Kẹt xe, ngập nước gây bức xúc đại biểu HĐND

Kẹt xe, ngập nước gây bức xúc đại biểu HĐND
Là người đầu tiên đăng đàn chất vấn tại kỳ họp cuối năm HĐND TP.HCM sáng nay, GĐ Sở GTCC Trần Quang Phượng bị các đại biểu "xoay" những vấn đề khiến chất lượng sống của người dân TP giảm sút: ùn tắc giao thông, công trình rùa...
Kẹt xe, ngập nước gây bức xúc đại biểu HĐND ảnh 1
Đại biểu Hội đồng nhân dân TP HCM Đặng Văn Khoa chất vấn GĐ Sở GTCC thành phố tại phiên chất vấn sáng nay . Ảnh: Kiên Cường.

Đại biểu Lê Văn Trung khẳng định, tình trạng ngập nước và kẹt xe đang ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và kìm hãm sự phát triển kinh tế. Nhiều đại biểu bức xúc về những giải pháp chống ùn tắc giao thông mà Sở Giao thông công chính áp dụng vì cho rằng chỉ hiệu quả tạm thời, thậm chí sinh ra ùn tắc khác.

Đặc biệt, phương án đề xuất thu phí xe cá nhân bị những người"đại diện của dân" phản đối gay gắt vì cho rằng vi phạm quyền sở hữu tư nhân.

Ông Trung cho rằng, tuyên chiến với xe hai bánh không thể giải quyết được vấn đề chống kẹt xe, mà còn gây phản ứng ngược lại trong dân chúng. Cách bố trí lệch giờ, lệch ca ở các cơ quan, trường học không khả thi vì thiếu thực hiện đồng bộ.

"Cử tri chúng tôi không đồng tình với việc tuyên chiến với xe honda", đại biểu Nguyễn Minh Trí nói thẳng. Theo ông, phương án này nếu áp dụng sẽ sai lầm to, vì phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng được nhu cầu người sử dụng trong khi xe máy là một giải pháp hữu hiệu ở điều kiện Việt Nam.

Đại biểu Trí còn cho rằng tình trạng kẹt xe, ngập úng đã tích lũy từ nhiều năm, nay không nên quá nóng vội giải quyết dẫn đến những giải pháp không khả thi.

Nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá, Sở Giao thông công chính đang bị động trong việc triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông. Lỗi do tầm nhìn ngắn, quy hoạch kém. Đại biểu Võ Văn Sen còn cho rằng, TP HCM đã xem nhẹ việc điều tra, dự báo tình hình kẹt xe.

Ông Nguyễn Văn Hiên nêu ví dụ, nhiều tuyến đường cứ phân luồng xong thì kẹt xe. Theo ông, nếu cứ biến đường hai chiều thành một luồng như hiện nay thì hoàn toàn không có lợi. Đơn cử như đường Nguyễn Thị Minh Khai và Võ Văn Tần mới điều chỉnh thành lưu thông một chiều, đã tạo áp lực ùn tắc lên đường Điện Biên Phủ.

Đại biểu Đặng Văn Khoa ủng hộ phương án giảm dần phương tiện xe cá nhân, nhưng phải có lộ trình, không nên gấp gáp và võ đoán. Song ông cũng yêu cầu lãnh đạo TP HCM nên đưa ra các giải pháp cụ thể và sát sườn hơn.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Giao thông công chính Trần Quang Phượng cho biết, thành phố hiện có 3,6 triệu phương tiện xe cá nhân. Chỉ trong vòng hai năm, số lượng xe các loại đã tăng 50%.

Phát triển đô thị tập trung quá cao ở khu trung tâm thành phố. Bệnh viện, trường học, trung tâm công nghiệp, cảng chưa di dời khỏi trung tâm. Cơ sở hạ tầng yếu, thiếu đường lớn, mở rộng đường không thuận tiện.

Ý thức chấp hành an toàn giao thông đường bộ chưa cao, tính trạng lấn chiếm lòng lề đường vô tư. Xe buýt chỉ đáp ứng 5% nhu cầu đi lại. Tổng hợp tất cả lý do này khiến thành phố bùng phát ùn tắc, kẹt xe thời gian qua.

Một bức tranh giao thông thành phố trong tương lai khá hoàn hảo cũng được giám đốc Sở giao thông "vẽ" nên qua lộ trình chống kẹt xe. Theo đó, mục tiêu 2007-2010: kéo giảm ùn tắc.

Từ 2010-2015: giải quyết dứt điểm. Đến năm 2015, xe buýt sẽ trở thành phương tiện vận chuyển thu gom, được bố trí lại luồng tuyến. Xe điện ngầm được đưa vào sử dụng. Từ 2008-2010 Sài Gòn tập trung xây dựng thêm các đường vành đai, cao tốc...

Theo ông Phượng, hầu hết các điểm ùn tắc là do thiếu cảnh sát giao thông. Khảo sát ngã tư Cầu Ông Lãnh - Hoàng Diệu trong nhiều tháng qua, khi không có cảnh sát giao thông thì ùn tắc lập tức xảy ra. Hiện nay, TP HCM cần khoảng 4.000 cảnh sát giao thông nhưng chỉ có 600 tuần tra chuyên nghiệp. Trước mắt, Sở Giao thông công chính thành phố đang xin tăng thêm 1.000 cảnh sát cho thành phố.

Về ngập nước, TP HCM phải hứng chịu 50 trận mưa gây ngập trong năm, tăng 28 lần so với 2006. Lưu lượng mưa cũng tăng gấp 3 lần. Thêm vào đó, triều cường gây ngập trên 40 tuyến đường. Tuy Sở đã xóa 14 điểm ngập, giảm 16 điểm khác, nhưng nhiều khu vực trước đây khô ráo lại tiếp tục bị chìm trong nước.

Ông giám đốc Sở cho rằng, khu dân cư bị lún, cốt san nền không phù hợp, kết nối hệ thống thoát nước ra các sông ngòi kênh rạch không hợp lý... dẫn đến bị ngập nhiều nơi.

TP HCM đã lập trung tâm nghiên cứu chống ngập vào đầu tháng 12, đồng thời triển khai dự án kiểm soát triều giai đoạn 1. Thủ tướng đã đồng ý cho TP HCM thực hiện hai hệ thống kiểm soát triều theo hệ thống sông ở Bình Triệu, Bình Lợi, Thanh Đa, Mễ Cốc; xây dựng đê bao, cải tạo kênh rạch, sông ngòi để thoát nước tốt hơn.

Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo cho rằng, TP HCM có thừa giải pháp trước thực trạng kẹt xe, ngập nước; nhưng quan trọng là chọn giải pháp nào làm căn cơ.

UBND thành phố đã đề xuất nhiều giải pháp với Chính phủ và được bật đèn xanh cho quy hoạch giao thông đô thị bằng kinh phí 22 tỷ USD, tương đương 230 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, chống kẹt xe quả là bài toán khó của TP HCM. Để chống ngập, thành phố đã dự trù kinh phí đầu tư khoảng 6 triệu USD cho các dự án thoát nước.

Chiều nay, đến lượt Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Nguyễn Phước Thảo lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu HĐND và cử tri về công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Theo Vũ Lê - Kiên Cường
Vnexpress

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.