Khi 'ô-sin' ngoại đổ bộ

TP - Từ hàng chục năm nay, tại TPHCM đã xuất hiện nhiều ban nhạc, ca sỹ người Philippines qua hành nghề. Không phải họ chỉ đến lưu diễn vài ngày rồi đi.

Trái lại, những nghệ sỹ Philippines này còn ở lại với mục đích làm việc lâu dài. Các quán bar sang trọng, các tụ điểm ca nhạc có nhiều khách nước ngoài lui tới, các khách sạn hạng sang của Sài Gòn thường xuyên có sự hiện diện của ca sỹ, nhạc sỹ Philippines. Ngoài kỹ năng âm nhạc chuyên nghiệp, ca sỹ Philippines còn ăn đứt ca sỹ nội ở khả năng hát tiếng Anh, phát âm chuẩn xác ngữ điệu Anh- Mỹ.

Những tưởng sự “xâm lăng” của lao động nước ngoài chỉ có trong một số ngành, công việc rất đặc thù như thế, thì nay lao động Philippines đang thâm nhập thị trường lao động Việt bằng những công việc hết sức thông thường: giúp việc gia đình, hay gọi nôm na là “ô-sin”. Từ nhiều thập kỷ qua, giúp việc nhà, hộ lý bệnh viện là thế mạnh của lao động Philippines trên thị trường lao động quốc tế. “Ô-sin” người Philippines đã trở thành một thương hiệu: họ có mặt khắp nơi, từ Nhật Bản, Singapore, Hong Kong, Đài Loan đến Trung Đông và xa hơn nữa là Âu-Mỹ. Người Philippines đi xuất khẩu lao động chủ yếu là làm hộ lý và giúp việc gia đình, nhưng mỗi năm đóng góp tới 1/10 GDP của đất nước, tức là gần 30 tỷ USD mỗi năm.

Và nay, lao động giúp việc Philippines đã có mặt tại Việt Nam, cạnh tranh với lao động trong nước. Tuy mới chỉ xuất hiện ở một số thành phố lớn và giới hạn trong các gia đình người nước ngoài, nhưng rõ ràng lao động giúp việc trong nước hoàn toàn “không có cửa” nếu đem so sánh với giúp việc đến từ Philippines: họ nói tiếng Anh tốt, được đào tạo các kỹ năng cơ bản của nghề giúp việc gia đình, một chủ trương có từ thời tổng thống Ferdinand Marcos cầm quyền trong những năm 70 của thế kỷ trước.

Sẽ rất đáng suy nghĩ, và đáng quan ngại, khi theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), có 8 lĩnh vực, ngành nghề lao động các nước được tự do di chuyển nội khối, gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch. Lao động Việt đang đứng trước nguy cơ bị mất việc làm ngay trên sân nhà. Ngay nghề giản đơn như giúp việc nhà, vốn không có trong danh sách kể trên thì lao động các nước xung quanh vẫn có vô số cách để tràn vào Việt Nam cạnh tranh với dân bản địa. Và nếu xét về các kỹ năng nghề nghiệp, cơ hội cho lao động Việt là không lớn, nếu không muốn nói là rất thấp.

MỚI - NÓNG