Khám tại bệnh viện tư, khó thanh toán bảo hiểm y tế

TP - Các thành viên của Hiệp hội bệnh viện tư cho hay, hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là thủ tục thanh toán BHYT.

Lãnh đạo Bệnh viện An Sinh (TPHCM) nêu thực tế: Bệnh viện An Sinh mỗi ngày làm 40 ca chụp CT nhưng BHXH chỉ giải quyết cho 16 ca, đến ca thứ 17 thì bệnh nhân phải trả tiền toàn bộ.

Rồi một số phụ lục quy định không được tổ chức KCB BHYT vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Lý do được nêu ra là cơ quan BHXH chưa quản lý được nên chưa ký hợp đồng.

Theo đại diện nhiều cơ sở y tế tư nhân, cần thay đổi cách quản lý, tất cả các cơ sở y tế đều phải được thanh toán BHYT nếu có người bệnh đăng ký KCB ban đầu, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.

Việc không cho phép tổ chức KCB BHYT vào ngày thứ bảy, chủ nhật khiến người bệnh bức xúc, cơ sở y tế giảm số lượng người bệnh do không cung cấp được dịch vụ KCB này.

Một vấn đề mà đa số các bệnh viện đều đề cập, đó là trong năm phải tiếp quá nhiều đoàn thanh kiểm tra. Theo một lãnh đạo bệnh viện đến từ Thanh Hóa thì một năm bệnh viện tiếp đến 6 đoàn kiểm tra của bảo hiểm, y tế, phòng cháy chữa cháy, công an…

“Mỗi lần đoàn đến là đóng cửa giải trình, không làm được việc gì cả. Cần hành lang pháp lý rõ ràng để các cơ sở y tế tư nhân thực hiện”, vị này kiến nghị.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, có hiện tượng BHYT quy định nhiều thủ tục hơn cho các bệnh viện tư bởi giá dịch vụ KCB bệnh viện tư thường cao hơn bệnh viện công. Nếu tính đúng, tính đủ theo giá của bệnh viện tư thì BHXH không chịu nổi.

Bên cạnh đó, mỗi bệnh viện đều có 1 người làm công việc thẩm định, rà soát BHYT nhưng người này chỉ làm việc giờ hành chính. Do đó dẫn đến việc khó thanh toán BHYT ngoài giờ.

“Có nhiều cháu nhỏ dưới 6 tuổi - độ tuổi đương nhiên được hưởng BHYT, nhưng khi đi khám nhiều khi rất lằng nhằng vì khám ngoài giờ”, vị này cho hay. Được biết, Hà Nội cũng đã đề xuất với Bộ Y tế sớm phân hạng bệnh viện để minh bạch vấn đề chi trả BHXH, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa thực hiện xong.

Đại diện BHXH Việt Nam cũng khẳng định, việc không thanh toán BHYT với một số cơ sở KCB là do cơ sở đó không thông báo và đăng ký KCB ngoài giờ với cơ quan BHXH.

Vị này lý giải, cơ quan BHXH khi thực hiện KCB BHYT bao giờ cũng phải ký hợp đồng với các cơ sở KCB từ đầu năm. Việc ký hợp đồng được thực hiện cả với những cơ sở KCB tư nhân và công lập.

Trong trường hợp cơ sở quá tải, số lượng bệnh nhân vượt quá so với năng lực của cơ sở KCB trong ngày làm việc bình thường, thì lúc đó mới KCB vào thứ bảy, chủ nhật. Việc KCB phải trao đổi, đăng ký với cơ quan BHXH, nếu tự ý khám thì cơ sở KCB đó làm sai hợp đồng ký kết.

“Còn đối với tất cả những trường hợp cấp cứu, dù bất cứ lúc nào cũng được cơ quan BHXH thanh toán đầy đủ”, vị này khẳng định.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.