cựu Thủ tướng Luxembourg, làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhiệm kỳ 2014-2019, thay ông José Manuel Barroso. Tại cuộc bỏ phiếu này, ông Jean Claude Juncker, thuộc đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng đã về nhất trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, đã giành được 26 trên tổng số 28 phiếu bầu.

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.