Khắc khoải con lai Đại Hàn

Một lễ trao học bổng cho con, cháu lai Đại Hàn do Trần Đại Nhật tham gia tổ chức. Ảnh: Tư liệu.
Một lễ trao học bổng cho con, cháu lai Đại Hàn do Trần Đại Nhật tham gia tổ chức. Ảnh: Tư liệu.
TP - Bẵng mấy năm tôi mới gặp lại Nhật, người con lai Đại Hàn thời chiến tranh. 40 năm thống nhất độc lập đã trôi qua và câu chuyện về những đứa con lai sinh ra thời chiến tranh vẫn hiện diện trong sự chờ đợi mỏi mòn của thế hệ con, rồi cháu của những người Việt chỉ mang họ mẹ như Nhật.

Những người con theo họ mẹ

Tôi gặp Trần Đại Nhật cùng với các bạn văn chương ở Sài Gòn cách đây chừng dăm năm. Trong số các bạn viết cùng trang lứa thì riêng Nhật theo đuổi một đề tài không giống ai, đó là chuyên viết truyện và tùy bút về những đứa con lai Đại Hàn. Nhà văn trẻ này tặng tôi tác phẩm của anh và tôi cảm nhận rõ sự mẫn cảm của một nhà văn đã khiến Trần Đại Nhật không thể thoát ra khỏi ám ảnh về thân phận và địa vị của một đứa con lai vô thừa nhận trong một đất nước mà tộc họ và quê hương là thứ văn hóa sâu đậm.

Gặp lại sau 5 năm, Nhật nói: “Tôi có công ty du lịch lữ hành kết nối với Hàn Quốc, nhưng giao hết cho vợ, còn mình thì viết lách và làm những việc từ thiện cho cộng đồng con lai Đại Hàn”. Theo Nhật, cần phân biệt con lai thời chiến tranh với lính Đại Hàn là “lai Đại Hàn” với những người con “lai Hàn Quốc” hiện nay sinh ra từ các cuộc kết hôn. Những người con lai Hàn Quốc bây giờ thường có lý lịch, khai sinh, có tên bố, trong khi tuyệt đại đa số con lai Đại Hàn thời chiến tranh đều chỉ mang họ của người mẹ.

Chúng tôi đang trò chuyện thì hai người Hàn Quốc tới thăm Nhật. Họ nói chuyện với nhau rất tâm đắc. Cách đây mấy hôm, một vị khách du lịch Hàn Quốc đã 80 tuổi kể cho Nhật biết lai lịch của những đứa trẻ như Nhật. Khi đó Hàn Quốc đã tham gia vào chiến tranh Việt Nam như một đồng minh của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn, nhưng đôi khi được nhìn nhận như những kẻ đánh thuê mà câu nói cửa miệng là “thà hy sinh trên chiến trường Việt Nam còn hơn chết đói ở quê nhà”. Một số đứa con lai sinh ra do thương gia, các tùy viên quân sự, thậm chí nhân viên tình báo… hoạt động dân sự, nhưng phần lớn trẻ được sinh ra do lính cưỡng bức, dụ dỗ, đe dọa những người phụ nữ bản địa. Khi chuyện vỡ lở, lính tráng bị đưa về nước để xóa mọi dấu vết tội lỗi.

Trần Đại Nhật so sánh: “Người Pháp bại trận đã đem theo con lai của họ về nước bằng tàu thủy, người Mỹ cũng đem về bằng máy bay và bằng các chương trình tìm con lai. Khoảng 90% con lai Pháp và Mỹ đã về quê cha. Còn con lai Đại Hàn vẫn là những kẻ vô thừa nhận”.

Trong một lần đối thoại tại Hàn Quốc, một vị chức sắc hẳn hoi đã bắt bẻ Trần Đại Nhật gay gắt thế này: “Tại sao các anh lại bôi xấu chúng tôi, các anh có bằng chứng nào về binh lính Đại Hàn làm điều sai trái với phụ nữ Việt Nam hay không”. Cay đắng nuốt vào trong, Nhật trả lời: “Chúng tôi có hàng ngàn nhân chứng, hàng ngàn đứa con lai với binh lính của các ông, tất cả chúng tôi đều còn sống. Bản thân tôi đây cũng là một nhân chứng”.

Khắc khoải con lai Đại Hàn ảnh 1

Nhà văn Trần Đại Nhật và hình ảnh mới chụp một ông bố Đại Hàn nhờ tìm kiếm thông tin về đứa con lai của mình tại Việt Nam. Ảnh: T.N.A.

Những người mẹ cô độc

Nhật kể lại rằng: “Trong thời chiến tranh, mẹ tôi buôn bán gần một đơn vị quân đánh thuê Đại Hàn. Bố tôi là một người chỉ huy, đã dọa dẫm mẹ tôi, bảo rằng nếu không chiều ông ấy thì ông ấy không cho làm ăn. Sau khi mẹ tôi có thai chị đầu tiên, ông ấy bị đuổi về Hàn Quốc. 3 năm sau đó, ông trở lại Việt Nam trên cương vị tài xế cho sĩ quan cao cấp và mẹ tôi sinh chị thứ hai. Ông lại bị đuổi về nước và ông đã giới thiệu một người lính Đại Hàn khác đến thăm nom các chị tôi, và người này lại là bố của tôi”.

Sau chiến tranh, gia đình rất khó khăn, những đứa con lai đều mang họ mẹ và chúng thiếu bờ vai của cha để nương tựa. Việc kinh doanh đình trệ, nhiều người đi kinh tế mới. “Mẹ tôi phải sống trong sự dị nghị của xóm làng, nhưng thực sự bà không bao giờ muốn những điều như vậy xảy ra. Bà muốn những đứa con có bố”. Nhật nhận ra ngoài bản thân mình còn rất nhiều bạn bè trang lứa trong hoàn cảnh tương tự ở những nơi mà các đơn vị lính Đại Hàn từng đồn trú. Nếu con lai với lính Mỹ thì chúng được đón đi Mỹ, còn Nhật và chúng bạn thì không biết sẽ làm gì với những tháng ngày tới, khi không ai màng tới cả.

“Tôi đã kết nối được hàng trăm đứa bạn cùng cảnh ngộ, liên lạc với hàng trăm người mẹ mà phần lớn họ chỉ muốn chết đi cho rảnh. Tôi biết chúng tôi là một cộng đồng vô thừa nhận, nhưng thể là đồ bỏ đi”. Nhật đã sáng tác về chính thế hệ lai Đại Hàn của mình và giúp mấy chục gia đình đoàn tụ. Sách của Nhật phát hành được 3.500 cuốn. Nhiều cựu binh Đại Hàn đã tìm đến Nhật để nhờ kiếm thông tin những đứa con lai của họ. “Một ông bố tìm thấy hai đứa con rơi, ông rất mừng. Ông đầu tư cho hai đứa xưởng để sản xuất, kinh tế được cải thiện nhiều - Nhật kể - song trường hợp như vậy rất là hiếm”. Theo Nhật thì: “Đại đa số những người cha Hàn chỉ tìm con được một vài lần cho biết mặt, rồi chẳng hiểu vì lý do gì sau không thấy liên lạc nữa”. Một lần Nhật đã sang tận Hàn Quốc để tìm hiểu nguồn cơn. Nhật gặp được một người cha có con lai tại Việt Nam, ông sống bằng nghề lượm ve chai và sống trong một túp lều nát.

Khắc khoải con lai Đại Hàn ảnh 2

Lính Đại Hàn đánh thuê tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.

Không tìm cha    

Một câu chuyện được nhiều người kể đó là không ít kẻ trục lợi từ con lai. Thậm chí có vị người Hàn Quốc sang Việt Nam tìm con lai, nhưng đem bồ bịch của mình về Hàn Quốc giả vờ là con lai để lấy tiền giúp đỡ của người hảo tâm.

Nhật nói rằng anh nắm giữ nhiều thông tin về con lai Đại Hàn, nhưng nhiều khi điều đó lại chẳng phải quan trọng với những kẻ xem việc tìm kiếm con lai tại Việt Nam như một thương vụ làm ăn. “Họ nói đã chuyển đến một gia đình con lai tại Việt Nam hàng chục ngàn đô la, nhưng khi các tổ chức kiểm tra lại thì gia đình lại bảo họ không nhận được đồng nào”.

Một người Hàn Quốc đi tìm những đứa con gái lai Đại Hàn để... đưa vào một trung tâm mát xa. Nhật kể: “Người cha đi tìm con, đến chơi mát xa, ăn nằm với cô gái lai làm ở đó. Tới khi gặp tôi để lấy hồ sơ tìm con thì hóa ra ông đã ăn nằm với con gái mình, từ đó ông bỏ đi mất tích”.

Nhật lại kể: “Cách đây mấy hôm, một người cha bên Hàn Quốc qua tìm con. Gọi điện cho tôi. Tôi bảo đang đi công tác, 2 ngày nữa sẽ về đấy. Ông ấy trả lời: tôi phải đi du lịch theo đoàn nên không đợi được”. Nhật chua chát: “Tại sao ông ấy lại coi chuyến du lịch quan trọng hơn việc chờ hai ngày để gặp đứa con đã chờ bố nó hơn 40 năm qua?”.

40 năm chiến tranh chấm dứt, giờ Nhật đã là cha của mấy đứa con và bạn bè của nhà văn này cũng vậy. Họ trở thành các ông bố bà mẹ cả rồi. Bây giờ, vấn đề không chỉ tìm cha cho con nữa mà là còn tìm ông cho cháu. “Hàng ngàn đứa cháu lai vẫn chờ ông của chúng” - Nhật nói.  Những người bà thì đã già và nhiều người không còn nhớ gì đến quá khứ của mình. Thời gian đã sắp sửa che mờ tất cả.

“Mấy năm gần đây, tôi và một số bạn bè không còn ráo riết tìm những người cha Đại Hàn nữa, vì bây giờ còn nhiều việc cần làm trước, đó là quan tâm đến thế hệ thứ ba”. Nhật đang kêu gọi và hoạt động gây quỹ để xây dựng một trường học dành cho cộng đồng những đứa cháu lai.   Nhật tâm sự : “Khoảng 3.000 – 5.000 đứa con lai Đại Hàn bị phó mặc sau chiến tranh. Chúng tôi chỉ muốn nói lên sự thật, chứ không phải đi tìm những người cha để xin tiền. Không, chúng tôi không đi tìm những người cha tội lỗi ấy. Bởi chính họ mới là những người cần phải tìm về Việt Nam và cúi đầu xin lỗi những người phụ nữ là mẹ của chúng tôi”.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.