Khi bảo vệ lạm quyền

Khi bảo vệ lạm quyền
Gần đây xảy ra những vụ nhân viên bảo vệ/vệ sĩ đánh người, thậm chí giết người hoặc trộm cắp chính những tài sản lẽ ra họ có nhiệm vụ bảo vệ, khiến dư luận xã hội rất quan tâm. Trong khi đó, luật pháp về “bảo vệ” quá lỏng lẻo.
Khi bảo vệ lạm quyền ảnh 1
Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ

Hiện nay, việc tổ chức và hoạt động lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp được quy định chủ yếu tại nghị định 73/2001/NĐ-CP ngày 5-10-2001 của Chính phủ.

Theo điều 4 của nghị định này, nhân viên bảo vệ phải đáp ứng các điều kiện: là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có lý lịch rõ ràng, đạo đức tốt, không có tiền án, có trình độ văn hóa trung học phổ thông và đủ sức khỏe đáp ứng công tác bảo vệ; phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ do công an cấp tỉnh trở lên tổ chức và cấp giấy chứng nhận.

Quy định của pháp luật là vậy, nhưng thực tế không phải tất cả nhân viên bảo vệ hiện nay đều có thể đáp ứng được các điều kiện trên, đặc biệt là điều kiện “phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ...”.

Có rất nhiều công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ treo bảng “tuyển dụng liên tục”, mà như vậy thì khó có thể đào tạo nghiệp vụ một cách bài bản, có chất lượng cho tất cả nhân viên.

Không rõ quyền hạn

Mặc dù có sự khác nhau giữa lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và lực lượng bảo vệ tại các tổ chức, đơn vị kinh tế thành lập theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã và Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (gọi chung là các đơn vị ngoài khu vực nhà nước), nhưng nhìn chung họ đều có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, tài sản của cơ quan, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều đáng nói là nghị định 73 chỉ quy định cách thức thực hiện nhiệm vụ đối với lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mà không quy định rõ vấn đề này với khu vực còn lại.

Cụ thể, tại khoản 2 điều 6 nghị định 73 quy định: “Lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ của công an cấp tỉnh để phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn những vi phạm nội quy bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp”.

Điều 2, nghị định 73 cũng quy định rõ nghiệp vụ bảo vệ là tổng hợp các biện pháp chuyên môn trang bị cho lực lượng bảo vệ nhằm bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn tài sản cho cơ quan, doanh nghiệp, bao gồm các nội dung sau: biện pháp hành chính, biện pháp quần chúng, biện pháp tuần tra, canh gác.

Trong khi đó, nghị định 73 không quy định cụ thể là lực lượng bảo vệ ngoài khu vực nhà nước được dùng hoặc không được dùng những biện pháp gì. Có thể nói, đây là một khe hở của pháp luật, bởi vì lực lượng bảo vệ là những người ít nhiều có quyền hạn, ít nhất là quyền kiểm soát đối với người khác trong cơ quan, doanh nghiệp nơi mình làm nhiệm vụ.

Do vậy, nếu pháp luật không quy định rõ sẽ dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền như cách mà một số bảo vệ siêu thị xử sự với khách hàng đã được báo chí đưa tin.

Cần quy định cụ thể cho bảo vệ siêu thị

Hiện cả nước có khoảng 500 công ty vệ sĩ, riêng TP.HCM có 156 công ty với hơn 18.000 vệ sĩ đang hoạt động.

Vệ sĩ là tên do các công ty tự nghĩ ra, chứ trong các văn bản pháp luật chỉ có từ “bảo vệ”.

Theo tôi, cần phải có những quy định riêng đối với hoạt động bảo vệ tại các siêu thị, nơi bán hàng do ở những nơi này nhân viên bảo vệ phải làm thêm nhiệm vụ trông coi hàng hóa. Đây là một nhiệm vụ khá “nhạy cảm”.

Do các siêu thị và cửa hàng thường có khu vực tự chọn nằm xa quầy tính tiền nên khách hàng có thể cho hàng vào túi áo, túi quần, dự định sẽ thanh toán đầy đủ khi ra quầy tính tiền. Hành vi này có thể bị lực lượng bảo vệ “chụp” ngay.

Đã có nhiều khách hàng hoàn toàn không có ý trộm cắp nhưng bị lực lượng bảo vệ làm mất danh dự trước đám đông. Do vậy, việc lực lượng bảo vệ có thể can thiệp hay không nếu khách hàng còn trong khu vực tự chọn là một vấn đề mà luật nên quy định rõ ràng hơn để tránh việc bảo vệ làm nhiệm vụ một cách tùy tiện.

Bên cạnh đó, không chỉ đối với bảo vệ siêu thị hay cửa hàng, luật pháp cũng cần quy định những nguyên tắc trong cách thức giải quyết đối với những trường hợp bảo vệ xử lý người vi phạm.

Cần quy định rõ quyền hạn xử lý của bảo vệ tối đa đến đâu để làm khung áp dụng chung cho hoạt động bảo vệ tại các cơ quan, doanh nghiệp. Tránh tình trạng bảo vệ dùng vũ lực ép người khác nhận tội, hoặc hành xử theo lối “giang hồ”.

Quy định xử phạt còn chung chung

Hiện nay, văn bản pháp luật duy nhất quy định về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ là nghị định 52. Mặc dù nghị định này có quy định khá chi tiết như nguyên tắc tổ chức, hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ (điều 3), trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ (điều 5), trách nhiệm của nhân viên bảo vệ (điều 6), các hành vi bị cấm trong kinh doanh dịch vụ bảo vệ (điều 8), tuy nhiên, nếu doanh nghiệp vi phạm thì lại không rõ sẽ bị xử phạt như thế nào.

Điều 20 của nghị định 52 có quy định về xử lý vi phạm nhưng còn chung chung chứ chưa cụ thể. Và hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bảo vệ.

Khi có quy định cụ thể về hình thức xử phạt, mức độ của hình phạt, người có thẩm quyền xử phạt thì cơ chế quản lý sẽ chặt chẽ hơn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ cũng sẽ tự giác hơn trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Và như vậy, công tác đào tạo, quản lý nhân viên ở các doanh nghiệp này sẽ tốt hơn.

Ai quản lý các công ty bảo vệ?

Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 điều 5 nghị định 73 và nghị định 52/2008/NĐ-CP ngày 22-4-2008 của Chính phủ (nghị định 52), Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ; ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo thẩm quyền và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an.

Ngoài ra, tại điều 15 nghị định 52 có quy định Bộ Công an có quyền và nhiệm vụ ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với Chính phủ ban hành, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến việc bảo đảm an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ.

Tuy nhiên, từ sau nghị định 52 đến nay vẫn chưa có thêm văn bản nào điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Lẽ ra với sự phát triển của hoạt động này, Bộ Công an cần nhanh chóng đưa ra văn bản pháp luật để điều chỉnh một cách cụ thể hơn, để hoạt động bảo vệ diễn ra đúng bản chất của nó là bảo đảm an ninh, trật tự, tạo sự an toàn, tin cậy, chứ không phải là để đe dọa như cách một số bảo vệ đang làm.

Một số vụ án do “vệ sĩ” thực hiện

- Tháng 10/2005, hai vệ sĩ bắt cóc một cháu bé đang học tiểu học tại Q.Tân Bình, TP.HCM để đòi tiền chuộc.

- Tháng 4/2006, T.N.H., vệ sĩ bị sa thải, lừa đồng nghiệp cũ, xâm nhập cửa hàng B (Hà Nội) giết chết người này và cướp két bạc có 50 triệu đồng.

- Tháng 7/2006, N.V.T., vệ sĩ được thuê làm bảo vệ tại một trường đại học dân lập ở Vĩnh Long, đánh vào mặt, bụng, ngực làm ngất xỉu một sinh viên, chỉ vì sinh viên này đậu xe trước giảng đường.

- Năm 2007 - 2008, nhóm tám vệ sĩ khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại một doanh nghiệp điện lạnh ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) thực hiện 15 vụ trộm tài sản, gần 2 tỉ đồng.

- Tháng 8/2008, bốn nhân viên bảo vệ tại siêu thị B ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), do nghi ngờ anh N.N.M. trộm cắp tài sản, đã yêu cầu nạn nhân cởi quần áo, rồi thay nhau đấm đá, tra hỏi. Do bị làm nhục, anh N.N.M vớ một cây kéo gần đó tự đâm vào ngực mình và chết trên đường đi cấp cứu.

- Tháng 8/2008, L.V.T, bảo vệ của ngân hàng Đ (Hà Nội), làm “tay trong” để đồng bọn vào ngân hàng cướp hơn 900 triệu đồng.

(Nguồn: Tư liệu từ các báo VietNamNet, VNExpress, Thanh Niên...)

Luật sư Huỳnh Văn Nông
Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG