Khai hội đầu Xuân

Khai hội đầu Xuân
TP - Từ sáng sớm mùng 4 Tết - hai ngày trước lễ khai hội chùa Hương, hàng ngàn du khách, phật tử khắp nơi nô nức chen chân về đất Phật, trong đó có hàng trăm du khách quốc tế  .
Khai hội đầu Xuân ảnh 1
Năm nay, du khách có thể đi thuyền và ngồi cáp treo để vào Hương Tích. Ảnh: Phạm Yên

Chưa tới 7 giờ sáng, các bãi đỗ xe máy, ô tô đã chật cứng. Dù đã  được một thanh niên địa phương “dẫn đường”, nhưng phải mất hơn nửa giờ chúng tôi mới len vào được bãi xe.

Mùa lễ hội năm nay, tỉnh Hà Tây, huyện Mỹ Đức và Ban tổ chức đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng như: nạo vét bờ Nam Suối Yến dài 1,2 km với tổng kinh phí 9 tỷ 417 triệu đồng; nâng cấp đoạn đường nhựa dài 1,8 km từ huyện Mỹ Đức đến xã Hương Sơn với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng; hoàn thiện tuyến cáp treo Thiên Trù lên động Hương Tích với số vốn 76 tỷ đồng và các hạng mục công trình khác... nhưng xem ra, lượng người và xe quá đông nên trong khu vực Bến Yến, vẫn  có thể tắc đường bất cứ lúc nào.

Hai điểm mới dễ thấy nhất ở chùa Hương năm nay là xu hướng nhiều du khách ở các tỉnh xa đầu năm đã hành hương về “đất Phật”. Khá nhiều đoàn du khách từ các tỉnh phía Nam đã đổ về chùa Hương.

Thứ hai là sự “trẻ hóa” đội ngũ người hành hương! Người có tuổi đã phải chen chân với giới trẻ trên đường lên “Nam thiên đệ nhất động”, trong đền Trình, chùa Thiên Trù thì cũng phải chen vai thích cánh với người trẻ mới mong thắp được nén hương cầu may, cầu an cho mình và cho người thân.

Đâu đâu cũng gặp những khuôn mặt tươi mới, trẻ trung của các bạn nam, nữ mà nhiều người trong số đó là học sinh, sinh viên. Có lẽ giờ đây, xu hướng đi lễ chùa đầu năm đã được chuyển giao cho giới trẻ chăng?

Vẫn biết, hướng về điều lành, điều thiện luôn là một truyền thống đáng quý của con người, nhưng xu hướng này có lẽ cần được đánh giá kỹ.

Và “đất Phật” thời hội nhập!

Khai hội đầu Xuân ảnh 2
Trước chùa Thiên Trù sáng ngày mồng 4 Tết Bính Tuất

Tuyến cáp treo Thiên Trù - Hương Tích vừa đưa vào hoạt động ở chùa Hương đúng là một nguồn “cảm hứng mới” cho nhiều du khách - những người đến Hương Sơn chỉ với mục đích chủ yếu là để thăm thú, vãn cảnh.

Song, có lẽ chỉ những người trẻ mới có nhiều hứng khởi với việc “cân đẩu vân” lên “Nam thiên đệ nhất động”.

Kỹ sư Phạm Thanh Bình, cán bộ phụ trách kỹ thuật cáp treo tại ga Thiên Trù ước tính: “Ngày mùng 2 Tết có khoảng 1 ngàn lượt khách, ngày mùng 3 đã đông lên đến 4 ngàn lượt và ngày mùng bốn Tết thì lượng khách đã quá tải”.

Từ chùa Thiên Trù, nếu ngồi cáp treo (vé 60.000đ khứ hồi), du khách sẽ lên thẳng cửa động Hương Tích chỉ mất có vài phút. Ngồi trong cabin, bay giữa mây Hương Tích, nhìn xuống phía dưới là thung lũng sâu mấy trăm mét, đã khiến không ít bạn trẻ hét lên thích thú như lượn tàu siêu tốc.

Tất nhiên, cảm giác đó không hợp với người già, đặc biệt là người say tàu xe hay có bệnh tim mạch. Bởi thế, bên dưới, đường hành hương lên động Hương Tích chật hẹp, uốn lượn vắt bên sườn núi dốc vẫn có hàng ngàn du khách cần mẫn leo lên từng bậc đá để hơn một tiếng sau mới đặt chân đến “đất Phật”.

Leo núi - đó có lẽ cũng mang lại cảm giác thành tâm cho mỗi người hành hương về “đất Phật” - nên, thay vì mất có 4 phút đã lên tới Hương Tích bằng cáp treo, quá nửa du khách vẫn chọn cách truyền thống là leo từng bậc đá đã mòn bóng theo thời gian lên “Nam thiên đệ nhất động”. 

Sau hơn 10 năm được gọi là “đất Phật” thời mở cửa, chùa Hương giờ đây được gọi là “đất Phật thời hội nhập” khi hạ tầng được cải thiện rất nhiều, và lượng khách quốc tế đến vãn cảnh, du lịch đã lên tới con số 20 vạn trong năm 2005.

Ngay ngày mùng 4 Tết này cũng có hàng trăm du khách quốc tế “hành hương” về “đất Phật”. Thế nhưng, sự lộn xộn, mất vệ sinh cùng với nạn chèo kéo khách lại vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.

Việc chèo kéo khách đi lậu vé (không mua vé thắng cảnh giá 35.000đ/người) vẫn diễn ra công khai ngay từ phía ngoài cổng soát vé. Tình trạng trốn vé, bao vé vẫn xảy ra.

Mỗi khi có xe chở khách vào cổng, dân “cò mồi” lao vội đến tranh giành, rủ rê khách đi “lậu”. “Cứ cho xe ô tô chạy qua cổng em đã lo rồi”, gã thanh niên bám theo chúng tôi nói. Quả nhiên, xe ô tô của chúng tôi lọt qua trạm kiểm soát nhưng chỉ phải mua một vé.

Tất nhiên, số tiền không phải mua vé kia gã thanh niên cũng “xin lại” sau khi dẫn chúng tôi ra đò. Nhưng tệ hơn, vòi tiền khách đã trở thành tệ nạn phổ biến. Khách muốn đi đò nhanh chóng, thuận tiện phải trả thêm tiền từ 10-20.000đ/người, nếu không thì hãy cứ đợi đấy!

Ngay chị Hà, người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, trước khi đưa chúng tôi vào Thiên Trù cũng mặc giá 135.000đ mới chịu đi: “Em còn nuôi cháu ở nhà, các anh trả thấp thế sống bằng gì!”.

Khai hội đầu Xuân ảnh 3
Chen nhau vào cabin, phần lớn các cabin đều chở quá số người quy định, tai nạn rất dễ xảy ra. Ảnh: Phạm Yên

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng thôn kiêm Bến trưởng bến đò Yến Vĩ cho biết: “Đến 80 - 90% khách phải trả thêm tiền, nếu không sẽ không thể xuống đò.

Năm nay xảy ra chuyện chưa bao giờ có là 9 - 11 giờ sáng mùng 4 Tết, bến đò 3.100 chiếc mà không còn chiếc nào trong khi khách vẫn ùn lại. Lý do là vì có cáp treo nên lượng người lên động Hương Tích rất nhanh, nhưng ra lại rất chậm.

Tâm lý đi lễ chùa là phải vào trong thắp hương, chứ không phải chỉ đi cáp treo rồi lại quay ra luôn. Thế là các chủ đò phải đợi khách ở bến Trò để đưa họ ra mà không đủ thời gian quay vòng chuyến để đón khách mới như mọi năm.

Có một đoàn khách 19 người từ miền Nam ra phải đợi 2 tiếng đến 11 giờ trưa, chúng tôi loa mỏi cả mồm, mới có đò đưa họ đi”.

Ớn nhất là các nhà hàng ăn uống, mọc san sát từ Bến Thiên Trù trở lên: hàng quán bẩn thỉu nhưng mặc sức “chặt chém”; giá cả đắt gấp đôi gấp ba bình thường: một đĩa bê xào cho 2 người: 80-150.000đ; bia Hà Nội: 15.000đ/chai; 5 người(có đến một nửa là trẻ con), ăn một đĩa thịt nai xào vội (chưa chắc đã là thịt nai thật) bị “chém” hơn 900.000 đ!

Sáng ngày 4 Tết, hệ thống cáp treo đã quá tải. Hàng trăm người chen lấn xô đẩy cả tiếng đồng hồ vẫn không mua được vé (Ga Thiên Trù chỉ có 2 cửa bán vé). Người có vé phải xếp hàng mệt nhoài mới chen được vào cabin lên động Hương Tích.

“Trung bình, một giờ, hệ thống vận chuyển được 1090 hành khách. Nhưng hôm nay đông quá nên mới bị dồn lại lâu như vậy. Đông quá, sẽ ngừng bán vé để điều tiết khách” - Anh Bình cho biết.

Tuy nhiên, tình trạng lộn xộn vẫn xảy ra ngay trước các quầy vé: nhiều người bị trầy tay vì chen lấn, có người bị mất cả ví tiền. Trong khi đó, đến hơn 12 giờ trưa, hàng trăm người vẫn phải ngồi chờ đợi mệt mỏi để được đi cáp treo.

Cũng thời điểm ấy, nhiều người không thể vào trong Hương Tích vì cửa động người như nêm cối; dưới Thiên Trù một đoạn đường hơn trăm mét cũng tắc nghẽn cả giờ liền, nhiều người bị mất cắp khi đi qua đoạn đường này.

Theo ước tính của Ban Tổ chức, đến 15 giờ  mùng bốn Tết có khoảng 2 vạn du khách đã đến Chùa Hương. Tuy nhiên lượng khách trốn vé thắng cảnh, chỉ trả thẳng tiền cho chủ đò ước tính phải tới 5 ngàn người.

Được biết, năm nay Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương dự kiến đón khoảng 38 vạn khách, tăng 4 vạn so với năm ngoái. Nhưng nếu đúng như vậy thì số tiền thất thoát sẽ không nhỏ.

MỚI - NÓNG