Khâu đột phá

Khâu đột phá
TP - Hôm qua 12/7, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, con số mà Tổng thanh tra chính phủ đưa ra thật đáng trăn trở: 10 năm phát hiện gần 60 nghìn tỉ đồng tham nhũng, song mới thu hồi được gần 5 nghìn tỉ, tức chưa đầy một phần mười số tiền các quan tham từng vơ vét.

10 năm qua các quan tham cũng “tích tụ” được tới 400 ha đất nhưng mới thu hồi được 219 ha, tức gần 200 ha đất đã bị quan tham “ăn” hết.

Luật Phòng chống tham nhũng ra đời năm 2005, thời điểm đó được cho là một công cụ pháp lý quan trọng,  một cú hích lớn cho công cuộc phòng chống tham nhũng, được dư luận báo chí và nhân dân hồ hởi đón nhận và kỳ vọng. Còn nhớ khi đó, Tiền Phong Online đã tổ chức ngay một cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bốc thuốc cho căn bệnh của quyền lực” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, người đấu tranh chống tham nhũng tiêu biểu, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu do bận việc đột xuất không tới dự được cũng đã đích thân viết thư tay gửi tới Bàn tròn chống tham nhũng của báo Tiền Phong.

Trên thế giới, một trong những biện pháp phòng chống tham nhũng hữu hiệu chính là công khai, minh bạch tài sản của quan chức. Đáng tiếc, ở ta suốt chục năm qua, trong hàng triệu bản tự kê khai tài sản của cán bộ có chức quyền, chúng ta mới phát hiện vẻn vẹn có 17 người kê khai không trung thực. Chắc chắn trên thực tế con số kê khai dối trá hòng che đậy khối tài sản bất minh còn lớn hơn rất nhiều lần, bởi 10 năm qua của công đã bị thất thoát tới  hơn 55 ngàn tỷ đồng và gần 200 ha đất. Một con số tham nhũng nói lên nhiều điều, làm đảo lộn nhiều giá trị và gây nhức nhối cho toàn xã hội.

Điều đáng mừng, Hội nghị TƯ 3 vừa qua đã thống nhất “sửa đổi, bổ sung một số điểm về trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong đó có việc kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Như vậy, từ nay việc kê khai tài sản của các cán bộ cao cấp sẽ được Ủy ban Kiểm tra Trung ương giám sát chặt chẽ, tránh được tình trạng cả triệu bản kê khai tài sản từ trước tới nay chỉ “đút ngăn kéo”, không có sự kiểm tra, đánh giá sự trung thực của người khai, khắc phục được việc kê khai tràn lan, hình thức. Dư luận đánh giá đây là một bước ngoặt lớn, khâu đột phá trong công cuộc chống tham nhũng của Đảng và nhà nước ta.

Như vậy từ nay tài sản của các vị quan chức và gia đình, từ khi bắt đầu làm quan cho tới khi nghỉ hưu, sẽ được giám sát chặt chẽ hơn rất nhiều. Trong mục tiêu “3 không” của phòng chống tham nhũng - “Không muốn, không thể và không dám tham nhũng”, ít nhất nhiều vị sẽ chùn tay mà không dám tham nhũng một khi bản kê khai tài sản bị “soi” kỹ càng bởi cơ quan chuyên trách.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.