Khẳng định dấu hiệu tích cực, nhận lỗi những yếu kém

Khẳng định dấu hiệu tích cực, nhận lỗi những yếu kém
TP - Hôm qua, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XIII, trong phần trình bày về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn “xin thành thật nhận lỗi trước QH, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành…”

> Thủ tướng nhận lỗi về những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ

 Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước QH, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước”. 

Trong phần cuối của báo cáo dài 17 trang trình bày trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Trong những ngày qua, Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng các bộ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Tập thể Ban cán sự đảng và mỗi đồng chí đã thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và chân thành cầu thị rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc nhất trong thực thi nhiệm vụ được giao và trong cả quá trình hoạt động cách mạng của mình”.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từng thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc, nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, hành động quyết liệt, tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì Đảng, vì chế độ, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước”.

Lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định hơn

Trình bày Báo cáo của Chính phủ về “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết nhìn tổng quát, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, công tác lãnh đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đạt và vượt 10 trên 15 chỉ tiêu kế hoạch... Lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô chuyển biến ổn định hơn.

Tuy nhiên, còn 5 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, cụ thể là chỉ tiêu tăng trưởng GDP (ước cả năm đạt khoảng 5,2%) thấp hơn kế hoạch, chỉ tiêu tỉ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP không đạt (29,5% so với 33,5%) kéo theo hai chỉ tiêu giải quyết việc làm, giảm tỉ lệ hộ nghèo đạt thấp. Năm 2012 diện tích rừng tăng thêm vẫn đạt mức đề ra.

Thủ tướng cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém: Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại, nợ xấu gia tăng, xử lý còn chậm và còn nhiều khó khăn…, số lượng doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động còn nhiều, thị trường bất động sản đình trệ, chưa có khả năng phục hồi sớm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước. “Tái cơ cấu tập đoàn Vinashin còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm.

Tiến trình tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, ngân hàng thương mại đang ở giai đoạn đầu, còn nhiều khó khăn, cần có quyết tâm cao, nguồn lực cần thiết và lộ trình thích hợp” - Thủ tướng cho biết.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhiệm vụ còn lại của những tháng cuối năm 2012 là rất nặng nề. Để đạt được mục tiêu tăng GDP cả năm 5,2% thì quý 4 phải đạt mức tăng 6,5% (trong khi mức tăng quý 3 chỉ là 5,35%).

Tập trung gỡ khó, thúc đẩy phát triển SXKD

Chính phủ đề nghị QH xem xét xác định mục tiêu tổng quát của năm 2013 là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2013 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá, chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trong đó, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo tái cơ cấu sản xuất, ưu tiên phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh cổ phần hoá và tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh việc tái cơ cấu Vinashin và Vinalines.

“Hoàn thiện việc phân định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ quản lý ngành và UBND cấp tỉnh, các bộ tổng hợp, Hội đồng thành viên. Tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu, nhất là kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật và nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp. Đồng thời sớm nghiên cứu mô hình tổ chức quản lý của chủ sở hữu, phương thức tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác cán bộ đối với doanh nghiệp nhà nước”- Thủ tướng cho biết.

Về thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu chung, theo Thủ tướng Chính phủ, do cân đối ngân sách nhà nước năm 2013 rất khó khăn, chưa bố trí được nguồn, đề nghị QH giao Chính phủ tính toán cụ thể, báo cáo Ủy ban Thường vụ QH và thực hiện ngay khi có điều kiện, trước hết là đối với người có công, cán bộ hưu trí.

Ý kiến ĐBQH

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh):

Quan trọng là biện pháp khắc phục

Thủ tướng có nhận khuyết điểm trong quá trình chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Điều này thể hiện trách nhiệm của người lãnh đạo điều hành. Nhưng quan trọng là biện pháp sắp tới khắc phục như thế nào.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến:

Cần hệ thống giải pháp đi kèm

Các đại biểu Quốc hội ghi nhận việc Thủ tướng tự nhận thấy khuyết điểm của Chính phủ. Với tư cách là đại biểu QH, tôi rất hoan nghênh sự mạnh dạn, cầu thị này.

Tôi cho rằng Thủ tướng sẽ có chương trình hành động sau Hội nghị Trung ương 6, sẽ có hệ thống các giải pháp đi kèm. Đặc biệt là phải có hướng đi cụ thể hơn trong việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, phải chỉ rõ trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Ngọc Tiến
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.