Khi người có HIV/AIDS tăng đến 40 lần

Khi người có HIV/AIDS tăng đến 40 lần
10 năm qua, số người có HIV/AIDS trong cả nước ta tăng 40 lần. Kinh phí Nhà nước dành cho công tác phòng chống HIV/AIDS sau 10 năm tăng gấp 2 lần, từ 40 tỷ đồng, lên 80 tỷ đồng.

Điều này cho thấy : Để công tác phòng chống HIV/AIDS đạt được kết qủa cao, góp phần ngăn chặn đại dịch một cách hiệu quả, không chỉ có kinh phí của Nhà nước, mà cần phải có sự tham gia của toàn dân.

Nguyên nhân chính của việc gia tăng HIV/AIDS trong cả nước chính là các tệ nạn xã hội, trong đó ma túy và mại dâm là hai con đường lây nhiễm nhanh nhất mà các cơ quan chức năng vẫn chưa có các biện pháp đồng bộ và hiệu quả để xử lý.

Việc các tụ điểm tiêm chích ma túy công khai tại các công viên, đường đê, những quán xá, khách sạn và nhà trọ ...vẫn tồn tại ngang nhiên. Sau mỗi đêm, bất cứ công viên nào của các thành phố lớn cũng vương vãi bơm kim tiêm của người tiêm chích vứt chỏng chơ trên thảm cỏ, dưới chân ghế đá...

Tại các quán càphê, vũ trường việc sử dụng thuốc “lắc” cũng chưa được xử lý triệt để nên số người nhiễm HIV/AIDS trong độ tuổi thanh niên vẫn tăng lên từng ngày.

Bên cạnh đó, xã hội còn có sự phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS, chưa chấp nhận chung sống với HIV/AIDS. Cho dù đã được tuyên truyền, nhưng theo nhiều người dân, những người có HIV/AIDS đều là những người “có thành tích bất hảo”nên tránh xa họ là hơn. Đây chính là thách thức lớn cho công tác phòng chống HIV/AIDS trong cả nước.

Sự kỳ thị với người nhiễm và bệnh nhân HIV/AIDS đã tạo một hàng rào, một hố sâu ngăn cách giữa cộng đồng với người nhiễm, bệnh nhân và gia đình họ, làm cho công tác chữa trị bệnh và phòng chống bệnh trở nên khó khăn hơn.

Nhiều người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS đã dấu diếm bệnh, vẫn tiếp tục quan hệ bình thường với cộng đồng, thậm chí có gái mại dâm nhiễm HIV trả thù đời bằng cách dấu bệnh và “đổ bệnh” cho những người khác, nên HIV/AIDS tiếp tục lây lan nhanh trong xã hội, chỉ khi bệnh tác phát, đi khám bệnh, bệnh nhân mới”té xỉu”biết mình có HIV/AIDS...

Một trong những biện pháp phòng chống HIV/AIDS hữu hiệu lâu nay các phương tiện thông tin đại chúng đã nhắc đến nhiều lần là xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, chung thủy. Gia đình không có tệ nạn xã hội, không có người nghiện tiêm chích ma túy, không quan hệ nam nữ bừa bãi, đặc biệt là không quan hệ với gái mại dâm...

Đối với người nghiện, chưa cai nghiện được, cần sử dụng bơm kim tiêm một lần. Đối với nam giới hay công tác xa nhà cần thường xuyên mang bao cao su. Với nữ tiếp viên nhà hàng, gái hành nghề mại dâm phải được quản lý chặt chẽ, thường xuyên được khám sức khỏe, cung cấp bao cao su...

Những tỉnh, thành phố có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS lớn như Quảng Ninh, Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... việc tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng cần được làm tốt hơn, để mọi người dân nâng cao ý thức phòng chống HIV/AIDS, kiên quyết không để HIV/AIDS phát triển như trong 10 năm qua.

Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa, phong trào xây dựng cụm dân cư tiên tiến, phong trào làng văn hóa,làng sức khỏe của Bộ Văn hóa Thông tin, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế phối hợp tổ chức cần được triển khai sâu hơn nữa, có sự kiểm tra thường xuyên của các Ban chỉ đạo, để các phong trào này trở thành điểm tựa hữu hiệu trong phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS.

Đặc biệt, Đoàn thanh niên cần có các họat động đa dạng, phong phú thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia sinh họat tập thể, tránh xa những tệ nạn xã hội. Các phong trào Thanh niên lập nghiệp phải thu hút thanh niên vào với các ngành nghề phù hợp với từng địa phương. Phong trào Thanh niên tiến quân vào khoa học kỹ thuật không chỉ tổ chức taị thành phố, thị xã mà cần về đến nông thôn, vùng sâu vùng xa để thu hút đông đảo thanh niên, lực lượng lao động chính hiện nay...

Con số trên 60% người nhiễm HIV/AIDS từ tiêm chích ma túy và hầu hết là người trong tuổi lao động, là thanh niên, cho thấy việc tổ chức các họat động, thu hút lực lượng lao động chính, thu hút thanh niên tham gia là hết sức cần thiết. Các cụ từ xưa đã dạy” nhàn phi bất thiện”- không có công ăn việc làm, lười lao động, dễ dẫn đến với các việc làm xấu, dễ đến với tệ nạn xã hội...

Cùng với trách nhiệm của xã hội, từng gia đình có vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng chống HIV/AIDS. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội nên không ai khác, từng gia đình phải biết tổ chức, quản lý, chăm sóc người thân trong gia đình mình. Học tập, công ăn việc làm, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, đó chính là liều thuốc đặc hiệu nhất giúp cho mỗi gia đình tự bảo vệ và miễn dịch trước đại dịch HIV/AIDS.

MỚI - NÓNG