Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII
Sáng 22/10, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội). Trước giờ khai mạc, các đại biểu QH đã vào Lăng đặt vòng hoa và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII ảnh 1
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị đại biểu Quốc hội trước giờ khai mạc

Dự lễ khai mạc có đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí nguyên Tổng Bí thư: Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; các đồng chí nguyên Chủ tịch nước: Lê Đức Anh và Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt. Đến dự còn có đại diện các đoàn ngoại giao tại Hà Nội

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH khóa XI Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII được tiến hành vào thời điểm chuẩn bị kết thúc năm 2007, cả nước đang phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2007; nước ta vừa chính thức được bầu là Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc niên khóa 2008 – 2009 và Quốc hội nước ta được bầu là thành viên Ban chấp hành Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU).

Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương đồng bào, chiến sĩ cả nước, các cấp, các ngành trong thời gian qua đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2007, tạo tiền đề cho sự phát triển trong năm 2008 và những năm tiếp theo.

Quốc hội chia sẻ những khó khăn, mất mát, đau thương của nhân dân các địa phương phải chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do thiên tai, tai nạn gây ra, đặc biệt là hậu quả nghiêm trọng của sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ và cơn bão số 5 cùng với trận lũ tàn phá ở các tỉnh Trung Bộ và Tây Bắc, gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị nạn.

Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, tinh thần chủ động và nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đã kịp thời ứng phó trong cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống bão lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và tai nạn gây ra.

Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân các địa phương bị nhiều thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống...

Trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2007, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Trong năm 2007, nền kinh tế đã đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua (8,5%) tạo khả năng hoàn thành nhiều chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2006-2010 ngay trong năm 2008.

Trong năm 2007, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng và tiến bộ mới trên nhiều lĩnh vực; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; tiềm lực quốc gia được tăng cường; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; hiệu lực, hiệu quả và kinh nghiệm điều hành của Chính phủ và các cấp chính quyền được tăng thêm; sự năng động, sáng tạo và những đóng góp có ý nghĩa quyết định của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã tạo nên thế và lực cho công cuộc phát triển đất nước.

Những kết quả đạt được đã tạo ra khả năng thực tế để phấn đấu hoàn thành sớm kế hoạch 5 năm 2006-2010 mà Đại hội lần thứ X của Đảng và Quốc hội đề ra.

Những yếu kém và khuyết điểm trong năm 2007 cho thấy sự phát triển của đất nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tranh thủ được tốt nhất những có hội và thuận lợi mới; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường.

Tốc độ tăng trưởng cao chưa đi liền với cải thiện nhanh về chất lượng. Môi trường đầu tư và kinh doanh, nhất là thể chế kinh tế, thủ tục hành chính, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội và nguồn nhân lực đang là những khâu còn nhiều yếu kém, bất cập làm hạn chế sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Năm 2008 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải nỗ lực cao nhất để tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành cơ bản nhiều chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2006-2010 ngay trong năm 2008, tạo tiền đề để phấn đấu hoàn thành mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010 trong năm 2009.

Tinh thần này được thấu suốt trong các nhiệm vụ chủ yếu sau: Phát triển kinh tế với tốc độ cao gắn liền với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế, phấn đấu vượt ngưỡng ”nước đang phát triển có thu nhập thấp” ngay trong năm 2008.

Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung sức phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, quan liêu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết tốt hơn các vấn đề văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; tích cực, chủ động hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế có hiệu quả; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8,5-9% so với năm 2007; GDP theo giá hiện hành dự kiến 1.337-1.347 nghìn tỷ đồng, tương đương 83 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 960 USD. Trong chỉ đạo điều hành, phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP là 9%.

Trong năm 2008, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp mà Đại hội X của Đảng và Quốc hội đã đề ra trong kế hoạch 5 năm 2006-2010 và hệ thống các giải pháp đã được trình bày trong các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ 9 nhóm giải pháp chủ yếu tập trung thực hiện trong năm 2008.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2007; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008.

Về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Báo cáo của Chính phủ đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2007.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, tình hình kinh tế - xã hội năm 2007 cũng còn bộc lộ những bất cập, cần phải được phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân để đưa ra những giải pháp khắc phục trong năm 2008.

Đó là: việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự phát triển bền vững của nền kinh tế vẫn còn là một vấn đề lớn cần phải được tập trung nhiều hơn nữa trong chỉ đạo và điều hành; một số cơ chế, chính sách kinh tế - tài chính đã được ban hành nhưng tác dụng còn hạn chế; chỉ số giá tiêu dùng tăng cao tác động bất lợi đến sản xuất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của đại bộ phận nhân dân; xuất khẩu tăng, nhưng nhập khẩu tăng cao hơn, nhập siêu lớn; công tác sắp xếp, đổi mới DNNN có nhiều tiến bộ nhưng cũng còn chậm so với kế hoạch; các vấn đề xã hội bức xúc, vấn đề ô nhiễm môi trường đã được quan tâm nhưng chưa đạt được kết quả căn bản; công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được tăng cường, nhưng kết quả đạt được chưa cao

Ủy ban Kinh tế tán thành với phân tích nêu trong Báo cáo của Chính phủ về tình hình chung khi bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2008; thống nhất cao với mục tiêu kế hoạch của năm 2008 mà Chính phủ đã trình bày.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phân tích rõ hơn cơ sở để có thể đạt cận trên tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) là 9%, đồng thời kiểm soát được lạm phát ở mức hợp lý. Đặc biệt cần đặt mục tiêu cao hơn và mạnh mẽ hơn về chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Rà soát và cân đối các nguồn lực trên cơ sở các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006-2010 đã hoàn thành trong năm 2007 để bố trí hợp lý nguồn lực tập trung cho các chỉ tiêu còn tiếp tục phải phấn đấu nhằm bảo đảm tính toàn diện và bền vững trong tăng trưởng kinh tế.

Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách trong năm 2008 và những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, đặc biệt là tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính, loại bỏ các thủ tục phiền hà gây cản trở cho doanh nghiệp và người dân nhằm phát huy các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế thế giới.

Trong năm 2008 tổ chức đánh giá, xác định đúng trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ban quản lý dự án trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng. Trước mắt cần rà lại các văn bản liên quan đến xây dựng cơ bản để có điều chỉnh, bổ sung phù hợp, đảm bảo các thủ tục rõ ràng, minh bạch và thống nhất. Cần đánh giá lại năng lực quản lý, nhất là quản lý đầu tư XDCB, quản lý đầu tư nước ngoài của các cơ quan ở địa phương trong điều kiện Chính phủ phân cấp mạnh cho cấp tỉnh.

Tăng cường kỷ luật hành chính, kỷ luật công vụ, chế độ trách nhiệm cá nhân, tập trung giải quyết các đơn thư của người dân; thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng, chống tham nhũng.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2007; phương án dự toán ngân sách nhà nước năm 2008; phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2008.

Theo Chương trình, chiều 22/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo Thẩm tra về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2007; phương án dự toán ngân sách nhà nước năm 2008; phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2008; báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.