Khi già làng làm…“cảnh sát giao thông”

Thanh niên A Rần giao nộp chìa khóa xe cho trưởng thôn vào dịp lễ, Tết. Ảnh: Nguyễn Thành
Thanh niên A Rần giao nộp chìa khóa xe cho trưởng thôn vào dịp lễ, Tết. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Già làng và trưởng thôn đích thân kiểm soát nồng độ cồn và tốc độ xe máy của thanh niên trong làng mỗi khi họ cầm lái. Dịp tết, lễ hội, hết thảy các gia đình phải nộp chìa khóa xe máy cho làng, không được đi xe. Mấy năm nay, nhờ duy trì được nếp trật tự đó, thôn A Rần 1, xã Axan (Tây Giang, Quảng Nam) không xảy ra tai nạn giao thông vào dịp lễ tết.

Đo nồng độ cồn bằng… mũi !

Thôn A Rần 1 xã Axan nằm giữa lưng chừng núi. Từ Đồn biên phòng Axan phóng xe theo con dốc cao uốn lượn chừng nửa giờ đồng hồ là đến thôn. Con đường từng là nỗi ám ảnh bởi những vụ tai nạn kinh hoàng khi dân làng say xỉn, phóng xe bạt mạng, lao vào vách núi, đâm vào nhau.

Thôn A Rần 1 dần hiện ra giữa lưng chừng núi với những nếp nhà ngăn nắp sạch đẹp. Đến đầu thôn, một tấm biển bằng gỗ với nét chữ nguệch ngoạc: “Xe máy vào thôn chú ý tốc độ, cấm chạy nhanh chạy ẩu!”. Mặt sau ghi: “Ai uống bia rượu cấm lái xe máy”.

Thôn có 46 hộ được di chuyển về từ núi sâu vào năm 2008. A Rần được biết đến là một trong những thôn đẹp của huyện Tây Giang. Những căn nhà gỗ, những vườn cây xanh giữa núi rừng quanh năm mây phủ đỉnh núi. Từ ngày chuyển về nơi ở mới, cuộc sống người dân dần thay đổi hẳn. Từ du canh du cư qua định canh định cư trồng lúa nước, phát triển chăn nuôi và trang trại nên ngày càng khấm khá. Có tiền, người dân đua nhau mua xe máy. Gần như tất cả số hộ trong thôn đều có xe, nhà ít một chiếc, nhà có điều kiện thì hai ba chiếc.

Một người đàn ông nhỏ thó, da ngăm đen miệng ngậm còi thổi tuýt tuýt dừng xe chúng tôi lại. Dừng xe. Chưa hết ngạc nhiên sau cái bắt tay niềm nở, ông kéo tôi lại gần rồi buông ra, miệng cười nói: “Cán bộ không uống rượu. Không có mùi rượu. Chạy xe máy vào thôn ai uống rượu là làng phạt”. Hỏi chuyện mới hay, ông chính là Pơloong Za - trưởng thôn A Rần 1, người kiểm tra nồng độ cồn cho dân làng.

“Dân làng gương mẫu, mình phải chấp hành. Quy định của A Rần 1 nghe độc đáo, ngộ nghĩnh nhưng rất hữu ích, giảm thiểu được tai nạn và giáo dục được thanh niên. Nhiều thôn khác ở Axan cũng bắt đầu làm theo cách của A Rần 1”.

Thiếu tá Võ Văn Tri - đồn phó Đồn biên phòng Axan

Biết chúng tối là cánh báo chí, ông Za rối rít giải thích: Trên tivi dân làng thấy nói nhiều chuyện cấm bia rượu khi đi xe. Mấy năm trước, tai nạn liên tiếp xảy ra, có người chết, nhiều người bị thương nặng, vừa mất tiền của vừa bị thương tật. Tai nạn chủ yếu do dân làng uống rượu bia nhiều quá, không làm chủ được nên đâm vào người khác, đâm vào vách đá, trâu bò, chó mèo, ô tô. Nhức nhối quá nên trưởng thôn và già làng ngồi lại và bàn nhau rằng: chỉ có cấm uống bia rượu mới hết xảy ra tai nạn!

Như để minh chứng, trưởng thôn Za kể ra một loạt: Thằng Xiên đâm phải bò gãy tay hồi năm trước. Thằng Nớm đâm phải chó toác đầu năm kia. Thằng Ngước húc vào gốc cây đầu thôn làm hư xe, người đi phải viện…

Bao nhiêu cuộc họp làng, già làng trưởng thôn khuyên nhủ nhưng đám thanh niên không nghe. Năm 2012, các già làng ở đây quyết định phải kiểm soát việc dân làng uống bia rượu khi đi xe. Ai đã uống rượu bia không cho chạy ra khỏi làng. Hỏi ông Za: “Kiểm soát bằng cách nào?”. Ông cười rồi chỉ vào mũi: “Ngửi! Hễ đứa nào lên xe máy mà có mùi rượu là không cho cho đi xe! Đứa nào phóng nhanh thì bắt phạt”. Quy định đưa ra, dân làng đều hưởng ứng, chỉ mỗi đám thanh niên A Rần 1 chẳng mấy mặn mà. “Tụi nó không ưa nhưng đó là quy định. Đứa nào không nghe, già làng đến tận nhà bắt phạt. Phạt bằng cách không xét duyệt hưởng các chính sách của nhà nước. Sợ. Nên sau đó đứa nào cũng nghe răm rắp”, ông Za nói.

Zơrâm Xia, một thanh niên làng, đi xe máy qua thôn bên đám cưới rồi quá chén. Sợ làng phạt, Xia vứt xe đi bộ về. Hai thôn cách nhau chưa tới 1 giờ đi bộ, thế nhưng Xia đi bộ mất hơn… 1 ngày. Tối mù mịt mà không thấy Xia về, cả làng xôn xao đi tìm, phát hiện anh chàng đang ngủ say sưa ở lán trại của công nhân ven đường.

Thắc mắc chuyện thanh niên, dân làng ra ngoài uống rượu say ai kiểm soát, ông Za cười: “Bất kể đi đâu, chạy xe máy về đến thôn nghe mùi rượu bị phát hiện là phạt. Làng quy định đã uống là không được đi xe máy”. Bởi thế, mới có câu chuyện, Zơrâm Xia, một thanh niên làng, đi xe máy qua thôn bên đám cưới rồi quá chén. Sợ làng phạt, Xia vứt xe đi bộ về. Hai thôn cách nhau chưa tới 1 giờ đi bộ, thế nhưng Xia đia bộ mất hơn … 1 ngày. Lần đó, tối mù mịt mà không thấy Xia về, cả làng xôn xao đi tìm thì phát hiện anh chàng đang ngủ say sưa ở lán trại của công nhân ven đường.

Thu xe dịp lễ Tết

Lệ làng là thế, nhưng trưởng thôn và già làng vẫn không thể kiểm soát hết được. Nhiều thanh niên vẫn bất chấp, tìm cách “lách” trưởng thôn già làng khi đã uống rượu, thỉ thoảng vẫn có tai nạn xảy ra. Nghĩ nát óc, ông Za bèn bàn với các già làng trong thôn quản lý bằng cách tạm thu xe máy của các hộ vào dịp lễ Tết, cưới xin. Họp dân lại, già làng thông báo quy định mới: các hộ có xe máy, phải giao nộp chìa khóa và xe cho già làng và trưởng thôn quản lý vào các dịp lễ tết để tránh tai nạn đáng tiếc. Có ý kiến của các già làng, dân làng răm rắp biểu quyết tán thành.

Khi già làng làm…“cảnh sát giao thông” ảnh 1

Làng A Rần hân hoan trong lễ hội đâm trâu truyền thống

Tết Nguyên đán vừa qua, quy định mới được áp dụng. Toàn bộ xe máy của dân được để tập trung hết ở nhà Gươl của thôn, chìa khóa xe được giao cho trưởng thôn quản lý. Dân làng chỉ được lấy xe đi trong trường hợp đặc biệt và được sự đồng ý của trưởng thôn và già làng. Thanh niên trai gái đi bộ chơi tết. Ai có hơi rượu, đến năn nỉ lấy xe chỉ tốn thời gian. Đến ngày mùng 5 tết, chủ xe được lên nhà Gươl nhận xe về. “Có làm như vậy mới quản lý được. Tết nhất, dân uống nhiều rượu lắm. Uống vào, chạy xe rầm rầm tránh sao được tai nạn chết người”, ông Za nói.

Già làng Pơloong Jim - người uy tín nhất thôn A Rần - cho biết: “Lúc đầu trưởng thôn nói dân không nghe, nhưng khi các già làng lên tiếng thì ai cũng đồng tình. Từ nay, cứ vào dịp tết, lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, cưới xin là dân làng phải tự động giao nộp xe cho trưởng thôn và làng. Tết vừa rồi, A Rần 1 không xảy ra vụ tai nạn nào hết, nhờ cấm xe máy đó”.

Thiếu tá Võ Văn Tri, đồn phó Đồn biên phòng Axan, kể rằng, do quy định của dân làng, nên mỗi dịp tết nhất, hay khi đã uống một vài chén rượu, cán bộ đồn đều đi bộ lên làng vì sợ…làng phạt. Dịp Tết vừa qua, lãnh đạo đồn đi bộ lên vui Tết cùng dân, và ngược lại dân làng cũng đi bộ kéo qua đồn vui xuân cùng chiến sĩ trong không khí ấm áp và vui vẻ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.