Khi ông Thứ trưởng “dị tướng” về hưu ứng cử vào Quốc hội

Khi ông Thứ trưởng “dị tướng” về hưu ứng cử vào Quốc hội
TP - Gặp ông Đặng Hùng Võ một ngày sau khi ông nhận quyết định nghỉ hưu lại thấy ông “thứ trưởng dị tướng” “tươi” hơn hồi còn đương chức...

Tạm gác lại những công việc còn rất bộn bề mà như ông nói là để “trả hết duyên nợ” với Bộ Tài nguyên- Môi trường, ông Đặng Hùng Võ chia sẻ với Tiền phong Cuối tuần về những dự định của mình sau khi nghỉ hưu, trong đó có  việc ông đã quyết định tự ứng cử ĐBQH “để trả nợ nhân dân”.

Khi ông Thứ trưởng “dị tướng” về hưu ứng cử vào Quốc hội ảnh 1
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường.
 Ảnh: Phạm Yên

Ông Võ nói: "Tâm trạng của tôi rất vui bởi vì từ nay tôi chuyển sang giai đoạn bản thân mình được tự quyết định tất cả những việc gì mà mình thích. Khi còn là công chức nhà nước, có nhiều vấn đề không phải cứ thích gì làm nấy được.

Thứ nữa, về kinh tế chắc chắn sẽ rộng rãi hơn vì tôi có thể làm nhiều việc ra tiền hơn, khi còn đương chức, thấy có nhiều việc kiếm được tiền nhưng cũng không được làm. Tôi đã quyết định ra ứng cử đại biểu Quốc hội !"

Nhiều người muốn biết là sau khi về hưu ông Thứ trưởng “dị tướng” sẽ làm gì?

Tuy đã nghỉ hưu nhưng chắc là trong năm 2007 này tôi vẫn chưa làm được những việc theo ý thích của mình được. Bởi lẽ, Bộ Tài nguyên- Môi trường đang ở trong tình thế người tiếp quản công việc của tôi chưa có.

Khi ông Thứ trưởng “dị tướng” về hưu ứng cử vào Quốc hội ảnh 2 Tôi cũng mong muốn thời gian tới cần phải có hoạt động kinh tế để giảm bớt thiệt thòi trong suốt thời gian dài làm "quan" (cười).

Vừa qua khi biết tôi nghỉ hưu, một số công ty tài chính nước ngoài đã "đặt hàng" mời tôi làm tư vấn với lương khá cao; rồi một số trường đại học nước ngoài cũng "ngỏ ý" mời tôi giảng dạy và nghiên cứu khoa học… nhưng tôi chưa nhận lời ai cả mà suy nghĩ xem nên chọn công việc gì và đặc biệt là làm việc gì thì có lợi nhất (cười). Khi ông Thứ trưởng “dị tướng” về hưu ứng cử vào Quốc hội ảnh 3 

Trước đây, Bộ trưởng Mai Ái Trực đã đề nghị tôi làm cố vấn nhưng tôi từ chối vì chẳng nên vương vấn với những việc cũ làm gì. Mấy hôm trước, Bộ trưởng lại nói với tôi rằng giúp Bộ những việc đang phải làm hoặc đang phải chuẩn bị trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai. Tôi đã thuận tình, vì muốn những công việc đang dở dang được tiến triển đúng kịch bản đã định.

Những chính sách về đất đai không chỉ liên quan đến rất nhiều người mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu để công việc này chững lại thì sẽ ảnh hưởng đến cái chung.

Đây là việc nặng nhọc, chiếm một thời gian quan trọng của tôi, nhưng tôi không muốn để nó vượt quá tháng 3 này. Thứ nữa, tôi đang tiếp tục hoàn tất hai cuốn sách mà trong thời gian còn làm việc tôi chưa làm xong được, đó là “Phương pháp toán học của địa tin học” và “Đất đai Việt Nam”.

Vừa rồi, anh em cũng khuyến khích tôi rằng, có nhiều bài báo do tôi viết, các nhà báo viết về tôi và những bài trao đổi với báo giới về các vấn đề chung của xã hội  thì nên xuất bản thành cuốn sách. Tôi thấy, ý kiến đó của anh em cũng là ý kiến nghe theo được.

Hiện nay, tôi đang là Chủ nhiệm bộ môn Địa chính của Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh em ở khoa Địa lý cũng kêu rằng thời gian vừa qua ông ấy bận, nên bỏ bễ công việc ở trường nhiều quá. Anh em ở khoa đã bày tỏ nguyện vọng đào tạo tiến sĩ về khoa học địa chính.

Trước đây mươi năm, tôi cùng anh em dàn dựng chương trình đào tạo đại học, đào tạo thạc sĩ và đã được Bộ GD-ĐT chấp thuận ngay. Vì thế, khi anh em đề nghị xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ  thì tôi thấy đó cũng là việc  cần  làm ngay. Tôi nghĩ, trong năm 2007 này, từng ấy công việc cũng đã là nhiều.

Thời gian qua cũng có nhiều người góp ý cho tôi là nên làm gì? Vừa rồi, có bài báo của ĐBQH, GS Nguyễn Lân Dũng, phân tích rằng ông Đặng Hùng Võ nên ra ứng cử ĐBQH.

Điều này, nói thật là trước đó tôi chưa từng nghĩ đến bởi lẽ tôi luôn quan niệm về hưu rồi, được làm những công việc mình thích một cách thoải mái là điều sung sướng nhất.

Thế nhưng, đọc bài báo của GS  Nguyễn Lân Dũng tôi thấy cảm động. GS là người có trình độ, hoạt động tích cực trong Quốc hội, lại là người nghiêm túc, vì thế mà tôi nghĩ rằng ý kiến của GS Nguyễn Lân Dũng nên được suy nghĩ một cách nghiêm túc. Bản thân tôi cũng nghĩ nếu ra ứng cử, có thể giúp được ít nhiều cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai.

Hiện nay ông đã 60 tuổi, đợi đến khóa Quốc hội sau mới ứng cử thì tuổi ông cũng đã quá cao, mà thời gian để tự ứng cử Quốc hội khóa XII này chỉ còn tính từng ngày?

Khi ông Thứ trưởng “dị tướng” về hưu ứng cử vào Quốc hội ảnh 4
Ông Đặng Hùng Võ. Ảnh: Phạm Yên

Tôi cũng đã biết rõ điều đó và nếu tôi có đồng tình với ý kiến một số người khuyên tôi ra ứng cử ĐBQH thì cũng sẽ xác định rõ ràng vấn đề này trong hơn chục ngày tới đây. Mà thường thì tôi tính toán cũng rất nhanh. 

Tôi cũng muốn nói thêm là những ý kiến khuyên tôi ứng cử ĐBQH là những ý kiến tâm huyết, chân tình. Bản tính của tôi thường hay đa cảm, hay "xiêu lòng" trước những ý kiến chân tình của người khác. Mà những người tâm huyết nhiều khi hay “chết” với nhau chỉ vì một lời hứa (cười)...

Đương nhiên làm ĐBQH áp lực chắc chưa bằng làm Thứ trưởng, nhưng vừa thoát khỏi một áp lực này lại chuyển sang một áp lực khác nên cần phải cân nhắc kỹ. Nhiều người bàn rằng nên "ngỏ ý" rồi tìm chỗ nào đề cử hay hơn. Tôi lại nghĩ khác, đã là đại biểu do dân lựa chọn thì đại đa số phải tự ứng cử mới đúng và tôi đã quyết định ra ứng cử lần này.

Một số người  từng làm "quan”, dù to dù nhỏ, nhưng khi về hưu thường cảm thấy hụt hẫng, thậm chí có ông hàng ngày vẫn mặc complet, sách cặp đi đâu đó như hồi còn đi làm hàng ngày; có trường hợp suốt ngày ký lên giấy nháp vì đã quá quen với việc thường xuyên ký tá. Ông suy nghĩ thế nào về việc ấy trước khi nghỉ hưu?

(Cười lớn). Tôi chưa từng suy nghĩ về việc ấy. Nhưng nhà báo nói rất đúng, thói quen luôn là một bi kịch lớn của con người. Quen "lên xe xuống ngựa", quen "ăn sóng nói gió", quen "oai", quen "ký" đến mức không quên được thì quả là một bi kịch mang tính tâm thần. Tôi lại tâm niệm một cách tiếp cận khác, cần biết quen với những thăng trầm.

Khi ông Thứ trưởng “dị tướng” về hưu ứng cử vào Quốc hội ảnh 5 Ngày xưa, cụ Nguyễn Công Trứ - bậc phong lưu số một thời ấy, làm quan đến bậc Thượng thư (Bộ trưởng bây giờ) rồi lại bị cách xuống làm dân thường, đã nói một câu rất góc cạnh rằng "làm quan không thấy vinh thì làm dân không thấy nhục".

Triết lý của sự thăng trầm là vậy. Vinh quang dành cho tất cả những người biết tạo hiệu quả cao từ lao động, bất kể ở vị trí nào trong xã hội.  Khi ông Thứ trưởng “dị tướng” về hưu ứng cử vào Quốc hội ảnh 6 

Những ngày tôi sắp nghỉ hưu, nhiều người nói rằng dạo này ông có vẻ “tươi” hơn. Đúng là như vậy bởi vì tôi có cảm giác là mình sắp được giảm  những áp lực về công việc hành chính.

Thế nhưng, cũng có  nhiều người dân gọi điện đến cho tôi, ý kiến của họ thường là: "Công việc của tôi giải quyết chưa xong, nay bác về hưu rồi thì ai xử lý cho tôi".

Vì thế, trong niềm vui lại chen lẫn một sự áy náy về trách nhiệm. Tôi cũng trả lời những người dân đó là tình thế bắt buộc phải như  vậy, tôi đã được Thủ tướng ký quyết định cho nghỉ hưu rồi, tôi sẽ nói với các anh đương chức giải quyết đúng pháp luật.

Ông nhận quyết định nghỉ hưu trước Tết Nguyên đán, nhưng ngày 1/3 tức là sau Tết Nguyên đán mới có hiệu lực, vậy dịp Tết những người đến thăm ông so với những năm trước có vắng hơn không?

Vẫn bình thường, không có gì khác biệt cả. Vì đại đa số anh em ở Bộ Tài nguyên - Môi trường gọi tôi là thầy, họ có đến với tôi bằng tình cảm thực giữa những người bạn, những người đồng nghiệp, giữa thầy và trò.

Người mang chai rượu, người mang gói mứt, rồi cũng có người đưa phong bì nhưng lại nói: "Em không biếu thầy mà nhờ thầy thắp hương cho bà giúp em".

Tất cả chỉ là tình trộn lẫn một chút bâng khuâng. Tết trước hay Tết này cũng vậy, chỉ là  tình cảm chân thành chứ không có ngôn ngữ của tính toán nhờ vả. Tôi thường nghĩ, tình người có thể chen vào tiền chứ đừng để tiền làm đục mất tình người.

Các đơn vị ngoài Bộ, các địa phương cũng vậy, họ đến  tôi với tư cách là người cảm ơn sự tận tình giúp đỡ của tôi cho địa phương khi họ cần tôi những giải pháp hay cho những vấn đề nan giải.

Một tự hào, một day dứt, hai điều tiếc nuối

Ông là cán bộ lâu năm làm công tác quản lý đất đai, đến nay nhìn nhận lại công việc của mình, cá nhân ông cảm thấy còn nuối tiếc điều gì?

Tôi còn tiếc nuối hai việc. Thứ nhất là hệ thống đăng ký bất động sản chưa thống nhất, tức là hệ thống đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, gọi nôm na là chuyện giấy xanh, giấy đỏ, giấy hồng.

Vấn đề này báo chí cũng đã tốn rất nhiều giấy mực, kể cả tranh biếm hoạ cũng có; cũng có sự tranh luận từ thượng cấp, cấp bộ với nhau, rồi cho đến từng người dân... Nhưng cho đến  nay dường như vẫn chưa được giải quyết.

Nghị quyết Trung ương 4 vừa rồi cũng đã có chủ trương thiết lập một hệ thống đăng ký bất động sản thống nhất. Tôi tin rằng việc này chúng ta vẫn phải làm. Nhưng tiếc là đáng ra chúng ta phải giải quyết từ lâu rồi nhưng đến nay vẫn còn dang dở.

Cá nhân tôi cảm thấy dù đã rất cố gắng nhưng sức mình cũng quá nhỏ nhoi. Thứ hai, tôi rất nuối tiếc việc đổi mới hệ thống tài chính đất đai cũng chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống. 

Nhận thức về hệ thống tài chính đất đai đổi mới vẫn còn chưa “thấm” lắm trong  nhà quản lý các cấp. Ở Trung ương thì  hệ thống thuế về đất đai hiện nay vẫn gần  như cũ.

Tình trạng này khiến cho việc đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai chỉ đạt khoảng 20-30% hiệu quả, bởi vì công cụ điều chỉnh chính sách đất đai bằng kinh tế là thuế đang bị tê liệt.

Tôi lấy một ví dụ, chúng ta rất nhọc nhằn khi phải thu hồi đất đã giao cho nhà đầu tư nhưng không đưa vào sử dụng. Nếu dùng thuế sẽ đơn giản hơn nhiều, chẳng hạn như chậm sử dụng 1 năm thì thu thuế sử dụng đất là 20% giá trị đất, chậm sử dụng năm nữa thì thuế tăng lên là 40%, chậm năm nữa thì thu đến 100%; chắc chắn rằng chẳng cần thu hồi mà nhà đầu tư thấy sót ruột sẽ buộc phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoặc trả lại đất.

Đó là sự thần tình của hệ thống thuế nhưng tiếc rằng chúng ta chưa làm mà lại hay sử dụng biện pháp hành chính để điều chỉnh nên chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Càng giảm đi các quyết định hành chính trong quản lý đất đai thì chúng ta càng làm giảm được tham nhũng, lãng phí ở đó.

Cá nhân tôi  đã “chiến đấu” hết mình cho mục tiêu này nhưng quả thật vẫn chưa đạt được kết quả nhiều lắm. Ở địa phương thì xu thế níu kéo cơ chế "xin - cho" về đất vẫn còn nhiều, tỉnh nào cũng muốn để một khoảng cách đáng kể giữa giá đất do UBND quy định và giá đất trên thị trường. Đó cũng là một nguyên nhân tạo nên tham nhũng, lãng phí trong quản lý đất đai.

Còn một việc  không luyến tiếc nhưng hiện nay tôi vẫn day dứt, đó là việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai hiện nay còn quá nhiều. Đây là vấn đề cốt lõi vì đó là nhân tố vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một  xã hội ổn định, tạo lập tính bền vững trong phát triển.

Tôi không được Bộ trưởng phân công phụ trách giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, bản thân tôi có tham gia vào cũng chỉ là góp thêm, thông qua việc hướng dẫn thực hiện pháp luật.

Tôi cũng tháo gỡ được cho số ít người dân hoặc doanh nghiệp đang bị  địa phương  áp dụng pháp luật chưa chính xác; những việc tôi làm trong  phạm vi này thật ra cũng chỉ như muối bỏ bể!

Vậy điều ông cảm thấy tự hào nhất trong những việc mà ông đã làm được là gì?

Tôi đã chiến thắng trước áp lực phải trình đúng hạn dự thảo Luật Đất đai 2003. Tôi nhớ, việc này bắt đầu khởi sự vào ngày mùng 4 Tết năm 2003 mà về nguyên tắc là trong tháng 5/2003 phải trình Chính phủ. Tức là thời gian  chỉ có hơn 2 tháng.

Trong buổi họp đầu tiên của Ban soạn thảo do Bộ trưởng Mai Ái Trực chủ trì, ý kiến của hầu hết các Bộ cho rằng không thể kịp soạn thảo để trình Chính phủ, đề nghị cho hoãn lại.

Hôm đó, tôi có phát biểu một câu rằng: "Tôi cam đoan là kịp, chỉ với một điều kiện đối với các Bộ, ngành khác rằng ý kiến của Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, các chuyên viên tham gia phải thống nhất; mọi việc cần thảo luận kỹ ở nhà, không tùy hứng ở cuộc họp".

Và kết quả là đúng đầu tháng 5/2003 dự thảo Luật Đất đai đã được trình Chính phủ sau hơn 2 tháng trời chúng tôi làm việc ngày đêm.

Đến nay tôi vẫn tự hào Luật Đất đai 2003 được các luật sư, chuyên gia trong nước và nước ngoài đánh giá là  mang tính khoa học, chặt chẽ,  đầy đủ, chi tiết, rõ ràng, đơn nghĩa, bảo đảm tính minh bạch, không né tránh những phức tạp mà chúng ta đang phải đối mặt và bám sát được với cơ chế thị trường.

Trả hết duyên nợ!

Ông có nói rằng Bộ trưởng Mai Ái Trực có mời ông ở lại giúp Bộ hoàn thiện một số nội dung chính sách, pháp luật về đất đai. Vậy ông có thể cho biết việc gì là quan trọng nhất?

Kể từ khi nhận được Quyết định, hơn hai tháng trước khi tôi về hưu thì tôi đã cố hết sức để giải quyết hết những việc đang dang dở. Về pháp luật đất đai thì việc lớn nhất là hoàn thiện được dự thảo Nghị định mới của Chính phủ về đất đai ở mức trình được lên bàn Thủ tướng.

Nghị định này sẽ giải quyết những vấn đề hóc búa nhất còn tồn tại mà trước đây chưa biết nên làm thế nào. Hiện còn ba thông tư hướng dẫn về nghiệp vụ quản lý đất đai cần nâng cấp  lên cho phù hợp với hệ thống được tin học hóa.

Một việc nữa là chuẩn bị Nghị quyết của Quốc hội về có một số chính sách đất đai cởi mở hơn cho đón nhận luồng đầu tư mới khi Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nghị quyết này cần phải được tính toán rất kỹ xem mở cái gì, mở như thế nào để có thể chủ động xử lý được những tiêu cực kéo theo. Về đo đạc và bản đồ, tôi đã hoàn thành Chiến lược phát triển đến năm 2020 và toàn bộ hệ thống văn bản pháp quy, quy trình, quy phạm, định mức, tiêu chuẩn ngành.

Mới đây, Bộ trưởng giao tiếp việc hoàn tất đề án  phát triển thị trường bất động sản hiện nay trước những "chao đảo" trong thời gian vừa qua và vận hội trong thời gian tới. 

Chắc là trong tháng Ba hoặc cùng lắm là nửa đầu tháng Tư sẽ hoàn tất. Với tôi, khi đã hoàn tất những công việc trên thì “duyên nợ” đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được trả hết.

Khi ông có quyết định nghỉ hưu thì những người cùng làm lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nói với ông những gì?

Người đưa quyết định cho tôi là Bộ trưởng Mai Ái Trực. Bộ trưởng nói rằng Bộ đã cố gắng rất nhiều để thực hiện tốt nhất kế hoạch đã đặt ra sao cho Bộ được ổn định.

Đầu tiên, Bộ trưởng Mai Ái Trực có đề nghị tôi ở lại làm Thứ trưởng 5 năm nữa, rồi 2 năm nữa vì còn nhiều việc phải làm và cần chuẩn bị được người thay thế; nay Thủ tướng quyết rồi, anh cố gắng cấp tập làm những việc cần thiết trong 2 tháng còn lại vậy.

Tôi cũng đồng ý, mọi việc đều rất giản dị. Có anh em ái ngại nói rằng: Thông lệ sau khi nhận Quyết định về hưu người ta thường được bố trí đi thăm vài nước, các tỉnh, các đơn vị, vừa như để bàn giao và vừa như để chia tay; việc công còn dài, anh bận tâm làm gì. Nói như vậy cũng đúng nhưng thôi, tuổi Bính Tuất vốn vẫn hay chọn cách nhọc nhằn để cho tâm được yên tĩnh.

Xin cảm ơn ông!

Hữu Khôi
Thực hiện

MỚI - NÓNG