Khánh Hòa : Di dời dân ngay trong chiều tối nay

Khánh Hòa : Di dời dân ngay trong chiều tối nay
TPO – 14h chiều nay 23/11, UBND tỉnh Khánh Hoà đã phát lệnh di dời dân khỏi những vùng ven bờ biển và có khả năng bị ảnh hưởng của bão số 7 trước 18h hôm nay . Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Tiền phong tới 20h, cuộc vận động di dời vẫn phải đang tiếp tục...

>> Bão số 7 có khả năng sẽ vào gần Nha Trang

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hoà cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 7, đến 21 giờ ngày 23/11, Khánh Hoà đã có 1 người chết, 3 tàu bị chìm, nhiều đoạn đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông.

Trong khi đi rừng về, bà Pi Năng Thị Sánh (sinh năm 1951) dân tộc Raclay trú tại thông Đá Răm, xã Khánh Thượng (huyện Khánh Sơn) bị nước cuốn trôi hiện chưa tìm thấy xác. Toàn tỉnh đã có 1 nhà bị sập, 3 tàu đánh cá bị chìm. Đó là tàu KH 7439-TS, KH 9755-TS và một tàu chưa đăng ký biển số. Bộ đội biên phòng tỉnh đã đưa phương tiện đến các tàu bị nạn ứng cứu kịp thời, toàn bộ số ngư dân trên tàu đã được cứu sống. Hiện các tàu trên đang được bộ đội Biên phòng và ngư dân trục vớt vào bờ.

Do mưa to, hơn 300m3 đất đá ở đèo Cổ Mả và 50 m đường Quốc lộ I trên Đèo Cả thuộc địa phận huyện Vạn Ninh đã bị sạt lở. Lực lượng giao thông đang tập trung lao động, phương tiện san ủi giải phóng mặt bằng, phấn đấu thông xe trong đêm nay.

Cơn bão số 7 có khả năng đổ bộ vào Khánh Hoà ngày mai (24/11), Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các địa phương giúp đỡ bà con nhanh chóng chằng chống nhà cửa, di dời ngay số dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn nhằm phòng tránh sạt lở, lũ quét.

Trưa và chiều 23/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đã kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 7 tại tỉnh Khánh Hoà.

Hiện nay tại Khánh Hoà đang có mưa vừa, dự kiến trong đêm nay và ngày mai có mưa to đến rất to, lượng mưa từ 100mm đến trên 200mm. Các sông tại tỉnh có khả năng xuất hiện lũ ở mức báo động II và báo động III.

Tại cuộc họp lúc 13h30, Bộ trưởng Cao Đức Phát ghi nhận, công tác chỉ đạo PCLB của tỉnh kịp thời, cụ thể. Tuy nhiên, nhiều người dân còn khá lơ là. “Tôi thấy với sự chằng chống nhà cửa như hiện nay, bão cấp 11 – 12 vào là tan hoang hết. Năm ngoái, Đà Nẵng và Vũng Tàu đổ nhiều nhà, chết nhiều người là ở đô thị, không phải ở nông thôn, các đồng chí phải lưu ý.” - Bộ trưởng nói.

Khánh Hòa : Di dời dân ngay trong chiều tối nay ảnh 1

Bộ đội giúp dân đưa tàu thuyền lên bờ ở khu vực Núi Một, phường Vĩnh Hoà, Nha Trang. Ảnh : Đình Quân

Trước tình hình cơ quan quản lý một số hồ chứa nước lo sau này cạn nước nên chỉ xả nước cầm chừng, Bộ trưởng nhắc UBND tỉnh Khánh Hoà chỉ đạo quyết liệt về việc này.

Cần nêu rõ nguyên tắc, mỗi chủ quản lý công trình hồ chứa nước phải chịu trách nhiệm về mực nước trong hồ, để khi có lũ cao nhất không xả thêm nước hồ, làm tăng thêm lũ nhân tạo. Ai để xảy ra thiệt hại do xả nước khi có lũ, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Khánh Hòa : Di dời dân ngay trong chiều tối nay ảnh 2

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Cao Đức Phát họp chỉ đạo phòng chống bão số 7 với lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà. Ảnh : Đình Quân

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc nhở thêm, khi di dời dân phải tổ chức bảo vệ tài sản của họ, không để xảy ra mất mát, không để người dân vì lo cho tài sản mà tìm cách quay về khi chưa hết nguy hiểm. Tỉnh cần theo dõi sát sao diễn biến của bão, để có quyết định kịp thời về khu vực, quy mô di dời dân tuỳ theo tình hình.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị, ngành GTVT nên bố trí lực lượng mạnh ở Đèo Cả, để kịp thời khắc phục sạt lở gần như chắc chắn sẽ xảy ra tại đây do ảnh hưởng của bão, không để giao thông đường bộ và đường sắt bị gián đoạn lâu.

Với đề nghị này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, lãnh đạo ngành Đường bộ và Đường sắt đã thường xuyên trực tại miền Trung cả tháng nay và đã có phương án để nhanh chóng khôi phục giao thông qua Đèo Cả nếu có sạt lở.

Ngay sau cuộc họp, UBND tỉnh Khánh Hoà đã phát lệnh di dời dân khỏi những vùng ven bờ biển và có khả năng bị lũ tràn qua. Phải hoàn thành di dân ở những nơi này và đưa dân trên lồng bè nuôi thuỷ sản vào bờ trước 18h ngày 23/11.

Theo báo cáo của UBND thành phố Nha Trang, số hộ phải di dời khẩn cấp là 1590hộ/7560 khẩu ở các phường Vĩnh Phước, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường, Xương Huân, xã Vĩnh Lương và xã Phước Đồng. 

Khánh Hòa : Di dời dân ngay trong chiều tối nay ảnh 3

Hàng trăm nhà dân ở cửa sông Cái đang bị đe doạ. - Ảnh chụp lúc 17h30 ngày 23/11. Ảnh : Đình Quân

14h00 : UBND tỉnh Khánh Hoà đã phát lệnh di dời dân khỏi những vùng ven bờ biển và có khả năng bị lũ tràn qua. Phải hoàn thành di dân ở những nơi này và đưa dân trên lồng bè nuôi thuỷ sản vào bờ trước 18h. Ngay sau đó, các công việc được triển khai rất khẩn trương.

16h00 : Tại UBND phường Vĩnh Nguyên, đã có những nhóm cụ già, phụ nữ, trẻ em đầu tiên của tổ Tây Hải 1 và tổ Tây Hải 2 được đưa đến đây trú tránh bão. Nhưng trong những dãy nhà nằm sát bờ biển, còn rất nhiều gia đình chưa có dấu hiệu nào của việc chuẩn bị di dời. Tại bến tàu Cầu Đá vắng ngắt, có vài người đang chờ người thân trên các lồng bè ở Hòn Một, Vũng Ngán được tàu của Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng Khánh Hoà đón vào bờ.

16h30 :  Mưa dày hơn, gió lớn hơn chút so với buổi sáng. Sóng lớn đập liên hồi vào bờ kè trên đường Trần Phú, đôi lúc chồm lên mặt đường. Đoạn đường Trần Phú từ ngã ba đường Yersin đến công viên Yến Phi, cát do sóng biển đưa lên phủ dày, có chỗ đến trên 10cm.

Ở cồn Tân Lập phường Xương Huân và Cù Lao Hạ phường Vĩnh Thọ bên bờ cửa sông Cái, lực lượng liên ngành đi khắp mọi ngõ ngách vận động, nghiêm mặt, năn nỉ người dân tạm di dời để tránh bão. Nhưng trong các căn nhà lụp xụp đang bị sóng vỗ ì oạp dưới cột, còn rất nhiều người. Có cả vài cuộc nhậu.

Khánh Hòa : Di dời dân ngay trong chiều tối nay ảnh 4

Sóng tràn lên hè đường Trần Phú, Nha Trang. Ảnh chụp lúc 17h ngày 23/11. Ảnh : Đình Quân

17h45 : Tại bến tàu Cầu Đá không còn ai. Tàu Biên phòng đưa người từ lồng bè về đã cập bờ ít phút trước. Tại UBND phường Vĩnh Nguyên, cán bộ phường túc trực đông đủ. Họ nói, đã hoàn thành di dời toàn bộ 87 hộ dân Tây Hải 1 và Tây Hải 2.

Trên vùng biển của phường có 337 lồng bè với 1131 lao động, đến lúc này đã cưỡng chế đưa vào bờ 33 người. Tất cả những người còn lại đã tự giác hoặc bị cưỡng chế đưa lên các khóm đảo Vũng Ngán, Đầm Bấy, Bích Đầm, Hòn Một, Trí Nguyên.

18h15 : Tại Văn phòng của Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ông liên tục vừa đi lại vừa nói chuyện điện thoại, nét mặt căng thẳng. Có một số dự đoán bão sẽ không vào đất liền, nên nơi này nơi nọ đã xuất hiện tâm lý chủ quan. Tỉnh Khánh Hoà chưa tổng hợp được số liệu kết quả di dời dân.

19h45 : Văn phòng Ban chỉ huy PCLB Khánh Hoà. Vừa có báo cáo cập nhật công tác di dời dân. Toàn tỉnh cần di dời khẩn cấp 14.606 hộ/64.684 khẩu, nhưng đến 19h mới di dời được 1910 hộ/8878 khẩu. Không huyện, thị xã, thành phố nào di dời được trên 40% số dân phải di dời trước 18h.

Nha Trang phải di dời 1911 hộ/9044 khẩu, mới di dời được 206 hộ/2420 khẩu. Huyện Ninh Hoà phải di dời 7785 hộ/32.681 khẩu, mới di dời được 45hộ/150 khẩu tại xã Ninh Hà….

20h10 : Chưa có gió lớn, nhưng sóng đập lên đường Trần Phú mạnh hơn. Vẫn mưa tầm tã. Khá nhiều người đội mưa đi ngắm sóng. Trong các ngõ hẻm của các phường Xương Huân, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ…, cuộc vận động di dời dân vẫn đang tiếp tục.

Năm 2006, khi nghe tin bão số 9 không vào Nha Trang như dự báo trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Võ Lâm Phi bảo, ông vừa mừng vừa lo. Mừng thì đã rõ. Lo là lo sang năm, sẽ khó vận động dân di dời nếu lại có bão. Nỗi lo của ông nay đang được chứng thực!

Sáng cùng ngày, Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu cũng đã kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 7 tại tỉnh Ninh Thuận.  

Phó thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần phải kiên quyết đưa toàn bộ số người hiện đang ở trên tàu đến nơi trú ẩn an toàn, nếu cần thiết phải dùng lực lượng cưỡng chế nhằm tránh thiệt hại về người; chú trọng bố trí lực lượng bảo vệ tài sản cho ngư dân để họ yên tâm di dời.

Tại Hồ Sông Trâu, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương cần theo dõi tình hình mưa lũ và điều tiết nước một cách hợp lý để vừa bảo vệ hồ vừa tiêu thoát nước kịp thời nhằm tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.

1 người mất tích và 2 tàu bị chìm do ảnh hưởng của bão số 7

Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến thời điểm này thiệt hại ban đầu do ảnh hưởng của bão số 7 là 1 người mất tích và 2 tàu cá bị chìm. Người mất tích là chủ tàu BTh 8368TS Nguyễn Văn Tài trong khi di chuyển tránh bão bị sóng đánh chìm tại đảo Phú Quý.

Theo Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 23/11, Bộ đội biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương, ngành Thủy sản và gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kêu gọi được 44.135tàu/239.728 ngư dân.

Trong đó: số lượng tàu, thuyền đã vào tránh trú bão tại vùng biển, đảo của Inđônêsia, Malaysia là 662 tàu/3.892 ngư dân (18 tàu với 214 ngư dân Khánh Hòa đã rời vùng biển Inđônêsia về nước). Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 78 tàu/703 ngư dân vẫn đang hoạt trong vùng biển nguy hiểm. Cụ thể: khu vực Quần đảo Hoàng Sa: 2 tàu/24 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, hiện các tàu này vẫn giữ được liên lạc và đang được chỉ đạo tìm nơi trú an an toàn. Quần đảo Trường Sa: 76 tàu/679 ngư dân.

Trong những ngày qua Bộ đội biên phòng đã ngăn chặn được 3.261tàu/14.065ngư dân ra biển. Hiện Quân chủng Hải quân duy trì 16 tàu thường trực sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn tại Nha Trang: 2 chiếc; Cam Ranh: 3; Vũng Tàu: 4; quần đảo Trường Sa: 6. 

Tàu TG 92488 với 7 ngư dân hỏng máy tại toạ độ 9o24’N-107o42’E được tàu BV 3088 cứu kéo, đã về đến đất liền. Tàu KH 9118 có 13 người do ông Võ Ký làm chủ bị hỏng máy trên đường tránh bão đã huy động 023 tàu cùng đoàn kéo về đất liền.

Riêng chỉ có tàu TG 2526 với 8 ngư dân của Tiền Giang là chưa có thiết bị liên lạc, các lực lượng đang tiếp tục tìm kiếm.

Tiếp tục cập nhật...

Trong 24 giờ tới, bão số 7 ảnh hưởng trực tiếp từ Bình Định đến Ninh Thuận

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển chậm theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận.

Tính đến cuối giờ chiều 23/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc, 110,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 200 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật trên cấp 12.

Bão số 7 di chuyển chậm và có khả năng đổi hướng, cần chủ động đề phòng khả năng tâm bão đi vào vùng bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, cùng với việc phòng tránh ảnh hưởng của bão trên khu vực giữa và Nam Biển Đông.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa) và vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió bão mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12. Biển động dữ dội.

Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 4 đến 5 mét. Ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Bão số 7 đang diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo bão tiếp theo.

 
MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.