Khám bệnh miễn phí, bán thực phẩm chức năng giá 'cắt cổ'

Các loại thuốc, thực phẩm chức năng được “đoàn từ thiện” bán với giá cao cho người dân xã Bình Giang.
Các loại thuốc, thực phẩm chức năng được “đoàn từ thiện” bán với giá cao cho người dân xã Bình Giang.
TP - Sở Y tế Quảng Nam đang thanh kiểm tra việc một nhóm người lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để bán thuốc, thực phẩm chức năng với giá cao xảy ra tại huyện Thăng Bình.

Mượn danh phòng y tế để lừa dân

Theo phản ánh của người dân và chính quyền xã Bình Giang (Thăng Bình), vừa qua, một nhóm người mang theo giấy giới thiệu của Phòng Y tế huyện Thăng Bình gửi 21 xã đến để tổ chức khám chữa bệnh miễn phí. Tin tưởng, chính quyền xã Bình Giang thông báo rộng rãi cho nhân dân. Hay tin, hàng trăm người dân háo hức khám bệnh. Tuy nhiên, nhóm người này chỉ khám bệnh qua loa, rồi kê đơn thuốc và bán thuốc với giá cao. Đối tượng mà nhóm người này nhắm đến là những người già yếu.

Ông Lưu Thanh Nam (61 tuổi, trú tại thôn 3 xã Bình Giang) cho biết: sau khi được khám “bác sĩ” bảo ông bị máu nhiễm mỡ và kê đơn mua thuốc và thực phẩm chức năng hết gần 7 triệu đồng. Nhưng khi mang về nhà thì con trai ông tìm hiểu và phát hiện giá bán cao gấp đôi, ông mang ra trả lại thì bị từ chối. Ông Nam to tiếng, dọa báo công an thì các bác sĩ bán thuốc mới chịu trả lại nhưng phải chịu thiệt mất 300.000 đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng kịp trả lại thuốc vì nhóm người này đã bỏ đi nơi khác.

Tương tự, ông Nguyễn Chạ (82 tuổi, thôn 4 xã Bình Giang) bị mất ngủ và ngứa ngáy, sau khi được khám và tư vấn mua loại thực phẩm chức năng mà trên đó ghi chức năng làm giảm đau nhức xương khớp, chân tay tê mỏi. Để có số tiền 1,6 triệu đồng mua thuốc, ông Chạ phải vay mượn hàng xóm mới. Cũng theo ông Chạ, mặc dù nói khám miễn phí nhưng sau khi khám xong, “đoàn từ thiện” này yêu cầu mỗi người dân nộp 50.000 đồng với lý do trả chi phí đi lại của đoàn.

Ông Nguyễn Văn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Bình Giang, cho biết: “Vì có công văn giới thiệu của Phòng Y tế huyện nên chính quyền mới tin tưởng cho phép và thông báo để người dân đến khám và không yêu cầu xuất trình giấy phép hành nghề”.

Ông Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Y tế huyện Thăng Bình thì khẳng định: công văn giới thiệu của phòng không hề sai. Trong công văn giới thiệu không hề cho phép bán thuốc hay thực phẩm chức năng mà chỉ được khám chữa bệnh. “Chúng tôi đang rà soát thống kê lại những người đã mua thuốc để liên hệ trả lại công ty, lấy tiền về cho dân” ông Tuấn nói.

Lương y giả ?

Theo tìm hiểu của PV, người dẫn đầu “đoàn từ thiện” là “lương y” Hồ Văn Dân. Trên công văn của ông Dân đưa ra giới thiệu là bán sản phẩm của Cty CP Quốc tế Hadaco Việt Nam (trụ sở tại Đà Nẵng). Địa chỉ văn phòng mà “lương y” Hồ Văn Dân giới thiệu tại thành phố Hội An thực tế chỉ là địa chỉ ông Dân từng thuê để bán hàng đa cấp và thực phẩm chức năng. Tại địa chỉ nhà riêng của “lương y” Dân (số 58 đường Bà Triệu, thành phố Hội An) thực chất lại là một khách sạn.

Ông Dương Đạt, Chánh thanh tra Sở Y tế Quảng Nam cho biết: Sở đã cấp giấy phép cho Cty Hadaco giới thiệu máy vật lý trị liệu nhưng giấy phép đã hết hạn hơn 2 tháng. Việc nhân viên cty này bán thuốc và thực phẩm chức năng là trái với quy định và không được phép.

Ông Nguyễn Cao Đài, Giám đốc Công ty CP Quốc tế Hadaco Việt Nam cho biết: Có nghe ông Dân giới thiệu là lương y nhưng không rõ về bằng cấp, vì Cty chỉ hợp tác với ông Dân để tư vấn bán máy vật lý trị liệu. Việc tư vấn không thu tiền, ai có nhu cầu lên danh sách công ty sẽ bán máy. Ông Đài cũng khẳng định: Việc ông Dân tổ chức bán thuốc và thực phẩm chức năng công ty không liên quan. Ông Dân phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. “Sau khi nghe thông tin phản ảnh, tôi đã gặp anh Dân và yêu cầu anh Dân nếu lỡ thu tiền thì sớm trả lại cho người dân và khẩn trương chịu trách nhiệm trước cơ quan y tế về việc làm của mình” ông Đài cho biết.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Tiền Phong, ông Hồ Văn Dân thừa nhận ông chỉ được tư vấn bán máy vật lý trị liệu, không được phép bán thuốc và thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, trong đợt này có người quen bán thực phẩm chức năng nên cho người này đi cùng. Khi tư vấn bán máy, có tư vấn người dân mua thực phẩm chức năng để bồi bổ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về bằng cấp của mình, ông Dân cho biết: Có bằng lương y của trường học ở Hà Nội cấp. Về giấy phép hành nghề, ông Dân giải thích: vì làm chương trình y tế cộng đồng, không có điểm cố định nên không thể có giấy phép!? Ngoài ra, ông Dân còn cho biết mình làm thêm ngành… du lịch ở Hội An.  

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.