Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Ngày 6/7, Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi các tỉnh, bộ, ban, ngành, chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Trong đó, trước mắt chú trọng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương.
Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 1
Lũ cuốn tất cả thành bình địa - Ảnh chụp tại thôn Nà Bẻ, xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn chiều 5-7 - Ảnh: Xuân Lâm (Tuổi Trẻ)

Công điện nêu rõ, liên tục những ngày qua, mưa lũ làm ngập lụt trên diện rộng ở nhiều địa phương tại các tỉnh miền núi phía Bắc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. "Thay mặt Chính phủ, tôi gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị thiệt hại" - Thủ tướng nêu trong công điện.

Để tiếp tục làm tốt công tác đối phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh bị thiên tai tiếp tục chủ động đối phó với tình hình diễn biến lũ trên các triền sông, lũ quét, sạt lở đất.

"...Trước mắt, huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc thông suốt; làm tốt công tác vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh; chăm lo hỗ trợ các gia đình bị nạn; chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân vùng bị thiên tai" - công điện có cho biết.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Y tế, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ ngành liên quan có biện pháp giúp địa phương chống lũ, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Theo nhận định, tình hình mưa lũ, thiên tai còn diễn biến phức tạp, "yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống, lụt bão Trung ương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn và các Bộ, ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến bão, lũ, thiên tai để có các biện pháp ứng phó và tìm kiếm cứu nạn kịp thời".

Thiệt hại nặng nề

Mưa lớn liên tục trong nhưng ngày qua gây thiệt hại nặng về tài sản trong tỉnh Yên Bái. Đến 8 giờ sáng 6/7, quốc lộ 32, đoạn từ thị xã Nghĩa Lộ đi huyện Mù Cang Chải, có hơn 40 điểm sạt lở, với khoảng 20.000 m3 đất đá. Các điểm trên địa bàn xã La Pán Tẩn, Zé Su Phình, Hồ Bốn huyện Mù Cang Chải bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông toàn tuyến.

Mặc dù Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái chủ động bố trí người và phương tiện túc trực, sẵn sàng giải toả giao thông, nhưng do cấu trúc địa chất của các điểm sạt lở yếu nên thường chỉ giải phóng tạm thời, sau đó đất đá lại tiếp tục sạt lở.

Ở huyện Mù Cang Chải, sạt lở đất còn làm lún, sạt, buộc 58 hộ dân phải di dời đến nơi ở tạm.

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ ảnh 2
Nhiều đường dây viễn thông đều bị đứt vì mưa lũ - Ảnh: Xuân Lâm (Tuổi Trẻ)

Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, cơn mưa lớn đêm 3/7, làm 13 người chết.

Đến sáng sớm 6/7, lực lượng cứu hộ huyện Pác Nặm mới tìm được bốn thi thể, hiện còn chín xác vẫn nằm dưới đống đổ nát tại thôn Khên Lền, xã Công Bằng.

Ông Nguyễn Văn Du - Bí thư huyện uỷ Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, cho biết, đến 9 giờ 30 phút ngày 6/7, 11 người tại thôn Khên Lền, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm bị coi mất tích, đã trở về trong tâm trạng hoảng loạn, suy kiệt, sau mấy ngày chạy trốn vì sợ hãi.

Lực lượng cứu hộ kịp thời động viên, chăm sóc sức khoẻ để họ bình tĩnh trở lại, giúp tìm kiếm những người trong đống đổ nát.

Mưa lớn còn vùi lấp hoàn toàn 21 nhà dân tại hai xã Nhạn Môn và Công Bằng; 35 nhà tại các xã Giáo Hiệu, Nhạn Môn, Công Bằng bị sạt tà luy dương; 88 hộ ngập chìm trong nước. Giao thông đến 10 xã đều ách tắc do đất vùi lấp nền đường hoặc đường bị lũ cuốn trôi.

Mưa cũng làm mất điện lưới, điện thoại suốt ngày 4 và 5/7, đến sáng 6/7 mới khắc phục ổn định tại khu vực trung tâm huyện Pác Nặm.

Hiện tại, lực lượng cứu hộ huyện Pác Nặm đến các xã, liên hệ các thôn vùng sâu, tiếp tục thống kê thiệt hại, đồng thời giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Ở Lai Châu, sau các trận mưa lớn ngày 26/6 và mưa trên diện rộng từ ngày 3 - 5/7, hiện, toàn bộ các địa phương trong tỉnh đều bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại ước tính 81 tỷ đồng. Trong đó, các huyện Phong Thổ, Mường Tè, Tân Uyên và Tam Đường thiệt hại nặng nhất.

Theo thống kê ban đầu, bảy người thiệt mạng, ba cây cầu bị phá huỷ, tuyến tỉnh lộ 127 từ ngã ba Lai Hà đi huyện Mường Tè bị hư hỏng nghiêm trọng làm địa phương này bị cô lập với bên ngoài từ hai ngày qua.

Chính quyền, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh và các địa phương chỉ đạo hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất; điều động máy móc, nhân công khắc phục sạt lở tại những tuyến giao thông trọng điểm; cứu trợ gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng của thiên tai.

Gần 500 cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân tự vệ được huy động di dời khẩn cấp các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm khỏi vùng sạt lở.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn đang mưa lớn, dự báo sẽ còn có những diễn biến bất thường về thiên tai.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn tỉnh này, ngày 5/7, lượng mưa đo được là 249mm. Mực nước tại sông Nậm Na, Nậm Mu, Nậm So... liên tục dâng cao ở mức báo động cấp hai. Lũ trên sông Đà dâng cao 2 - 3m trong ngày 6/7.

Theo Thông Tấn xã Việt Nam

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.