Kéo dài hưởng BHXH một lần tới 2020

Ông Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Sau khi có kết quả về việc ra nghị quyết cho người lao động được hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, chiều 15/6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ thực hiện đầy đủ Điều 60 từ 2020.   

Tới đây Quốc hội (QH) sẽ ra nghị quyết về việc sửa chính sách được hưởng BHXH một lần, hiệu lực thi hành của nghị quyết dự kiến sẽ kéo dài trong bao lâu, thưa ông?

Sau khi có ý kiến của ĐBQH về việc sửa Điều 60 Luật BHXH, Đoàn Thư ký kỳ họp đã phát phiếu lấy ý kiến về chủ trương ban hành nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 này. Theo tổng hợp ý kiến thì có tới 87,45% ĐBQH đồng ý cho thực hiện việc kéo dài hưởng BHXH một lần sau một năm nghỉ việc, thời hạn kéo dài tới năm 2020. Dự kiến, chiều ngày 22/6 tới, QH sẽ bấm nút thông qua nghị quyết và sẽ có hiệu lực ngay sau đó.

Nghĩa là trong thời gian đến năm 2020 sẽ tạm dừng thực hiện Điều 60 Luật BHXH?

Ở đây không phải là nghị quyết sửa Điều 60 Luật BHXH mà là gia hạn, kéo dài thêm thời gian hưởng BHXH một lần tới năm 2020 cho người lao động, còn từ năm 2020 trở đi sẽ phải thực hiện đầy đủ theo Điều 60.

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc

Không phải tạm dừng. Tất nhiên, khi thực hiện BHXH sẽ có yêu cầu một số điều kiện về kỹ thuật, còn tinh thần là tạo điều kiện tốt nhất đối với nhu cầu của một bộ phận người lao động. Nghĩa là nghị quyết của QH lần này đáp ứng nhu cầu giải quyết trước mắt của một bộ phận người lao động, còn về lâu dài vẫn hướng người lao động vào việc thực hiện Điều 60, để đảm bảo quyền lợi lâu dài, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo ông, QH cần rút ra kinh nghiệm gì từ sự việc này?

Trong quá trình sửa Điều 60 cũng không có ý kiến tranh luận nhiều. Ngoài ra, việc sửa về hưởng BHXH một lần cũng rất phù hợp. Trên thực tế, hàng trăm ngàn người lao động cũng không có phản ứng gì, vì cho rằng quy định Điều 60 là đúng. 

Nhiều ĐBQH cho rằng, trước đó dù đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình, nhưng Ban soạn thảo không tiếp thu nên mới dẫn tới thực trạng luật chưa có hiệu lực đã phải xem xét sửa?

Không phải không tiếp thu. Sau khi lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có ý kiến bằng văn bản gửi Chính phủ, nhưng Chính phủ nghiên cứu và tính cả phương án bảo vệ quyền lợi lâu dài cho công nhân, nên không tiếp thu.

Nhiều ý kiến lo ngại, việc ra nghị quyết sẽ tạo thành tiền lệ cho các luật khác, ông nghĩ sao?

Chúng ta sẽ cố gắng không để trở thành tiền lệ cho những luật về sau.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG