Kè biển xây tốc độ “rùa”, dân sống thấp thỏm

Kè biển xây tốc độ “rùa”, dân sống thấp thỏm
TP - Đến hẹn lại lên, mỗi khi mùa mưa bão tới, nhiều người dân phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng lại chung sống trong nỗi lo triều cường xâm thực, nhà cửa sạt lở...

Tháng 11/2007, có ít nhất 4 hộ gia đình đã bị sóng biển đánh trôi nhà lúc nửa đêm, khiến Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu - ông Dương Thành Thị phải chỉ đạo khẩn cấp di dời những người dân ở đây, tránh bị ảnh hưởng đến tính mạng.

Đến nay, cứ đến mùa mưa bão, nỗi sợ hãi về nguy cơ biển “nuốt” mất nhà của hàng chục hộ dân bên bờ biển Nam Ô vẫn thường trực.

Trong khi đó, dự án xây dựng kè ven biển chống triều cường xâm thực đã xây gần 1 năm nay vẫn chỉ dừng ở phần đóng cọc!

Bà Nguyễn Thị Hoa (khu phố Xuân Dương, Hòa Hiệp Nam), lo lắng cho biết: Trước đây nhà bà ở cách bờ biển hơn 200m, trước nhà còn có rừng phi lao che chắn, nhưng mấy năm gần đây triều cường xâm thực mạnh nên biển đã ăn sâu vào sát nhà.

Để đối phó, người dân đã phải cùng nhau đóng cọc, dùng bao cát, đá, rọ thép kè chắn nhưng cũng chỉ cầm cự được vài đợt sóng, công sức của bà con lại thành công dã tràng. Trong cơn bão Xangsane (6/2006), 10 gia đình ở khu phố Xuân Dương đã bị sóng đánh sập nhà phải di chuyển đi nơi khác.

Kè biển xây tốc độ “rùa”, dân sống thấp thỏm ảnh 1
Còn dự án sau gần 1 năm chỉ dừng lại ở việc  đóng cọc 

Trong khi đó, tại phường Hòa Hiệp Bắc, sóng biển xâm thực đã khiến hàng chục nhà dân bị sóng đánh sập sau bão số 6 (2006) và hàng chục trại nuôi tôm giống của người dân tổ 29 và 30 cũng bị thiệt hại nặng nề.

Trung bình, mỗi trại tôm đầu tư  từ 60 - 100 triệu đồng nhưng chưa kịp thu hồi vốn thì bị sóng đánh sập đành phải bỏ trại ôm nợ ngân hàng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tề, Chủ tịch UBND phường Hoà Hiệp Bắc cho biết trước mắt gần 100 hộ dân, hàng chục trại nuôi tôm giống dọc biển năm nay đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Chính quyền địa phương cũng nhiều lần kiến nghị, xin kinh phí xây dựng 2 km bờ kè dọc biển từ chân cầu Nam Ô đến nhà máy xi măng Hải Vân. Mỗi lần mưa bão đến là chính quyền, Đồn biên phòng 244 phải huy động lực lượng dùng bao tải cát, rọ thép, đóng cọc chắn sóng nhưng hiệu quả không đạt được là bao.

Cuối năm 2007, dự án xây kè bờ biển đoạn Xuân Thiều - Nam Ô đã được khởi công với kinh phí đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, đây là dự án nằm trong chương trình xây dựng đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam của Bộ NN&PTNT.

Được biết, giai đoạn 1 với 600 mét kè (từ cuối đường Nguyễn Tất Thành đến ghềnh đá Nam Ô, phường Hoà Hiệp Nam) dự kiến cuối tháng 8/2008 sẽ đưa vào sử dụng.

Công trình có tác dụng chắn sóng, chống sạt lở, bảo vệ an toàn cho khoảng 300 hộ dân ở khu vực Nam Ô, phường Hoà Hiệp Nam khi mùa mưa bão đến. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện đơn vị thi công chỉ mới đóng được 6 cọc neo giữ bờ kè.

Ông Lê Duy Vọng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Đà Nẵng), cho biết trong quá trình thi công, do gặp địa chất phức tạp nên không thể đóng cọc neo giữ bờ kè.

Thiết kế ban đầu, cọc neo giữ kè phải đóng âm sâu xuống đất 10 mét, thế nhưng đóng xuống được 6 mét thì đầu cọc bị vỡ nên đơn vị thi công phải tạm dừng điều chỉnh lại thiết kế. Ngoài ra, dự án chậm trễ là do công trình triển khai đúng vào thời điểm giá cả vật liệu xây dựng leo thang nên nhà thầu làm đơn xin trả hồ sơ.

UBND và Sở  NN&PTNT TP Đà Nẵng đã phải điều chỉnh giá thầu tạo điều kiện nhà thầu tiếp tục đảm nhận thi công. “Dự án nhiều khả năng không thể hoàn thành trong năm nay. Trước mắt, chúng tôi chỉ cố gắng hoàn thành phần cơ bản là đóng cọc và làm tường” - Ông Vọng nói.

Tuy nhiên, chỉ với 6 chiếc cọc được đóng trong gần 1 năm thi công, không biết phần “cơ bản” mà ông Vọng nói sẽ được hoàn thành đến đâu. Được biết, qua các cơn bão, hiện bờ biển đã ăn vào đất liền từ 150 - 200 mét dọc chiều dài hơn 1 km. Chắc chắn, hàng trăm hộ dân ở Nam Ô vẫn còn sống trong lo âu trong mùa mưa bão này.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.