Khám bệnh bằng thẻ BHYT - Quyền lợi hay ban ơn?

Khám bệnh bằng thẻ BHYT - Quyền lợi hay ban ơn?
TP - Người ta bảo, đi khám bệnh BHYT bây giờ chẳng khác gì đi xếp hàng mua gạo, thịt, thực phẩm theo tem phiếu của thời quan liêu bao cấp 20 năm về trước...

Nào phải dậy sớm đi xếp hàng lấy tích kê. Nào xếp hàng mấy ngày không khám được. Nào bác sĩ khám bệnh qua loa, tắc trách. Nào cấp thuốc kiểu ban ơn, nhỏ giọt…

Để “mục sở thị” chuyện khám bệnh BHYT, tôi làm chuyến “vi hành” đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.

6 giờ 30 ngày 4/7/2006, tôi có mặt tại khu khám của bệnh viện. Nhưng từ ngoài cổng bệnh viện đi vào, nếu là người khám bệnh lần đầu thì không biết chỗ khám bệnh BHYT ở chỗ nào.

Chỉ thấy khoảng hơn trăm người đứng ngồi lộn xộn phía bên phải khu khám. Vừa hỏi thăm, vừa đi tìm mãi mới thấy tấm bảng nội qui khám bệnh BHYT treo trên cao, thì biết là chỗ khám bệnh BHYT.

Mấy dãy ghế đá kê ngoài hiên chỗ chờ đã chật cứng người. Ngay lúc đó, một cô nhân viên ra phát tích kê. Người ta chen lấn để được nhận số nhỏ. Một người đàn ông nhận được số 103 lặng lẽ vào ghế chờ.

Tôi hỏi: “Anh đi từ mấy giờ mà được số lớn vậy?”. “Hai vợ chồng chở nhau đi từ 5 giờ sáng vừa đến đây”.

Anh Nguyễn Quang Vinh (tên người đàn ông), 52 tuổi ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, cho biết: “Tui mới mua ở Qui Nhơn, vì dù sao ở tỉnh vẫn hơn, chứ khám bệnh ở xã, ở huyện thì tệ lắm”.

Rồi anh kể: Anh có 2 đứa con đang đi học, đóng BHYT ở nhà trường. Nhưng khi đau ốm, các cháu đến y tế xã khám bệnh thì bác sĩ vừa khám vừa nạt nộ, khiến lần sau con không dám đi khám nữa, cha mẹ phải dẫn đi.

Đau gì mỗi tháng cũng chỉ được khám cấp thuốc một lần. Mỗi lần cấp thuốc tối đa là 4 loại, mỗi loại 10-15 viên toàn thuốc nội của BIDIPHAR, uống trong 5 ngày, bệnh không đỡ  hay nặng thêm cũng phải đợi tháng sau.

Anh có bà mẹ già 82 tuổi, bị sưng nhức đầu gối không đi lại được, con cháu đưa đến trạm y tế xã, còn 3 ngày nữa là tròn tháng so với lần khám bệnh trước cũng không được khám cấp thuốc lại, phải chờ cho đến tháng sau.

7 giờ kém 10 phút. Phòng đón tiếp bắt đầu gọi số tích kê. Đúng 7 giờ, 10 người đã được gọi. Như thế là 1 phút 1 người được khám.

Tôi khen: “Khám bệnh thế này thì quá nhanh”. Một cháu gái ngồi cạnh bảo: “Vâng khám nhanh lắm, vì bác sĩ chỉ hỏi thôi, người bệnh nói gì bác sĩ ghi thế, không cần bắt mạch, nghe tim phổi. Xong là ghi đơn nhận thuốc”.

Một chị đứng tuổi góp thêm: “Bác sĩ khám bệnh không đụng tới người bệnh”.

Lại một chị nữa nói: “Lâu là do đông người phải chờ đợi một phần. Phần nữa là mấy cô nhân viên bệnh viện cứ chen ngang, mỗi lần dăm cái thẻ BHYT của người nhà, người quen dúi vô, làm mấy bà già chờ đến trưa không tới lượt”.

Anh Trần Cảnh Đào làm việc ở Trung tâm tiến bộ Khoa học kỹ thuật tỉnh nói: “Khám bệnh BHYT thì ngày nào cũng đông. Đã đông thì bác sĩ khám qua loa. Người bệnh muốn xin đi làm các xét nghiệm để biết tình hình sức khỏe của mình mà yên tâm làm việc nhưng không được bác sĩ cho, đành chỉ nhận mấy viên thuốc rẻ tiền, dùng tối đa là 5 ngày.

Tôi phải khám BHYT bắt buộc, vì tiền lương của mình được trừ vào đó rồi. Giá không có BHYT có khi lại hay hơn, cứ có tiền đi khám ngoài, vừa nhanh chóng lại được đón tiếp ân cần, lịch sự. Chứ khám ở đây, nhiều bác sĩ có thái độ rất khó chịu”.

Qua những sự việc kể trên về khám bệnh BHYT, có lẽ ngành y tế cũng như các ngành chức năng cần có sự nghiên cứu, chấn chỉnh, tổ chức lại việc khám chữa bệnh theo thẻ BHYT, nhất là ở cơ sở, khám cho học sinh và người nghèo.

Nguyễn Văn Chương
Bình Định

MỚI - NÓNG