Kê khai tài sản là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Kê khai tài sản là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng
Ngày 26/11, bên lề Hội nghị tập huấn về minh bạch tài sản, thu nhập (bắt đầu thực hiện từ tháng 12/2007) cho đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào đã trao đổi với phóng viên báo chí xung quanh vấn đề này.
Kê khai tài sản là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng ảnh 1
Nhà của nguyên TGĐ PMU 18 Bùi Tiến Dũng tại khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính, Hà Nội) - Ảnh: Phùng Sưởng.

Chúng ta có nên xây dựng một lực lượng chuyên nghiệp làm công việc này không?

- Không nên đặt vấn đề xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, bởi không thể biên chế riêng một bộ phận chuyên làm công việc này được. Việc kê khai này là một bộ phận trong hồ sơ cán bộ, người làm công tác tổ chức cán bộ phải biết. Từ trước đến nay vẫn làm, bây giờ chỉ yêu cầu đầy đủ hơn mà thôi. Đây không phải là việc đánh giá giá trị tài sản mà đây chỉ là việc kê khai thế nào cho đúng.

Bộ phận tổ chức cán bộ có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn kê khai, sau khi nhận lại tờ kê khai phải xem người phải kê khai đã kê khai đúng yêu cầu chưa và nếu chưa phải hướng dẫn họ kê khai lại cho đúng.

Việc kê khai này khi đi vào cụ thể nó sẽ có nhiều vấn đề khó vì có nhiều chi tiết, vì thế bộ phận tổ chức cán bộ phải nắm thật chắc quy trình, đối tượng kê khai, loại tài sản kê khai và kê khai như thế nào để hướng dẫn việc kê khai đúng theo yêu cầu.

Xin ông cho biết dựa trên cơ sở nào để cơ quan chức năng tiến hành xác minh tài sản kê khai?

- Cơ sở để ra yêu cầu xác minh là khi có kết luận của cơ quan Kiểm tra Đảng, cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra về trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến hành vi tham nhũng.

Khi có tố cáo hoặc phản ánh về vấn đề tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Việc tố cáo, phản ánh đó phải có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có căn cứ để xác minh về sự không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản.

Người tố cáo, phải nêu rõ họ tên, địa chỉ, cam kết hợp tác đầy đủ, cung cấp tài liệu cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh. Đối với những tố cáo mà giấu tên, mạo tên sẽ không được xem xét xác minh.

Xin ông cho biết Thanh tra Chính phủ có dự kiến xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản cán bộ thông qua việc kê khai tài sản này không?

- Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức hiện đã có, sau này có thể chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét để bổ sung phần dữ liệu về tài sản của cán bộ, công chức.

Thưa ông, hiện nay chúng ta vẫn chưa quản lý được thu nhập của cán bộ, công chức, vậy việc kê khai này có hình thức không?

- Theo tôi, việc làm này không phải là hình thức mà là thực chất. Phòng, chống tham nhũng có rất nhiều biện pháp, đây chỉ là một trong những biện pháp phòng ngừa.

Nếu kê khai đầy đủ, trung thực sẽ tạo điều kiện thuận lợi để theo dõi sau này. Hiện chúng ta chưa quản lý được thu nhập, nhưng việc này đang được tiến hành từng bước để tiến tới quản lý thu nhập của cán bộ, công chức.

"Để sót" các Tập đoàn và Tổng công ty 90, 91

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Tiến sỹ Nguyễn Văn Thanh, Viện trưởng Viện KHTT ( Thanh tra Chính phủ) giới thiệu , giải thích các quy định pháp luật hiện hành về minh bạch tài sản, thu nhập, đặc biệt là các quy định của Thông tư 2442/2007/TT-TTCP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 37/2007/NĐ-CP và những nội dung cơ bản của nghị định này.

Mốc thời gian để tính kê khai lần đầu là ngày Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực. Có hai trường hợp được coi là kê khai lần đầu đó là: kê khai lần đầu hàng năm bao gồm kê khai vào tháng 12/2007 và tháng 12 các năm tiếp theo mà trước đó chưa kê khai lần nào; kê khai lần đầu phục vụ bổ nhiệm gồm bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý và bổ nhiệm vào ngạch công chức là đối tượng phải kê khai mà trước đó chưa kê khai lần nào... Người có nghĩa vụ kê khai phải tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về nội dung và sự trung thức của việc kê khai.

Điều 32, Nghị định 37 quy định rõ: Nghiêm cấm việc tiết lộ thông tin của hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập; người nào vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận và nêu câu hỏi về các nội dung như người tiếp nhận bản kê khai của đối tượng phải kê khai tài sản có phải ký nhận hay đóng dấu không; các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu mua bằng tiền đi vay có phải kê khai không; tài sản mua bằng tiền đi vay mà chưa trả hết nợ thì kê khai như thế nào; tại sao các tập đoàn kinh tế lớn và các Tổng công ty 90, 91 không được quy định trong Thông tư...

Tiến sỹ Nguyễn Văn Thanh đã giải đáp tất cả các câu hỏi và khẳng định việc kê khai càng trung thực, càng có lợi cho người thuộc diện kê khai, kể cả những tài sản mua bằng tiền đi vay mà chưa trả hết nợ.

Riêng đối với các Tập đoàn và Tổng công ty 90, 91, ông Thanh cho biết: Khi xây dựng Thông tư do chưa bao quát được hết nên đã để sót. Ba cơ quan Thanh tra Chính phủ, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Nội vụ sẽ xem xét, nghiên cứu và ban hành công văn bổ sung, hướng dẫn thêm.

Để phục vụ công tác kê khai tài sản vào tháng 12 tới, các nội dung như đối tượng áp dụng, khái niệm kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hàng năm, kê khai phục vụ bổ nhiệm, căn cứ để ra yêu cầu xác minh, việc cử người xác minh, thành lập đoàn xác minh... đã được các đại biểu quan tâm thảo luận và làm rõ.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG