Thẻ BHYT điện tử:

Khẳng định nỗ lực phục vụ người dân của BHXH Việt Nam

Với ứng dụng công nghệ thông tin và thẻ BHYT điện tử, người dân không cần thẻ BHYT vẫn được khám, chữa bệnh do BHYT chi trả
Với ứng dụng công nghệ thông tin và thẻ BHYT điện tử, người dân không cần thẻ BHYT vẫn được khám, chữa bệnh do BHYT chi trả
TP - Chậm nhất đến ngày 1/1/2020, cơ quan BHXH phải phát hành thẻ BHYT điện tử cho người tham gia BHYT, đấy là nhiệm vụ cũng thể hiện nỗ lực không ngừng của BHXH Việt Nam để phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Sẽ không chậm trễ

Theo Nghị định 146/2018, quy định và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT vừa được Thủ tướng ký ban hành, chậm nhất đến ngày 1/1/2020, BHXH Việt Nam phải phát hành thẻ BHYT cho người dân.

Trao đổi với phóng viên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, trước đó Thủ tướng đã chỉ đạo, giao cho BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử. Thủ tướng yêu cầu thẻ BHYT điện tử phải gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ; bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành, địa phương liên quan.

Theo ông Ánh, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu cấp thẻ BHYT điện tử như kế hoạch đề ra, như: Xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt mẫu thẻ BHYT điện tử, và phương án cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử; xây dựng phương án xác định mục tiêu, lộ trình thực hiện, quy định về giải pháp công nghệ cho thẻ BHYT điện tử. Hiện Dự thảo đang lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương. Sau khi hoàn tất các thủ tục, BHXH Việt Nam sẽ trình lãnh đạo ngành để trình Thủ tướng quyết định.

Trong 2 năm vừa qua, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, và xây dựng thẻ BHYT điện tử là một bước đột phá của ngành. Thẻ BHYT điện tử ra đời sẽ mang lại nhiều hơn sự thuận tiện cho người dân. “Đến 1/1/2020, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến thẻ BHYT điện tử. Chắc chắn sẽ phát hành thẻ BHYT điện tử đến người dân theo hạn định”, ông Ánh nói.

Với thẻ BHYT điện tử, hơn 82 triệu người tham gia BHYT (còn tăng hơn nữa những năm tới), khi đi khám chữa bệnh, dù thẻ chưa đến tay người dân nhưng trong hệ thống đã có thông tin, nên chủ thẻ vẫn được giải quyết chế độ như bình thường. Khi đó, các cơ sở khám chữa bệnh chỉ cần nhập mã thẻ, họ tên, ngày tháng năm sinh chủ thẻ, hệ thống sẽ trả kết quả là thẻ có hợp lệ hay không. Người dân cũng có thể tra cứu quyền lợi của chủ thẻ, thậm chí tra cứu những lần khám chữa bệnh (nếu đã khám chữa bệnh) trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

BHXH Việt Nam cũng tổ chức khảo sát, thí điểm tại một số tỉnh, thành phố lớn; lên phương án trang bị cơ sở hạ tầng nhằm bảo đảm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu BHYT liên thông với cơ sở dữ liệu của các bộ ngành, địa phương.

Đơn vị tiên phong cải cách

Mới đây, làm việc với BHXH Việt Nam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã nhấn mạnh: BHXH là trụ cột quan trọng của quốc gia về an sinh xã hội, được Thủ tướng rất quan tâm. Bộ trưởng đã chuyển lời khen của Thủ tướng tới BHXH Việt Nam về 5 vấn đề đã đạt được. Đặc biệt, BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, sớm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH; chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả BHXH, BHYT. Hệ thống công nghệ thông tin của BHXH được triển khai từ trung ương tất cả cấp quận/huyện, cơ sở y tế. Qua đó giảm mạnh thời gian nộp BHXH của các doanh nghiệp từ 335 giờ/năm trước đây xuống còn 45 giờ/năm; giảm từ 115 bộ thủ tục hành chính xuống còn 28 bộ...

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, quan trọng nhất là ngành BHXH đã tạo minh bạch, rõ ràng trong quản lý, điều hành. Đặc biệt, mang tính chất phục vụ với người dân, người tham gia các chính sách BHXH; kiểm soát cơ sở khám chữa bệnh để chống những kẽ hở có thể lợi dụng trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. “Xin chuyển lời khen của Thủ tướng tới BHXH Việt Nam. Đặc biệt là đánh giá cao về tư tưởng, biện pháp và hiệu quả cải cách. Qua đó tác động rõ rệt tới kinh tế - xã hội đất nước; tạo công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan BHXH và người dân được hưởng các chế độ. Ngay cách chi trả hiện nay của BHXH cũng rất tốt, đến tận các điểm xã. Trước đây, các cụ nghỉ hưu phải đi 5 - 7 cây số mới nhận được tiền lương, nay được nhận rất nhanh, tiện lợi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Hiện, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang quản lý thông tin của hơn 94 triệu người dân, với 6 thông tin cơ bản, trong đó có 82 triệu hồ sơ (thẻ) tham gia BHYT. BHXH Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ dữ liệu này với các cơ quan khác, tiến tới tích hợp, đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu dân cư của quốc gia.

Hết năm 2017, cả nước có 13,9 triệu người tham gia BHXH, có 79,9 triệu người tham gia BHYT,  có 11,8 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến hết tháng 10/2018, toàn quốc có 82,33 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 87,62% dân số.

Theo Bảng xếp hạng sẵn sàng về ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành BHXH đang đứng thứ 2 (riêng tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật đứng thứ nhất) trong các bộ ngành được xếp hạng. Còn theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, BHXH là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190 nền kinh tế trong năm 2018.

MỚI - NÓNG