Khi nào sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMND bị xóa bỏ?

TPO - Khi đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn tất vào năm 2020, hình thức quản lý dân cư thay đổi từ thủ công sang điện tử. Trên cơ sở đó, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMND.

Thu thập 15 thông tin cá nhân trên toàn quốc

Trong buổi họp báo diễn ra sáng 7/11 tại trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan tổ chức, cá nhân.

Khi nào sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMND bị xóa bỏ? ảnh 1

Trung tướng Trần Văn Vệ thông tin về lộ trình "khai tử" sổ hộ khẩu, CMND. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Cơ sở dữ liệu này có vai trò hết sức quan trọng: Tạo lập một hệ cơ sở dữ liệu dân cư tập trung, thống nhất phục phục quản lý Nhà nước, hoạch định chính sách phát triển kinh tế; Đơn giản hóa thủ tục hành chính qua tra cứu thông tin, dữ liệu, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian cho người dân; Hỗ trợ trong công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự; Khắc phục tình trạng thu thập, cập nhật thông tin dân cư trùng lặp, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Ngày 14/11, Bộ Công an sẽ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại công an tỉnh, huyện, xã trên toàn quốc. Theo đó, cảnh sát địa phương sẽ gửi biểu mẫu khai báo 15 thông cá nhân của từng người đối chiếu với dữ liệu có sẵn của công an để xác thực. Sau đó, dữ liệu sẽ được duyệt và nhập vào phần mềm ứng dụng. Dự kiến trong vòng 2-3 năm tới sẽ hoàn thành dữ liệu dân cư quốc gia. 

Dữ liệu này rất quan trọng, sẽ phục vụ trong công tác quản lý mọi thủ tục hành chính của công dân. Do đó, chỉ cần sai tên đệm, họ của một công dân sẽ dẫn tới những hệ lụy khi làm thủ tục về sau. Vì vậy, Bộ Công an sẽ hướng dẫn tới công an địa phương làm tỷ mỷ, chuẩn xác tới từng hộ dân, từng công dân.

Khi nào sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMND bị xóa bỏ? ảnh 2 Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMND vẫn nguyên giá trị sử dụng.

Hiện tại, nước ta đang có 3 loại giấy từ CMND gồm: CMND cũ, CMND mới, căn cước công dân. Cả 3 loại giấy tờ trên đều có giá trị sử dụng như nhau. Từ 1/1/2016, Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành tại 16 tỉnh, thành phố đã triển khai cấp CMND mới đã chuyển sang cấp thẻ căn cước công dân. Như vậy, hiện tại, Bộ Công an đang tổ chức cấp căn cước cho công dân tại 16 tỉnh, thành phố và cấp CMND (9 số) cho công dân tại 47 tỉnh còn lại.

Đơn giản hóa hơn 1.500 thủ tục hành chính

Thủ tục cấp CMND làm thủ công, quá trình lăn tay, chụp ảnh, làm thủ tục rất mất thời gian. CMND cũng rất dễ bị làm giả, thậm chí có người dùng 2-3 CMND. Đây là kẻ hở trong công tác quản lý, xác định thông tin cá nhân của công dân. Từ 1/1/2020, cơ sở dữ liệu sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, trong luật quy định, không nhất thiết phải đổi CMND.

Sau khi dự án hoàn thành, hình thức quản lý dân cư sẽ thay đổi từ thủ công sang điện tử. Trên cơ sở đó, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú. Việc bỏ sổ hộ khẩu là chủ trương nhưng phải có lộ trình và không thể bỏ công tác quản lý cư trú, quản lý dân cư.

“Vì vậy thông tin bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú và CMND từ 30/10/2017 là không chính xác. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMND vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như hiện nay”, Trung tướng Trần Văn Vệ nói.

Cũng theo Trung tướng Vệ, trước khi xây dựng đề án, Bộ Công an, Tư pháp tổng hợp tại 24 bộ ngành xác định, trong tổng số 1.934 thủ tục hành chính thì các bộ ngành đề xuất đơn giản hóa 1.267 thủ tục. Trong số đó, đề xuất hủy bỏ 34 thủ tục; Đơn giản hóa trình tự 28 thủ tục; Cắt giảm thành phần hồ sơ 1.045 thủ tục; Sửa đổi nội dung 812 mẫu đơn, 201 tờ khai và đơn giản hóa 220 giấy tờ hóa đơn.

Sau khi tổng hợp, Bộ Công an đã đề xuất các phương án đơn giản hóa mạnh mẽ với hơn 406 thủ tục hành chính, nâng tổng số thủ tục hành chính có phương án lên tới 1.525 thủ tục hành chính.

MỚI - NÓNG