Khi nào mới xử xong vi phạm nhà 8B Lê Trực?

Công trình 8B Lê Trực
Công trình 8B Lê Trực
TP - Sáng 26/9, làm việc với UBND thành phố Hà Nội, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, vi phạm ở công trình 8B Lê Trực là về chiều cao, chứ không chỉ là số tầng. Do đó, phải xây dựng phương án tổng thể để cắt 15m vi phạm chiều cao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Xử lý cả về chiều cao

Theo ông Mai Tiến Dũng, trước khi Tổ công tác xuống làm việc với UBND thành phố Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đạt ý kiến, trong đó đề nghị Hà Nội làm rõ, rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; chống buôn lậu, hàng giả; an toàn giao thông; chỉnh trang đô thị.

Về việc xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực, báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho thấy, tiến độ xử lý rất chậm. Theo Văn phòng Chính phủ, trước vi phạm pháp luật nghiêm trọng xảy ra tại công trình 8B Lê Trực, tháng 11/2015, Thủ tướng đã chỉ đạo, yêu cầu Hà Nội báo cáo và có phương án xử lý. Tuy nhiên, mãi đến tháng 3/2016, UBND thành phố Hà Nội mới có văn bản báo cáo Thủ tướng, chậm gần 3 tháng so với yêu cầu mà Thủ tướng giao. Sau đó, Thủ tướng tiếp tục có nhiều văn bản, nhiều chỉ đạo đốc thúc Hà Nội xử lý nhưng kết quả chưa đạt được như mong muốn.

Lý giải về sự chậm trễ trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng thừa nhận, mặc dù Hà Nội chỉ đạo xử lý quyết liệt nhưng tiến độ phá dỡ rất chậm. Đến nay, biện pháp thi công phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) đã và đang được thực hiện. Kết quả đã phá dỡ xong sàn mái tầng 19 và đang tiến hành phá dỡ nốt phần còn lại là 452m2 dầm, cột… “Hiện các lực lượng đang khẩn trương thực hiện lắp dựng cần trục tháp theo hướng dẫn của Sở Xây dựng, dự kiến thời gian hoàn thành lắp dựng cần trục tháp sẽ xong trước ngày 25/9 và phá dỡ nốt dầm, cột tầng 19 vào tháng 10/2016”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên việc xử lý giai đoạn 2 của công trình 8B Lê Trực, lãnh đạo thành phố và quận Ba Đình không hứa khi nào hoàn thành mà chỉ cho biết sẽ xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền. Trước vấn đề trên, ông Mai Tiến Dũng cho rằng, việc xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ rất quan tâm, đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo việc xử lý.

“Việc xử lý công trình này theo báo cáo chia làm nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, chúng ta cần phải làm rõ thời điểm hoàn thành việc xử lý công trình trên là bao giờ. Đây chính là vấn đề nhân dân, dư luận rất quan tâm”, ông Dũng nói. Theo ông Dũng, vi phạm ở công trình 8B Lê Trực còn là chiều cao, chứ không chỉ là số tầng. Cho phép xây dựng chiều cao là 53m nhưng lại xây vượt lên đến con số 68m. “Chiều cao tối đa là 53m thì chúng ta phải xây dựng phương án tổng thể để cắt 15m của công trình 8B Lê Trực theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chứ bây giờ chúng ta cắt tầng 19 xong rồi lại quay lại xây dựng phương án xử lý giai đoạn 2 mất vài ba tháng, rồi có khi hết 2017 cũng chưa biết xong hay không”, ông Dũng nói.

Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho rằng, các cơ quan chức năng khi xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực cần cương quyết, đừng để mọi người hiểu khác đi về việc xử lý. “Chúng ta xử lý xong sớm thì công trình cũng sẽ sớm được đưa vào sử dụng, có lợi cho cả chủ đầu tư”, ông Dũng nói.

Tiết kiệm 708 tỷ đồng tiền cắt cỏ

Đề cập đến vấn đề cắt cỏ ở Hà Nội mất hơn 700 tỷ đồng, ông Mai Tiến Dũng cho biết, đây là một trong những vấn đề nổi cộm mà Thủ tướng quan tâm. “Thủ tướng nhắc vườn hoa, cây xanh cần phải cắt tỉa, làm đẹp, không thể để cây xanh, vườn hoa không được cắt tỉa. Việc của Hà Nội là thấy bất hợp lý thì phải quản lý bằng cách đưa ra định mức, đơn giá để quản lý hiệu quả, tiết kiệm, chứ không thể để đô thị nhếch nhác, cây cỏ mọc hoang”, ông Dũng nói. 

Giải thích về việc “Hà Nội tạm dừng cắt cỏ”, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, một tháng qua Hà Nội tạm dừng công việc liên quan đến vườn hoa, cây xanh để triển khai lại theo yêu cầu mới, vì vậy có phản ánh là “Hà Nội không làm đẹp thành phố nữa”. Đối với việc duy trì và cắt tỉa cây xanh, thời gian qua Hà Nội họp 6 lần với các bên liên quan. Theo thống kê, chi phí duy tu, duy trì cây xanh trên địa bàn thành phố năm 2011 chỉ là 215 tỷ đồng, đến năm 2016 dự toán lên đến 886 tỷ đồng. “Số tiền này là duy tu, duy trì cây xanh, trồng vườn hoa, thảm cỏ, không phải cắt tỉa cây xanh. Lâu nay việc cắt tỉa chỉ thực hiện khi đến mùa mưa bão hoặc khi có yêu cầu của cơ quan chức năng”, ông Chung nói.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, tham gia lĩnh vực cây xanh ở Hà Nội có đến 24 doanh nghiệp, trong đó chỉ 3 doanh nghiệp công ích, còn lại là các doanh nghiệp xã hội hoá nhưng đều thực hiện từ nguồn ngân sach. “Tập thể lãnh đạo thành phố đã họp và thấy chi phí như trên là không hợp lý, yêu cầu tính lại đơn giá định mức. Kết quả giảm từ 886 tỷ còn 178 tỷ đồng, tiết kiệm 708 tỷ”, ông Chung nói. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định, sau một tháng tạm dừng, Hà Nội sẽ tiếp tục duy tu, duy trì cây xanh để làm đẹp thành phố hơn trước đây, trồng cây xanh nhiều hơn.             

Xử lý khẩn trương tầng 19 nhà 8B Lê Trực

Thực hiện chỉ đạo của thành phố về việc giám sát xử lý phần diện tích vi phạm tại 8B Lê Trực, Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu Cty CP Phương Bắc hoàn thành việc lắp cẩu trục xong trước ngày 25/9; tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn cẩu trục tháp; hoàn chỉnh hồ sơ biện pháp đảm bảo an toàn thi công cẩu trục tháp gửi về Sở Xây dựng trước ngày 27/9; đơn vị thi công chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, máy móc, nhân lực để triển khai thi công phá dỡ ngay sau khi được UBND quận Ba Đình phê duyệt biện pháp thi công cẩu trục tháp. Dự kiến, từ ngày 28/9, Cty CP Phương Bắc bắt đầu tiến hành cắt, dỡ phần dầm, cột bê tông cốt thép tầng 19 và vận chuyển xuống mặt đất.    

Hà Thành

MỚI - NÓNG