Khi Nghĩa trang Văn Điển đóng cửa

Từ ngày 15-7, Nghĩa trang Văn Điển sẽ ngừng tiếp nhận hung táng. Ảnh: Dương Thủy
Từ ngày 15-7, Nghĩa trang Văn Điển sẽ ngừng tiếp nhận hung táng. Ảnh: Dương Thủy
Đối với người Việt, việc tổ chức ma chay, giỗ chạp... đã ăn sâu vào tiềm thức và chuyện mồ mả quan trọng đến mức người xưa đã nói: "Sống về mồ về mả…". Việc lo cho người quá cố mồ yên, mả đẹp vừa là nghĩa vụ vừa thể hiện tình cảm.
Từ ngày 15-7, Nghĩa trang Văn Điển sẽ ngừng tiếp nhận hung táng. Ảnh: Dương Thủy
Từ ngày 15-7, Nghĩa trang Văn Điển sẽ ngừng tiếp nhận hung táng. Ảnh: Dương Thủy.

Nếu như ở nông thôn, một mảnh đất an táng không thành vấn đề lớn thì ở đô thị như Hà Nội, lo được những phần mộ đã là việc khó với mỗi gia đình và càng khó với cả một thành phố. Câu chuyện càng thêm nóng sau khi HĐND TP Hà Nội có Nghị quyết dừng hung táng tại Nghĩa trang Văn Điển từ tháng 7 này. Loạt bài “Câu chuyện nghĩa trang - mối quan tâm lớn trong đời sống đô thị” sẽ phần nào nêu lên thực trạng thiếu nghĩa trang và là mối quan tâm lớn của người dân và lãnh đạo Thủ đô.

Văn Điển - hai từ này đã ăn sâu vào đời sống của người dân Thủ đô đến mức chỉ cần nhắc đến là người ta đã liên tưởng đến cái chết. Hơn 50 năm qua, không biết bao nhiêu lượt người chết đã được mai táng ở nơi chỉ rộng có 18 hécta. Sau ngần ấy năm hung táng, Nghĩa trang Văn Điển đã trở thành nguồn gây ô nhiễm nước ngầm cho cả khu vực thị trấn Văn Điển.

Bức xúc vì điều này, người dân Thanh Trì nhiều năm qua đã liên tục phản ánh lên HĐND TP Hà Nội, đề nghị ngừng hung táng ở đây. Và rồi HĐND TP đã thông qua Nghị quyết, dừng hung táng ở Văn Điển từ ngày 1-7-2010. Nhưng đến ngày 28-6, UBND TP đã ra thông báo gia hạn sử dụng Nghĩa trang Văn Điển đến hết ngày 15-7.

Nhiều xáo trộn sẽ xảy ra

Tháng trước, con cháu của ông V.M.Cường nhà ở Khu tập thể Dệt kim Đông Xuân (quận Hai Bà Trưng) đã phải tất tả lo việc hậu sự cho ông. Và dĩ nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chuyện lo nơi để ông yên nghỉ. Vốn là người gốc làng Khương Thượng, ông Cường như bao nhiêu người Hà Nội đã khuất trước đây đều trông chờ cả vào Nghĩa trang Văn Điển.

Quê ông giờ đã thành làng trong phố, từng mét đất đều được xây nhà ở. Người ken chật như nêm, chỗ ở còn không đủ lấy đâu ra đất mà chôn. Con trai cả của ông Cường kể lại, nghe nói là Nghĩa trang Văn Điển sẽ đóng cửa vào tháng 7, nên gia đình đã không lựa chọn hướng đưa về Văn Điển dù ban đầu ai cũng nghĩ tới phương án này... Trường hợp nhà ông Cường cũng như hầu hết các gia đình có người mất khác ở Hà Nội. Nhà có đám, vốn đã bối rối, nay thêm việc tìm nơi chôn, chọn cách táng lại càng thêm bối rối. Ngừng hung táng ở Văn Điển thực sự đã gây ra nhiều xáo trộn cho từng gia đình và cho cả xã hội.

Ông Trần Đình Đăng, Đội trưởng Đội Quản lý Nghĩa trang Văn Điển đã gắn bó với "sự nghiệp nghĩa trang của Hà Nội" gần 40 năm kể lại, năm ngoái khi nghe trên phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhầm là Nghĩa trang Văn Điển sẽ đóng cửa vào ngày 1-7-2009, ông đã nhận hàng trăm cuộc điện thoại từ khắp nơi gọi đến.

Nay, khi thành phố đã có chỉ đạo thực hiện theo Nghị quyết của HĐND TP là dừng hung táng tại Văn Điển, ông cũng sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho những xáo trộn sắp đến. Đội do ông quản lý có 66 người, chia thành các tổ. Còn mấy ngày nữa mới ngừng chôn nhưng nay mỗi ngày chỉ có 2 hoặc 3 đám chôn ở đây. Giờ ông Đăng đang cùng lãnh đạo Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội lo sắp xếp lại lao động để bảo đảm cả công việc và thu nhập cho người lao động.

Từ bỏ một tập quán

Từ năm ngoái, lãnh đạo thành phố đã có nhiều buổi làm việc về quy hoạch nghĩa trang với các ngành và nhà đầu tư để tìm ra được địa điểm xây nghĩa trang thay thế Văn Điển. Nhiều địa điểm được đề xuất. Nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng vào cuộc... Nhưng, những việc làm được vẫn chưa đủ để tránh một cuộc xáo trộn lớn trong cách ứng xử với người chết ở Hà Nội.

Trở lại với đám tang của ông V.M.Cường, cả nhà ngồi lại phân tích kỹ, nâng lên đặt xuống và quyết định sẽ đưa ông về Đài Hóa thân Hoàn vũ. Tưởng vấn đề chôn hay hỏa táng đã được giải quyết xong, ai dè khi nghe tin các cháu sẽ đưa người anh của mình đi hỏa táng, một bà cô đã khóc ầm ĩ và đòi phải đem chôn rồi sau này cải táng cho đúng với phong tục tập quán. Thế là gia đình lại phải ngồi lại để giải thích, đả thông tư tưởng cho bà cô. Rốt cục gia đình cũng quyết được đưa ông Cường về Đài Hóa thân Hoàn vũ, dù vẫn còn chút cấn cá.

Thực ra, ở Hà Nội, những người có quan niệm giống bà cô nêu trên không phải là ít. Ông Trần Đình Đăng, Đội trưởng Đội Quản lý Nghĩa trang Văn Điển kể lại, mới đây có một ông gần 60 tuổi là con trai cả của một cụ ông ngoài 80 tuổi, ốm nặng đã nằm liệt giường mấy tháng nay, xuống tận đây để hỏi xem còn chỗ để chôn không. Vì ông cụ cứ đòi được chôn cất theo lối cũ nên con cháu sẽ phải chiều khi cụ về với tổ tiên. Khi biết là Văn Điển sẽ chỉ nhận hung táng đến hết ngày 30-6-2010, ông con trai cả đã buột miệng, "nếu cụ đi trong tháng 7 thì không biết nhà tôi có chiều được ý cụ không, vì lên Công viên Vĩnh Hằng thì xa quá!".

Trước sức ép đô thị, người sống còn thiếu chỗ ở, nhiều người cũng chọn cách đưa người nhà đã khuất đến đài hóa thân. Dần dần, tập quán cũ cũng không còn nặng nề như trước. Ông Đăng cho biết, lượng hung táng đang ngày càng giảm, trước đây mỗi ngày Văn Điển tiếp nhận hơn 30 đám, vào những ngày cao điểm anh em phải làm đến tối mịt mới xong, nay cả ngày 19-6 chỉ có 2 đám.

Giờ đây, Nghĩa trang Văn Điển đã sạch đẹp và ngăn nắp hơn trước nhiều. Hơn 10.000 ngôi mộ ngay ngắn được chăm sóc, những hàng cây cao rợp bóng mát, những con đường lát gạch khô ráo kể cả những hôm trời mưa, những nhà gửi tro cốt trang nghiêm, mát mẻ… cho thấy bóng dáng một công viên nghĩa trang trong tương lai không xa. Khi Văn Điển ngừng hung táng, người dân Thanh Trì tạm yên tâm. Nhưng người dân nội thành vẫn phải chịu nhiều xáo trộn...

Theo Đức Trường
HNM

MỚI - NÓNG