Kế mỹ nhân và người thương binh bị trù dập: 18 năm sau…

Bệnh binh Phạm Văn Giỏi hằng ngày vẫn phải vất vả mưu sinh bằng nghề thợ mộc.
Bệnh binh Phạm Văn Giỏi hằng ngày vẫn phải vất vả mưu sinh bằng nghề thợ mộc.
TP - Một thương binh chống tham nhũng nhưng bị vu oan giá họa tội hiếp dâm đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn trăn trở việc chưa được khôi phục Đảng tịch. Một bệnh binh chống tham nhũng bị cắt trợ cấp bệnh binh vì những lý do trời ơi đất hỡi vẫn ngày ngày phải còng lưng bào, đục… mưu sinh.

Liên Hòa ngày ấy...

18 năm về trước (1997), tại xã Liên Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, một số cán bộ, đảng viên đã đứng lên tố cáo hành vi tham nhũng của một số quan chức trong xã làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước nhiều triệu đồng trong quá trình thi công trạm bơm thủy lợi, biển thủ hàng trăm tấn thóc... Số quan tham này đã thẳng tay trấn áp những người dám tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền và công luận. Trong số những người dám đấu tranh bị họ trấn áp nổi lên hai trường hợp.

1. Ông Đặng Đình Lợi, thương binh chống Mỹ bị cụt tay phải, Bí thư chi bộ,  Trưởng thôn, vào thời điểm đó đã ngoài sáu mươi tuổi, là một trong những người dám đấu tranh chống tham nhũng nhiệt tình nhất.

Ở cùng thôn với ông Lợi có cô X (vì nhiều lý do xin không nêu tên thật) khoảng 27, chồng đi làm ăn xa... Bữa ấy, cô tìm ông Lợi, nói:

- Cuối giờ chiều nay, bác tới nhà cháu. Cháu có việc rất cần muốn nói với bác.

Một trưởng thôn, bí thư chi bộ tới bất kì nhà người dân nào trong thôn là chuyện bình thường xưa nay ở xã Liên Hòa. Thế nên xế chiều hôm đó, ông Lợi vô tư tới nhà cô X. Vừa bước qua bậc cửa, cô X đã khép ngay hai cánh cửa lại. Ông bí thư chi bộ chưa kịp hiểu ra sao, thì từ vườn cây trước nhà, một số nhân viên an ninh xã với công cụ hỗ trợ trong tay đồng loạt xông vào nhà, miệng hô:

- Bắt kẻ hiếp dâm!

Cùng lúc, cô X cũng tự lăn quay xuống nền nhà, miệng tru tréo:

- Ối giời ơi, người ta hiếp tôi!

Các nhân viên an ninh chẳng khó khăn gì trong việc bắt, lập biên bản tại chỗ với nội dung bắt quả tang ông Đặng Đình Lợi hiếp dâm cô X. Tất nhiên, ông Lợi không ký vào biên bản. Song, các quan tham đều là những người giữ các chức danh chủ chốt của xã nên họ thẳng tay làm các thủ tục để khai trừ bằng được ông Lợi ra khỏi Đảng, dù các đảng viên trung kiên, nhiều người dân trong xã đều tỏ ra hết sức bất bình và đấu tranh minh oan cho ông Lợi.

Về sau này, tôi (tác giả Tất Thắng) trong quá trình điều tra để thực hiện phóng sự “Kế mỹ nhân và người thương binh bị trù dập” đăng nhiều kỳ trên báo Tiền Phong vào năm 1997, đã chất vấn cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ này mấy câu hỏi sau đây:

- Một ông già trên 60 tuổi, là thương binh cụt tay phải, gầy yếu làm sao có thể cưỡng bức nổi cô X - một lực điền khỏe mạnh?! Cả sức lực và danh dự đều không cho phép ông hành động như vậy.

- Tại sao các nhân viên an ninh xã Liên Hòa lại xuất hiện nhanh như thể trên trời rơi xuống đúng thời điểm cần phải xuất hiện như vậy?

Câu hỏi của tôi đã không được trả lời. Tuy nhiên, sau này màn kịch vụng về của các ông tham quan bị chính cô X bóc trần. Cô nói ra việc có người đã cho tiền cô để sắm vai người bị cưỡng bức nhằm hại ông Lợi. Tuy phóng sự của tôi không đủ sức khôi phục lại Đảng tịch cho ông Lợi (vì nhiều lý do tế nhị), nhưng trên thực tế, ông Lợi đã ngẩng cao đầu trước công luận, nhất là nhân dân xã Liên Hòa.

2. Ông Phạm Văn Giỏi, một bệnh binh và cũng là một trong những người tích cực nhất trong hàng ngũ những người chống tham nhũng ở Liên Hòa ngày ấy. Để duy trì cuộc sống của gia đình, ngoài số tiền trợ cấp của Nhà nước theo tiêu chuẩn bệnh binh, ông phải khôi phục nghề mộc truyền thống của cụ thân sinh để lại. Nhưng vì ông dám chống tham nhũng nên các ông quan tham của xã đã tìm nhiều cách để ông không yên thân mà làm nghề. Ngay cả anh cháu họ khi đó là cán bộ an ninh xã cũng không dưới một lần đánh ông đau mấy hôm mới đi lại được. Ông đành phải dạt ra Hà Nội kiếm sống. Tuy nhiên, những người con trung kiên của xã Liên Hòa khi ấy không khi nào nhụt chí khí đấu tranh. Tại Hà Nội, ông Giỏi đã gặp tôi, và phóng sự nhiều kỳ “Kế mỹ nhân và người thương binh bị trù dập” ra đời.

Sau khi phóng sự được trên đăng trên báo Tiền Phong, gần hai chục cơ quan báo, đài của Trung ương cùng đi trên một chiếc xe ca về làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương, huyện Kim Thành và xã Liên Hòa... Trước áp lực ấy, cơ quan có thẩm quyền các cấp của tỉnh Hải Dương đã không thể đứng ngoài cuộc, phải tổ chức các đoàn thanh tra theo đơn tố cáo tham nhũng ở  Liên Hòa. Kết quả, các quan tham ở xã này phải trả lại cho nhân dân 51 tấn thóc thuế, 23 triệu đồng tiền lao động công ích, 130 tấn thóc thủy lợi phí, 115 mẫu đất nông nghiệp cho thuê bất hợp lý phải chia lại cho dân... Và theo đó, số quan tham của xã Liên Hòa tùy mức độ vi phạm pháp luật mà kẻ bị khai trừ khỏi Đảng, người bị buộc thôi việc...

Kế mỹ nhân và người thương binh bị trù dập: 18 năm sau… ảnh 1

Bà Đặng Thị Mích, vợ thương binh Đặng Đình Lợi, cùng ông Phạm Văn Giỏi thắp hương mộ ông Lợi. Vì nhà quá nghèo, bà Mích chưa xây được mộ cho chồng (ông Lợi mất năm 2011). Ảnh: Tất Thắng.

...Và bây giờ

Trở lại Liên Hòa những ngày hè năm 2015, tôi thật ngỡ ngàng với sự đổi thay nhanh chóng về bộ mặt của vùng thuần nông này. Điều dễ nhận ra nhất là đường làng ngõ xóm. Những con đường liên thôn, liên xóm trước đây bằng đất đi xe đạp còn khó, thì nay đã được bê tông hóa toàn bộ, ô tô đi lại dễ dàng. Chất lượng cuộc sống của nhân dân đã được nâng cao rõ rệt... Tuy nhiên, lòng tôi cũng man mác buồn khi biết tin ông thương binh Đặng Đình Lợi đã về nơi tiên cảnh khi bước qua tuổi 77.

“Chồng tôi cùng ông Giỏi viết đơn chống bọn tham nhũng cho nên đã bị họ dùng kế mỹ nhân để lấy cớ khai trừ chồng tôi ra khỏi Đảng. Nhà báo Tất Thắng về tận nhà tôi điều tra, xác minh cụ thể, chi tiết, chính xác và đã đăng trên báo Tiền Phong nhiều kỳ. Nhưng tiếc thay, cho tới tận phút lâm chung, chồng tôi vẫn còn trăn trở về chuyện này vì chưa được minh oan để khôi phục lại Đảng tịch. Vì cả đời chồng tôi đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bị thương cụt tay phải. Chỉ vì cương quyết cùng ông Giỏi chống tham nhũng nên mới bị như vậy. Gia đình tôi quá uất ức mà không biết kêu ai…”.

Bà Đặng Thị Mích

Bà Đặng Thị Mích, vợ ông Lợi (năm nay 69 tuổi), buồn rầu nói: “Chồng tôi cùng ông Giỏi viết đơn chống bọn tham nhũng cho nên đã bị họ dùng kế mỹ nhân để lấy cớ khai trừ chồng tôi ra khỏi Đảng. Nhà báo Tất Thắng về tận nhà tôi điều tra, xác minh cụ thể, chi tiết, chính xác và đã đăng trên báo Tiền Phong nhiều kỳ. Nhưng tiếc thay, cho tới tận phút lâm chung, chồng tôi vẫn còn trăn trở về chuyện này vì chưa được minh oan để khôi phục lại Đảng tịch. Vì cả đời chồng tôi đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bị thương cụt tay phải. Chỉ vì cương quyết cùng ông Giỏi chống tham nhũng nên mới bị như vậy. Gia đình tôi quá uất ức mà không biết kêu ai…”.

Còn ông thương binh Phạm Văn Giỏi ngày nào ngoài 40 thì bây giờ bước qua tuổi 60 và ngày ngày vẫn phải gò lưng cưa, xẻ, bào, đục để duy trì cuộc sống. Ngày 18/4/2008, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương  ra quyết định số 25/QĐ-LĐTBVXH về việc “Tạm dừng trợ cấp bệnh binh đối với ông Giỏi kể từ ngày 1/5/2008”, chỉ với một lý do là sai tên đệm: Phạm Văn Giỏi - Phạm Đình Giỏi, bắt nguồn từ lá đơn khiếu nại của một số người cùng xã với ông Giỏi, mà số người này bị ông Giỏi khiếu kiện từ trước, liệu họ có còn khách quan?

Trên thực tế, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Hải Dương đã thanh tra và kết luận rằng, năm 1990, trong quá trình lập danh sách điều chỉnh chế độ trợ cấp, do sơ suất nên cán bộ chính sách xã Liên Hòa lập nhầm tên ông Phạm Văn Giỏi thành Phạm Đình Giỏi. Chính Giám đốc sở LĐ-TB&XH Hải Dương sau đó cũng kết luận: “Trường hợp hưởng trợ cấp bệnh binh có họ và tên Phạm Văn Giỏi và Phạm Đình Giỏi chỉ là một người”.

Vậy mà tại quyết định số 25 ngày 18/4/2008 về việc tạm dừng trợ cấp bệnh binh đối với ông Phạm Văn Giỏi lại nêu lý do là “qua xác minh tại xã Liên Hòa không có ông Phạm Đình Giỏi”. Tại sao lại có những kết luận và văn bản tiền hậu bất nhất như vậy? Chưa hết, trong hồ sơ của ông Phạm Văn Giỏi đang được lưu trữ tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương xuất hiện một văn bản không số với nhan đề “Biên bản giám định lại khả năng lao động” của Hội đồng giám định y khoa Hải Hưng với kết luận thể trạng sức khỏe trung bình khá. Ở cuối văn bản có hàng loạt chữ ký với con dấu của Hội đồng giám định y khoa họp ngày 1/11/1985. Mà trên thực tế vào thời điểm đó, ông Giỏi không trải qua bất kỳ cuộc giám định khả năng lao động nào. Theo quy định văn bản của một cơ quan có thẩm quyền khi ban hành mà không có số là không có giá trị pháp lý. Vậy tại sao lại có văn bản này trong hồ sơ của ông Giỏi?

MỚI - NÓNG