Khi người ngoài chống tham nhũng... ở ta

Khi người ngoài chống tham nhũng... ở ta
Thứ hạng 114 của VN trên bảng chỉ số cảm nhận tham nhũng 2005 với 2,6 điểm “hạnh kiểm”/10 là một thứ hạng “cần cố gắng nhiều”.

Bên cạnh những “tự nghiên cứu” cũng cần xem thiên hạ nghiên cứu ta tham nhũng như thế nào. Một mặt để rút kinh nghiệm, một mặt nhằm tránh những hậu quả khôn lường. Do lẽ từ năm 2006 này, các định chế tài chính quốc tế, tức các chủ nợ của ta, sẽ khó khăn hơn trong việc cho vay nợ trên toàn thế giới.

Sáng thứ ba 11-4-2006, hội nghị Interpol toàn châu Á lần 18 khai mạc tại Jakarta, tập trung vào chủ đề chống tham nhũng. Cũng tại đây, chủ tịch WB Paul Wolfowitz cũng đã đọc một diễn văn rất quan trọng, qua đó ông loan báo một số định hướng mới của WB.

Những cảnh cáo mới nhất của WB

“Một là, chúng tôi sẽ mở rộng công việc chống tham nhũng của chúng tôi ở cấp quốc gia đối tác sao cho các quốc gia này nhận được hậu thuẫn cần thiết để tiến hành các cải cách. Tôi sẽ yêu cầu nhân viên WB tại các nước có nguy cơ cao triển khai một sách lược sao cho có thể huy động được mọi công cụ của WB như tín dụng, viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ nghiên cứu và kỹ thuật, đầu tư vào lĩnh vực tư nhân nhằm tăng cường sức chiến đấu chống tham nhũng.

Hai là, chúng tôi sẽ thiết lập một hệ thống mới nhằm giảm thiểu nguy cơ tham nhũng trong các dự án do WB cấp vốn. Chúng tôi sẽ triển khai các toán chống tham nhũng đến nhiều văn phòng WB tại các quốc gia nhằm làm việc chung với các định chế của chính quyền địa phương, tỉ như các cơ quan kiểm toán, các ủy ban chống tham nhũng, nhằm bảo vệ các dự án của chúng tôi và mua sắm công.

Chúng tôi cũng sẽ thay đổi cách thiết kế các dự án của chúng tôi sao cho tạo ra những khuyến khích và cơ hội chống tham nhũng ngay từ đầu. Chúng tôi cũng đang tăng cường cơ quan điều tra của chúng tôi sao cho có đủ nhân lực và kỹ năng làm việc trong các dự án có nguy cơ cao.

Ba là, mở rộng quan hệ đối tác với các đối tác của chúng tôi... Một trong những đối tác quan trọng nhất đó là khu vực tư nhân vốn phải chịu thua thiệt một khi tham nhũng tràn lan và pháp luật vắng bóng, trong lúc một số cá nhân, công ty lại có thể hưởng lợi từ một nhà cầm quyền yếu kém. Chúng tôi sẽ làm việc mật thiết hơn nữa với khu vực tư nhân nhằm xác định đâu là những sử dụng vốn vay của WB sai mục đích trong các dự án dành cho lĩnh vực tư nhân.

Các ngân hàng phát triển đa phương (tức của các quốc gia tài trợ) cũng là một đối tác quan trọng khác. Chúng tôi đã gặp những người đứng đầu các ngân hàng này cách đây mấy tuần và đã thỏa thuận một cách tiếp cận vấn đề chung, một sách lược chung... sao cho một khi đã ăn cắp được một trong số chúng tôi sẽ không thể tiếp tục “ăn” được ai khác nữa”.

Không thể không quan tâm đến các cảnh cáo này của “ông chủ” mới của WB. Trước hết, WB là một trong những “chủ nợ” chính của VN và không ít dự án có vốn vay từ WB đã là những đề tài đáng “nghiên cứu”, từ các dự án kinh thiên động địa của các PMU thuộc Bộ Giao thông vận tải, các dự án “cải cách giáo dục” vội vàng (sẽ giải thích dưới đây) đến cả những dự án “tăng cường năng lực quản lý giao thông” đáng xấu hổ như đã thấy ở TP.HCM như dự án vòng xoay ngã sáu Phù Đông Thiên Vương, dự án nhập môtô “nổi loạn” (Rebel) cho cảnh sát...

“Tường tận chân tơ kẽ tóc”

Không lấy làm lạ tại sao sau khi đã nghiên cứu tường tận “cơ chế hoạt động” của các PMU ở VN, qua công trình của Jacquemin và Bainbridge (19-10-2005) mang tựa đề “Các cảm nhận cùng chứng cứ về tính hiệu quả của viện trợ: trường hợp VN”, WB đã lẳng lặng cử một toán kiểm tra sang VN từ tháng hai, trong đó có một chuyên viên chống tham nhũng đặc trách vụ PMU18.

Hai tháng sau, có được hỏi, giám đốc WB tại VN mới kể cho nghe việc toán điều tra đó sang VN. Không lấy làm lạ tại sao ông này lại cảnh báo: “Điều quan trọng cần lưu tâm không phải là có tham nhũng hay không, mà là ở quyết tâm của Chính phủ và nhân dân trong cuộc chiến chống lại tham nhũng”. Một phát biểu có vẻ xã giao nhưng đầy “xỏ ngọt”, bởi dân muốn dẹp tham nhũng quá đi chứ, vậy ai khác cần quyết tâm?

Thiên hạ từ lâu đã quen với vấn đề tham nhũng, nhất là khi họ đã và đang là chủ nợ tại hàng trăm quốc gia, làm việc với hàng trăm chính phủ từ hơn nửa thế kỷ qua. Trong cái nhìn của họ, chống tham nhũng chỉ và chính là một vấn đề phát triển. Nghĩa là đừng chỉ chờ thấy cái đầu tham nhũng nào hở ra để mà chặt (chặt sao xiết), mà hãy tìm hiểu qui luật tham nhũng và phòng ngừa từ gốc. Chính vì thế, họ đã nghiên cứu rất nhiều về tham nhũng ở VN. Xin đơn cử một vài nghiên cứu “ngồ ngộ”:

“Các nhà tài trợ nhận được những gì mà họ đã trả tiền?”. Đó là tựa đề nghiên cứu của Dominique van de Walle và Dorothyjean Cratty được WB công bố tháng 3-2005. Các tác giả đã nghiên cứu hiện tượng “fungibility of development project aid”, tạm dịch là “đổi hạng mục chi” trong sử dụng tài trợ ở VN, tức lấy bớt tiền của dự án tài trợ này chi... cho việc khác!

Các tác giả đã nghiên cứu dự án giao thông nông thôn (RTP1) ở VN do WB tài trợ, được phát động năm 1997, khôi phục 5.000km đường cấp huyện và cấp xã tại 18 tỉnh nghèo nhất nhằm xóa đói giảm nghèo với kinh phí 61 triệu USD. Qua nghiên cứu trên một “mẫu dân số” (gồm 200 xã chọn đúng phương pháp ngẫu nhiên trong 6/18 tỉnh tham gia dự án là Lào Cai, Thái Nguyên, Nghệ An, Bình Thuận, Kontum và Trà Vinh), họ đã đưa ra không ít nhận xét thật “ngộ” như:

“Thật bất ngờ, một lượng giá bình thường các dữ kiện đã cho thấy chỉ có một khác biệt nhỏ giữa các xã “tham gia dự án” và các xã “không tham gia dự án” về độ dài của các đoạn đường được khôi phục trong thời điểm triển khai dự án: các xã “trong dự án” chỉ hơn được các xã “không trong dự án” có... 0,08km đường đã được khôi phục!” (tr.4).

Thật ra, trước đó trong WB đã đánh giá việc thực hiện dự án này cùng dự án khôi phục đường cao tốc 1, từ tháng 3-2004 (báo cáo mang số 28.168).

- Các chủ nợ đã nghiên cứu rất chi tiết qui luật hoạt động ở VN, tỉ như qui luật đấu thầu: “Năm 2002, 32% giá trị đấu thầu mua sắm công là công khai, 42% là đấu thầu hạn chế, 10% là chào hàng cạnh tranh và 16% là chỉ định thầu”. Thậm chí đến những chi tiết nhỏ nhất: “Số liệu thống kê thu thập được từ tỉnh B... cho thấy ở đó lại càng ít sử dụng phương pháp cạnh tranh hơn.

Trong số 77 gói thầu năm 2003, chỉ có một gói là được thực hiện thông qua đấu thâu rộng rãi, 31 hợp đồng chỉ định thầu, 45 vụ đấu thầu hạn chế... Ở VN, thiếu bình đẳng cho mọi nhà thầu tham gia. Hạn chế nhà thầu nước ngoài tham gia bằng cách chỉ đấu thầu cạnh tranh quốc tế khi không có nhà thầu trong nước đủ năng lực, phải liên danh với nhà thầu trong nước, ban hành thêm những yêu cầu mới trong qui chế 2004 về quản lý nhà thầu nước ngoài nhằm hạn chế lợi ích của việc giá thầu thấp và chất lượng tốt hơn” (WB Anti - Corruption Handbook).

- Một tác giả rất hiểu biết VN do đã từng đi sứ ở VN, rất hiểu biết về vấn đề sử dụng viện trợ ở VN, hiện là giáo sư Đại học Waseda là ông Tsuboi Yoshiharu. Trong nghiên cứu “Corruption in Vietnam” (2005) ông đã mô tả thực trạng tham nhũng ở VN: “Do lẽ, trong suốt đời mình, hầu như mỗi người trong hệ thống đều cùng nhau dính líu đến các hành vi vi phạm luật pháp, song tội lỗi của họ vẫn chẳng ai hay.

Song một khi người ấy hoặc bị “bộ máy” cho là chống đối, hoặc không chịu tham gia tham nhũng, “bộ máy” sẽ ngay lập tức tố cáo người ấy đã vi phạm pháp luật. Hoặc đến khi một ai đó bỗng dưng đòi một số tiền kếch sù vượt quá giới hạn, lại muốn ăn mảnh một mình, hoặc bị báo chí hay biết mà hô lên, thì trường hợp này lúc đó mới được xem là tham nhũng”.

Từ nhận xét trên, sẽ dễ hiểu phát biểu của phó đảng ủy Bộ Giao thông vận tải về các “đấng” ở bộ này: “Trước khi bị bắt họ đâu có tham nhũng, vẫn là đảng viên tốt”. Chẳng phải ông này “giả nai” hay thiếu “chính trị” mà là “chơi đúng luật chơi”: chưa bị lộ hay bị sút, báo chưa rớ tới thì vẫn là tốt.

Vấn đề không chỉ là chống mà quan trọng hơn là phòng tham nhũng không có cơ hội xuất hiện. Trong góc độ đó, càng cần xem lại những gì thiên hạ nghiên cứu về bệnh tình của ta mà rút tỉa ra bài thuốc phòng chống.

Theo Hữu Nghị
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG