Cà Mau:

Khát đắng ở vùng sông nước

TP - Cứ vào mùa khô, bà con các xã nằm bên bờ sông Trẹm (Thới Bình, Cà Mau) như Biển Bạch, Biển Bạch Đông, Tân Bằng… khát đắng. Bà con phải móc túi mua nước sinh hoạt. Gia đình khá giả mua lu, khạp, bồn… chứa nước mưa để uống dần hoặc mua nước lọc.

Khát đắng cạnh bồn nước

Hỏi chuyện trạm nước nối mạng, sừng sững ngay sau nhà, ông Nguyễn Thanh Hùng, thương binh 3/4, 72 tuổi, ở ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch (Thới Bình) như bị chọc tức. “Chỉ tính riêng mùa khô này, có hơn 40 đoàn cán bộ đến hỏi thăm, rồi quay về, chẳng được giọt nước nào”- ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết, trạm nước ngầm nối mạng sau nhà ông do Trung tâm nước sạch - vệ sinh môi trường Cà Mau làm chủ đầu tư, vốn lên đến 1,4 tỷ đồng. Dự án gồm khoan nước ngầm, xây dựng tháp nước, gắn mô- tơ bơm nước lên cao, rồi kéo ống đến nhà người dân. Bà Dương Thị Lệ - vợ ông Hùng nói: “Hơn 2 năm, cộng dồn, trạm nước chỉ có vài ngày có nước cho bà con xài, phần lớn bị hư”.

Bà Dương Thị Lệ dẫn đứa cháu gái ra tắm bằng nước ngầm mua của người dân bên kia sông Trẹm nói: “Tôi kêu bơm đầy lu nước lớn, khoảng 7 tấc (0,7 m3) phải trả 50.000 đồng. Mùa này, gia đình tôi có 4 người, tốn thêm vài trăm ngàn mua nước ngầm để nấu ăn, tắm giặt”.

Khát đắng ở vùng sông nước ảnh 1

Bà Dương Thị Lệ ở cạnh tháp nước nhưng vẫn phải mua nước để nấu ăn, tắm giặt.

Nắng hạn gay gắt, nước sạch hiếm hoi, người dân ở xã Biển Bạch, Biển Bạch Đông, Tân Bằng trữ nước mưa hoặc mua nước để dùng.

Ông Nguyễn Văn Chính, cán bộ địa chính - xây dựng và quản lý các bồn nước ở xã Biển Bạch cho biết: “Trên địa bàn xã Biển Bạch có 4 trạm nước ngầm, chỉ có 2 trạm xài được, có thể cung cấp cho 300 hộ, số còn lại rất khổ do thiếu nước sạch để sinh hoạt”.

Học sinh mẫu giáo ăn, học khỏi tắm

Trường mầm non Vành Khuyên, ở ấp 18, xã Biển Bạch (Thới Bình) dạy bán trú với 9 lớp, hơn 200 học sinh. Cô Phó hiệu trưởng Đỗ Thị Xoan cho biết: “Mùa này, trường phải chi thêm gần 500 ngàn đồng/tháng mua nước sạch cho học sinh và giáo viên dùng”.

Chuẩn bị ăn chiều, từng tốp 10 cháu học sinh ra rửa tay, cô giáo Nguyễn Thúy Lan luôn miệng dặn: “Mở vừa đủ nước thôi, đừng mở thả ga, hết nước đó!”. Các cháu rửa tay xong, cô giáo Lan phải lau khô từng cháu để vào bàn ăn. Cô Lan nói: “Các cháu chỉ được lau sơ qua cho cha mẹ rước về, không thể tắm giặt được vì không có nước ngọt”.

Ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch nói: “Xã có 1.850 hộ dân, có đến 2/3 hộ thiếu nước ngọt. Mùa này, trên địa bàn có 4 điểm trường đều thiếu nước, khó khăn nhất là các cháu mẫu giáo chưa thể tự xoay xở được”.

MỚI - NÓNG