Khám phá kho báu đảo Hải Tặc

Quần đảo Hải Tặc là điểm đến lý thú của các bạn trẻ
Quần đảo Hải Tặc là điểm đến lý thú của các bạn trẻ
TP - Suốt 4 thế kỷ qua, đảo Hải Tặc luôn khiến không ít người bị ám ảnh khi nghe đến tên gọi và thôi thúc họ muốn đặt chân đến đó ít nhất một lần trong đời. Tôi đã đặt chân đến đây trong những ngày nắng đẹp…

Hải Tặc thực ra là một quần đảo, gồm 16 đảo nhỏ, trong đó hòn Ðốc (còn gọi là hòn Tre Lớn) lớn nhất nằm cách bờ biển Hà Tiên khoảng 11 hải lý. Từ Hà Tiên, sau khoảng 30 phút đi tàu cao tốc, chúng tôi đặt chân đến hòn Ðốc (Trung tâm xã đảo Tiên Hải, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Song song với hải trình đến đảo là một công trình xây dựng hoành tráng vừa được hoàn thành cuối năm 2019: Ðường dây cao thế vượt biển, dài trên 17 km đưa điện lưới quốc gia đến hòn Ðốc. 

“Cánh buồm đen” ám ảnh

Quần đảo Hải Tặc giờ rất bình an nhưng trong tâm thức người dân vẫn chưa nguôi nỗi ám ảnh về những toán cướp biển khi xưa.

Theo nhà nghiên cứu Trương Minh Ðạt, nạn cướp biển ngoài khơi Hà Tiên có từ thế kỷ 17 khi Mạc Cửu khai phá và cai quản vùng đất này. Hà Tiên ngày ấy là một thương cảng sầm uất, rất nhiều tàu buôn nước ngoài đến trao đổi mua bán. Lợi dụng sự hoang vắng, các toán cướp biển chọn các đảo, nhất là hòn Ðốc làm nơi trú ẩn và phục kích cướp bóc tàu buôn. Tên đảo Hải Tặc xuất hiện từ đó.

Tàu thuyền của bọn cướp biển thường được trang bị những cánh buồm đen, trên cột buồm treo cờ hình cây chổi với hàm ý quét sạch tàu buôn nước ngoài. Vì vậy, “Cánh buồm đen” luôn là nỗi khiếp sợ đối với các tàu buôn.

Thời điểm cướp biển lộng hành nhất là khi chính quyền Mạc Thiên Tích (con trai Mạc Cửu) bị quân Xiêm La đánh bại. Không chỉ hoành hành ở Hà Tiên, các toán cướp còn mở rộng phạm vi hoạt động đến cả vùng biển Rạch Giá và ra tận ngoài vịnh Thái Lan. “Cánh buồm đen” tiếp tục hoành hành cho đến thời Pháp thuộc. Sau này, tuy “Cánh buồm đen” không còn, nhưng nạn cướp biển vẫn diễn ra cho đến tận những năm sau ngày đất nước thống nhất.

Một hậu duệ của những cướp biển vẫn còn sinh sống ở hòn Ðốc là ông Tư Nam, nay đã ở tuổi bảy mươi. Ông cố của ông Tư Nam là Năm Bùn và ông ngoại là Tư Vân đều là cướp biển. “Cả hai người đều đã giải nghệ khi tui còn nhỏ. Lớn lên tui mới biết ông cố và ông ngoại là cướp biển vì được bà ngoại kể lại. Hồi xưa ông ngoại đi cướp là cướp của những thuyền buôn giàu có về chia lại cho bà con nghèo chứ không giữ hết cho mình”- ông Tư hồi tưởng. Ông Tư cũng cho biết, lúc ông chừng mười mấy tuổi thì ông cố mất, mươi năm sau ông ngoại cũng mất.

Ngày nay, trên hòn Tre Vinh (thuộc quần đảo Hải Tặc), người ta dựng mô hình tàu cướp biển với cánh buồm đen để phục vụ khách du lịch.  

Khám phá bí mật kho báu

Theo ông Mạc Ngọc Thạch, gần 60 tuổi (ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải), đến nay không ít người vẫn tin rằng, sau khi cướp được nhiều của cải châu báu, cướp biển đã chôn giấu và những tài sản này vẫn còn nằm đâu đó trên đảo. Vì thế, không ít người từ rất xa đã tìm đến đảo với mục đích tìm kiếm kho báu, trong đó có hai người đến từ Anh và Mỹ.

Ông Lương Văn Tâm, một người dân trên đảo kể, năm 1983, khi phát hiện một chiếc canô lạ từ hướng Phú Quốc đột nhập vào đảo, người dân liền báo cho chính quyền. Ðến mũi Dinh ở bãi Bắc, tổ tuần tra phát hiện chiếc canô được kéo lên bãi cát nhưng không thấy người. Tổ tuần tra chia ra làm 2 mũi đi tìm, và nhóm của ông Tâm men theo đường tắt từ bãi Bắc xẻ dọc ngọn đồi vào tận trong rừng. “Chúng tôi phát hiện hai người nước ngoài đang nằm phơi bụng ngủ. Cạnh đó là máy rà kim loại, máy quay phim, máy chụp hình và các dụng cụ đào đất, bản đồ...”- ông Tâm kể.

Hai người lạ mặt tên là Richard Charles Knight (quốc tịch Anh) và Frederick Kurt Graham (quốc tịch Mỹ) được đưa về tỉnh. Họ khai có một tấm bản đồ được vẽ cách đây 300 năm, của dòng họ truyền lại để chỉ dẫn tới kho báu chôn giấu ở hòn Ðốc. Một thời gian sau, họ được đưa trở lại hòn Ðốc để xác định vị trí đào kho báu. Theo lời họ, kho báu có thể nằm trong lòng đất dưới thung lũng giữa 3 ngọn đồi. Ông Tâm cùng mọi người tham gia đào nhưng chẳng thấy gì ngoài đất và đá. 

Mặc dù vậy, câu chuyện về kho báu bí ẩn vẫn luôn thôi thúc nhiều người muốn kiếm tìm, nhất là khi những đồng tiền cổ được người dân trên đảo tìm thấy. Anh Nam, một thanh niên địa phương kể, trong một lần đi lặn biển ở bãi Bắc, anh tình cờ mò được những đồng tiền cổ màu vàng, họa tiết lạ mắt: “Tôi không biết những đồng tiền này ở đâu mà cứ lặn mò trong cát là dính. Mò hoài có hoài…”. Thấy vậy, nhiều người cũng đổ xô ra bãi Bắc lặn mò.

“Có người mò được vài chục đồng chứ không ít”. Anh Nam cho biết, nhiều người tìm đến hỏi mua với giá 10.000 đồng/đồng nhưng mẹ anh không bán. Hiện nay, gia đình anh Nam chỉ còn giữ được một số ít đồng tiền lạ, trong đó có những đồng tiền có lỗ, có đồng một mặt in nổi những chữ Hán, mặt còn lại chạm nổi hình rồng hoặc hình người đàn ông đội vương miện như hoàng đế.

Người viết bài này đưa hình ảnh đồng tiền kể trên nhờ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận (giảng viên bộ môn Hán Nôm, Trường Ðại học KHXHNV TP Hồ Chí Minh) thẩm định. Ông cho biết, những đồng tiền người dân tìm thấy trên đảo có 4 chữ Hán ở vòng tròn bên trong là Quang Tự Nguyên Bảo, tên Hoàng đế thứ 11 của nhà Thanh (Trung Quốc), trị vì những năm 1875-1908. Có nhiều khả năng đây là tiền cướp được của tàu buôn Trung Quốc đã được cướp biển đưa về chôn giấu ở đảo này.

Ðánh thức “Kho báu xanh”

Ông Phan Hồng Phúc – Chủ tịch UBND xã Tiên Hải cho biết, hiện có 6 trong tổng số 16 đảo trong quần đảo Hải Tặc có người dân sinh sống với gần 500 hộ, phần lớn tập trung tại hòn Ðốc. Dân ở đây chủ yếu mưu sinh bằng việc đánh bắt, nuôi trồng hải sản và dịch vụ du lịch. “Trước đây vắng vẻ lắm, nhưng từ khi có điện lưới quốc gia, khách du lịch đến đảo ngày càng nhiều, nhất là các bạn trẻ”- ông Phúc nói.

Ông cũng cho biết chính quyền địa phương đang đánh thức “kho báu xanh”, khuyến khích người dân chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch. Hiện tại địa phương đã quy hoạch hòn Ðốc với 3 phân khu chức năng chính là khu vực dân cư, khu cảng cá và khu du lịch. Nhiều dự án đầu tư vào hạ tầng đang được triển khai. Thành phố Hà Tiên sẽ dành 1.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển Tiên Hải từ nay đến năm 2025.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Tiên Phạm Văn Xuân cho biết, định hướng của Hà Tiên là phát triển kinh tế du lịch, trong đó tập trung chủ yếu cho du lịch biển đảo. Ông cũng cho hay trong danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh Kiên Giang có nhiều dự án đầu tư ở Tiên Hải. Từ năm 2008, tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái với diện tích 42 ha thuộc hai đảo hòn Tre Vinh và hòn Ðước do một doanh nghiệp địa phương đầu tư. Nhiều nhà đầu tư khác cũng đã đến khảo sát và đặt vấn đề đầu tư khai thác du lịch tại đây.

Trong khi kho báu của những cướp biển vẫn còn nằm trong bức màn bí ẩn, “kho báu xanh” của quần đảo Hải Tặc với vẻ đẹp hút hồn đang cựa mình thức giấc.

Ngày 28/7/1958 (thời Việt Nam Cộng hòa), bia chủ quyền Quần đảo Hải Tặc được dựng lên ở bờ Tây hòn Ðốc (hòn Tre Lớn). Phía trên thân bia chủ quyền ghi: "Quần đảo Hải tặc. Hải đồ số: 3686 S.H; vĩ tuyến 10 độ 10" 8; kinh tuyến 104 độ 20' 0".

Phần đế của bia có dòng chữ ghi: "Quần đảo Hải Tặc gồm có các đảo sau: Hòn Kèo Ngựa, Hòn Kiến Vàng, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Vinh, Hòn Gùi, Hòn Ụ, Hòn Giang, Hòn Chơ Rơ, Hòn Ðước Non, Hòn Bô Dập, Hòn Ðồi Mồi...".

Khám phá kho báu đảo Hải Tặc ảnh 1 Người dân quần đảo Hải Tặc thu nhặt và lưu giữ tiền cổ
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.