Khi cảnh sát mặc thường phục

Khi cảnh sát mặc thường phục
TP - Nhiều ngày nay, những chiến sỹ cảnh sát giao thông (CSGT), công an TP Hà Nội hóa trang ăn mặc thường phục tham gia phát hiện để xử lý nghiêm học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy. Cách làm này đang mang lại hiệu ứng khá tốt.

Ngay từ sáng sớm, tổ chuyên đề gồm ba chiến sỹ CSGT Tùng, Phong và Sơn đã có mặt ở khu vực các cổng trường, bãi gửi xe gần trường học. Thay vì như mọi ngày mặc sắc phục, chốt giữ ở các nút giao thông, hôm nay ba anh chở nhau trên hai chiếc xe máy biển trắng.

Với chiếc bộ đàm đút gọn trong túi, công việc của các anh là phát hiện những trường hợp học sinh tình nghi chưa đủ tuổi đến trường bằng xe máy, không đội mũ bảo hiểm hay đèo ba, kẹp bốn vi phạm Luật Giao thông, rồi thông báo cho lực lượng CSGT gần đấy xử lý.

Để phát hiện các trường hợp vi phạm, các anh phải bám theo đối tượng một đoạn đường. Chẳng hạn, sau khi bám sát hai nữ sinh đi xe máy từ Tràng Tiền đi qua phố Lê Thánh Tông, không đội mũ bảo hiểm chạy với tốc độ nhanh, các anh thông tin về biển số xe, nhận dạng xe vi phạm cho đội CSGT gần đấy đợi sẵn ở ngã 4 Hai Bà Trưng - Lê Thánh Tông để tiến hành kiểm tra, xử lý. Qua kiểm tra, hai học sinh này học lớp 10 của một trường dân lập, sinh năm 1994, chưa đủ tuổi lái xe máy.

Trong một giờ đồng hồ, theo chân các anh chúng tôi chứng kiến, những chiến sỹ thuộc tổ chuyên đề mặc thường phục kết hợp với các đội CSGT xử lý trên 10 trường hợp học sinh trung học phổ thông chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường. Phần lớn là học sinh các trường trong khu vực nội thành như Việt Đức, Trần Nhân Tông, Đinh Tiên Hoàng.

“Quả thật, khi đi trên đường khó mà phát hiện được học sinh đang điều khiển xe máy có đủ tuổi hay không. Những học sinh này không gửi xe trong trường, mà gửi ở bên ngoài, khi đi ra thì đi bộ và mặc áo chống nắng nên khó phát hiện, nếu không mật phục. Bởi chỉ cần thấy lực lượng mặc sắc phục là các em có nhiều cách thoát khỏi sự kiểm tra” - Một cảnh sát thường phục tâm sự.

Theo Thượng tá Trần Sơn - Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý tai nạn giao thông Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ CA), Thông tư 27 của Bộ Công an quy định CSGT trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát công khai được bố trí cán bộ chiến sĩ trong tổ tuần tra mặc thường phục để giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên phạm vi, tuyến địa bàn phân công.

Ngoài ra, trong các trường hợp thực hiện kế hoạch, phương án do Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ hoặc giám đốc công an cấp tỉnh trở lên phê duyệt phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tình hình an ninh trật tự phức tạp thì CSGT cũng được mặc thường phục làm nhiệm vụ.

Theo các cảnh sát mặc thường phục, thường khi tuần tra công khai, nhiều học sinh, nhất là học sinh nam thấy CSGT là bỏ chạy, rất nguy hiểm cho người đi đường và cho chính các em.

Sẽ tăng cường CSGT mặc thường phục

Việc CSGT mặc thường phục tham gia phát hiện để xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông được nhiều giáo viên đồng tình. “Việc CSGT mặc thường phục tham gia phát hiện để xử lý học sinh vi phạm là sự hỗ trợ rất lớn cho nhà trường trong việc giáo dục học sinh” - Một cán bộ Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội nói.

Theo Thượng tá Đào Vịnh Thắng - Phó Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), kế hoạch triển khai CSGT mặc thường phục được thực hiện theo Thông tư 27 của Bộ Công an, cho phép CSGT được hóa trang kết hợp với lực lượng tuần tra công khai trong công tác đảm bảo an toàn giao thông.

“Hiện mới triển khai nhưng kết quả rất đáng mừng, góp phần tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ trong việc nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của học sinh. Chỉ trong gần mười ngày qua, Phòng CSGT đã xử lý khoảng 500 trường hợp học sinh vi phạm. Chúng tôi đã gửi thông báo các trường hợp vi phạm đến các trường trên địa bàn Hà Nội. Sắp tới sẽ có sơ kết, đánh giá ban đầu hiệu quả của cách làm này” - Ông Thắng nói.

CSGT mặc thường phục dễ bị nhầm

Theo tôi, CSGT vẫn nên mặc đồng phục như bình thường khi làm nhiệm vụ, thậm chí có thể phạt nặng hơn những học sinh vi phạm, nhưng không nên mặc thường phục. Và phải lường trước được rất nhiều tình huống sẽ xảy ra khi thực hiện như, khả năng những kẻ giả mạo CSGT, gây sự với các học sinh trên đường và nói họ nói là cảnh sát mặc thường phục.

Hơn nữa, trong khi các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt đang quá tải thì việc cho học sinh đi xe máy cũng phải xem xét, bởi học sinh là đối tượng hàng ngày cần phải di chuyển nhiều.

Điều quan trọng vẫn là phải có các biện pháp phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Việc chấp hành luật lệ giao thông hay không còn là ý thức của mỗi học sinh nữa. Theo tôi, tốt nhất là cảnh sát cứ mặc sắc phục như bình thường, nếu cần thì cứ mặc cả sắc phục đứng trước cổng trường, đảm bảo sẽ chẳng có học sinh nào vi phạm cả.  

 (Ông Nguyễn Huy Vĩnh, quận Ba Đình)

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.