Khám phá Nà Sla

Khám phá Nà Sla
TP - Những ngôi nhà cổ trầm mặc, ẩn mình trong lùm cây, núi, đồi. Các thiếu nữ xúng xính áo tua xanh, đỏ ngồi bên rệ cỏ ven đường, hứng nắng, chờ bạn tình. Tôi không dám bước nhanh đến làng Nà Sla, sợ vướng vào câu Sli, câu Lượn...

Mặc dù đã có đường nhựa phẳng lỳ dẫn từ thị trấn Cao Lộc đến trung tâm xã Thạch Đạn (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) và cách thôn Liểu Hàng, Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc, chưa đầy chục cây số, song những ngôi làng nhỏ nơi đây vẫn giữ được nét cổ kính với mái ngói âm dương, tường bằng đất sét kiên cố. Tại  làng Nà Sla và Khòn Khuổng, còn có nhiều phong tục, tập quán nín lòng du khách.

Tôi hỏi chuyện một thanh niên dân tộc Nùng, nom khá bảnh trai tên là Hoàng Văn Đạo. Người dân ở đây, thấy người, dù quen hay lạ đều mời bằng được vào nhà, uống nước, kin lẩu (uống rượu). Muốn vào nhà Đạo, phải qua những ngõ nhỏ, bao chắn bởi các bức tường đất dày cộp, có hoa xương rồng mọc trên đỉnh. Đạo cho biết, làng Nà Sla có mấy chục nóc nhà nhưng đều là người Tày- Nùng.

Đạo năm nay 27 tuổi, thường ngày lên nương trẩy bắp, săn thú rừng, còn những hôm nông nhàn, cùng chúng bạn sang làng Liểu Hàng chặt mía lấy tiền công. Trai tráng trong làng, đa số đi làm thêm, vừa có thu nhập lại được giao lưu, thăm thân.

Hàng đêm, Đạo cùng bạn trẻ tìm kiếm làn điệu hát Sli trên sườn đồi, sườn núi. Tôi buộc miệng hỏi: “Có vợ chưa?". Đạo bảo: “Có rồi. Cưới nhau từ năm 2005, nhưng nó đang ở nhà mẹ đẻ ở làng kề bên". Đạo hào hứng kể, vợ là một người đẹp người, đẹp nết, “chỉ có một cô trong làng, xinh hơn nó thôi".

Hôm cưới, Đạo bị chuốc rượu say mèm, cô dâu rúm người cùng đám phù dâu. Sáng hôm sau, tỉnh giấc, vợ của Đạo đã biến mất. Phong tục ở đây là vậy, chỉ khi nào có con, cô dâu mới về nhà chồng sinh sống. “Thi thoảng, vào ngày mùa, đón vợ về làm nông rồi nó lại đi". Đạo kể, vợ vẫn một mực chung thủy, đêm không đi chơi khuya, thi thoảng hai người ngồi tán chuyện bên bàn uống nước như thuở mới yêu. Anh chàng người Nùng tiết lộ: Sắp tới, có em bé, vợ sẽ về nhà thôi. 

Khám phá Nà Sla ảnh 1
Hoa mận nở trắng rừng. Ảnh: Kiên Cường

Dập dìu câu hát giao duyên

Tiết trời miền biên ải se lạnh, hanh vàng cùng những cơn gió phóng khoáng ào tới. Nhiều đôi nam thanh, nữ tú làm lễ thành hôn, vậy nên, nhóm nghệ nhân làng Nà Sla và Khòn Khuổng lại bận bịu với việc lĩnh xướng hát đám cưới. Phong tục người Nùng phải có thầy Lang, người phụ rể sang nhà gái đón dâu. Bạn bè cô dâu bao giờ cũng đón tận ngõ để hát đối đáp. Nếu phụ rể hát thua, thì không được vào nhà.

Trong lễ cưới, chú rể mặc bộ quần áo chàm mới nhất, có chỉ đỏ buộc ở tà áo, đi chúc rượu bằng văn vần. Trai gái trong bản được dịp uống rượu, Sli, lượn, tỏ tình suốt đêm.

Khám phá Nà Sla ảnh 2Chỉ cần có một tiếng Sli vang lên ở góc chợ là có tiếng hát hưởng ứng xa gần, tìm niềm đồng cảm bao quanh.Khám phá Nà Sla ảnh 3

Bà Hứa Thị Mồn, năm nay bước sang tuổi 57, song vẫn thích hát. Bà bảo, từ thủa đi chăn trâu, biết nói là được bố, mẹ truyền dạy cho cách diễn xướng, dân ca đối đáp theo trình tự: Hát đánh tiếng (hỏi thăm), đối đáp và chia tay. “Cái khó nhất là đối lời có giọng cao, giọng trầm, tạo thành bè..." - Bà Mồn tâm sự. Khi đến tuổi “trăng tròn", Mồn đi cùng chúng bạn Pây lìn háng (đi chơi chợ) ở phố chợ Kỳ Lừa.

Những chàng trai, cô gái người Nùng mang theo khăn, áo mới trong chiếc tải ngàm đến chợ phiên. Đám gái bản xuống sông Kỳ Cùng rửa chân, thay áo chàm, áo ngắn may bằng vải kẻ ca rô xanh và cả đôi dép mới, rồi mới đến chợ. Sau khi thắt lưng, vấn khăn cho nhau, họ cầm chiếc gương bé xíu như lòng bàn tay, hồn nhiên trang điểm.

Ngày ấy, chợ nhộn nhịp tà áo thổ cẩm, huyên náo một vùng. Chỉ cần có một tiếng Sli vang lên ở góc chợ là có tiếng hát hưởng ứng xa gần, tìm niềm đồng cảm bao quanh.

Dọc triền sông, trên mỏm núi về bản, từng đôi nam nữ nhẩn nha cất bước, mải mê hát. Tốp nữ đi trước, nam đi sau. Đến một địa điểm thích hợp mỗi tốp hát “bỏ sót" một người. Mồn đã tìm được người hát ưng ý. Đêm ấy, họ đi từ phố lên đồi, rồi kết bạn trăm năm, sinh được một thiếu nữ xinh đẹp, giỏi hát hơn mẹ. Bà Mồn khoe: “Nó đang là giáo viên dạy bộ môn năng khiếu ở Trường Hải Yến quê tôi đấy!". Bà nhìn về phía xa xa, bỗng trào lên ký ức thật đẹp.

Tiết thanh minh trong sáng. Mùa hoa mận, hoa lê nở trắng rừng. Người bên kia biên giới sang du xuân, nghe hát. Chủ tịch UBND xã Thạch Đạn, ông Hoàng Văn Đỏ phấn khởi nói: “Không chỉ có người thích nghe hát, mới đây, xuất hiện hai con lợn rừng mẹ từ đâu tới, dọn ổ ở cánh rừng gần làng Nà Sla, sinh hạ gần chục con. Đàn lợn quý này, nghe hát xong mới lặng lẽ đi theo những triền núi, chập chùng nơi biên ải".

MỚI - NÓNG