Khắc phục 4 nguyên nhân khiến đất nước trì trệ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Ảnh: H.N
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Ảnh: H.N
TP - Kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bốn nguyên nhân dẫn đến sự đình trệ của đất nước. Ðó là, chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kỷ cương, phép nước không nghiêm; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm xảy ra trầm trọng, kéo dài; bệnh quan liêu, xa dân.

Các ngành chính sách phải suy nghĩ để khắc phục các nguyên nhân này, để nước ta phát triển tốt hơn, nhanh hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ hủy bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết; phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các điều kiện kinh doanh mới núp bóng ở thể chế, chính sách, pháp luật mới ban hành, nhất là từ cấp bộ.

Cần cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam phải được cải thiện mạnh hơn, với nguyên tắc bình đẳng, an toàn, minh bạch và giảm chi phí. Lãnh đạo Chính phủ cũng phê bình việc “cán bộ mà cứ ôm vào mình những quyền lợi không chính đáng”. “Đang xuất hiện một sức ì ngày càng lớn, cản trở mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh”, Thủ tướng cảnh báo và cho rằng không thể để tình trạng “không làm cũng không sao”, “làm không tốt cũng không sao”.

“Chúng ta không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ. Cần một cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh tình trạng trong bộ máy còn có một bộ phận cán bộ “có cũng được, không có cũng được”. “Số cán bộ này chiếm bao nhiêu phần trăm trong từng cơ quan? Đây là câu hỏi mà các bộ trưởng, các bí thư, các chủ tịch tỉnh phải tự hỏi về sự thờ ơ của những người cán bộ, đảng viên đối với phong trào cách mạng và đối với sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng nói.

Khắc phục 4 nguyên nhân khiến đất nước trì trệ ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có chủ trương không tăng giá điện trong năm nay. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, hai năm gần đây, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện nhưng mức độ quyết liệt, cải cách thực chất chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tình trạng chia lẻ các quyền lực khác nhau vẫn còn phổ biến, sức ì của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn. Nhắc về một số vụ việc gần đây xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sức ì này, trách nhiệm này chúng ta chưa làm đến nơi đến chốn. “Cứ ngại trách nhiệm, cứ sợ trách nhiệm, cứ né tránh trách nhiệm... thì làm sao xã hội phát triển được? Trong khi quyền lực đó, trách nhiệm đó thuộc về các đồng chí - những người thực thi”, Thủ tướng nói.

Không tăng giá điện để kìm lạm phát

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Năm và Sáu lần lượt tăng 0,55% và 0,61% (cao nhất trong 7 năm qua). “Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%”, ông Dũng lưu ý.

Để kiềm chế mức độ tăng CPI, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có chủ trương không tăng giá điện trong năm nay. Riêng giá dịch vụ y tế thì có đủ điều kiện mới tăng trên tinh thần giữ lạm phát không quá 4%. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo hướng thận trọng, không tăng giá đồng loạt nhiều hàng hóa, dịch vụ trong cùng thời điểm, hạn chế điều chỉnh vào các tháng cuối năm để tránh tác động tới CPI của cả nước và tăng lạm phát kỳ vọng.

Tăng đối thoại, hạ nhiệt điểm nóng

Nhắc lại vụ việc xảy ra ở Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm và là bài học kinh nghiệm chung cho các địa phương khác trong việc giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân. “An ninh trật tự là việc quan trọng, là điều kiện tiên quyết để tạo môi trường đầu tư, ổn định phát triển kinh tế xã hội”, Thủ tướng nói. Cần phải coi lợi ích chính đáng của nhân dân là yêu cầu hết sức cần thiết hiện nay của các cấp bộ ngành trong đối thoại, trong xử lý công việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cũng kiến nghị xử lý những tồn tại phức tạp có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường liên quan Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. “Áp lực về môi trường do phát tán khói bụi, tro xỉ và nước thải ra môi trường xung quanh gây tác động lớn đến đời sống của nhân dân và khu bảo tồn Hòn Cau”, ông Hai phản ánh.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm lưu ý, khi xảy ra các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự tại đơn vị, địa phương nào thì cấp ủy, chính quyền và các tổ chức nơi đó phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết theo phương châm “4 tại chỗ”. Ông yêu cầu các địa phương chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện và giải quyết những yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự; tăng cường đối thoại với nhân dân, rà soát những bức xúc có thể hình thành điểm nóng.

“Nền kinh tế cần lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu, cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân phải rất chú ý đến điều này”.   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Bộ trưởng KH&ÐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm nay, phải vượt qua nhiều thách thức. Trước tiên là nhân tố động lực tăng trưởng chủ yếu nửa cuối 2018 chưa rõ ràng như năm 2017. Bên cạnh đó, dư địa để điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã hạn hẹp hơn, nguồn lực cho phát triển dần cạn kiệt, trong khi hiệu quả sử dụng chưa tăng đáng kể. Ông Dũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, như dự án lọc dầu Nghi Sơn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.