Nông thôn mới - Những bất cập và hệ lụy - Bài 6:

Khi tình làng nghĩa xóm bị mai một

Đường bê tông và những bức tường rào kiên cố ở thôn Minh Lâm, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa).
Đường bê tông và những bức tường rào kiên cố ở thôn Minh Lâm, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa).
TP - Khi điều kiện kinh tế của người dân được nâng lên cũng là lúc tệ nạn xã hội thâm nhập, mối quan hệ làng xã, người thân mai một dần.

Những bức tường rào kiên cố

Là vùng bán sơn địa, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thôn Minh Lâm, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa được coi là thôn đặc biệt khó khăn. Sau 4 năm xây dựng nông thôn mới, đường vào thôn được đổ bê tông, nhà văn hóa cũng được xây dựng khang trang… Cùng với những đổi thay về cơ sở hạ tầng chung thì ở đây cũng hình thành nên những bức tường rào kiên cố bao quanh ở mỗi ngôi nhà.

Cả thôn Minh Lâm có 125 hộ (560 nhân khẩu) với 2,7 ha đất trồng lúa nước. Vào dịp tháng 5, 6 hằng năm, tình trạng thiếu nước sinh hoạt khiến người dân phải quang gánh đi xin nước ở các vùng khác. Người dân Minh Lâm vốn dĩ hiền hòa, chịu thương, chịu khó nên dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn, họ vẫn chăm chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, bới từng cọng cỏ, chăm bẵm từng ruộng màu, xin đi trồng lúa nước ở các vùng khác để có gạo ăn…

Cách đây vài năm, một vài người trong thôn bỏ xứ đi đào vàng ở các tỉnh miền Trung. Thời gian đầu, những lao động này tiết kiệm, mang tiền công về cho gia đình, xây dựng nên những ngôi nhà kiên cố. Cứ thế, người nọ rủ người kia vào vùng đất khai thác vàng để trở thành những lao động đào, đãi vàng thuê cho các chủ bưởng. 

Từng có những lao động của địa phương bỏ mạng nơi hầm vàng. Chẳng có bài học nào được rút ra, nhiều người trong thôn vẫn ba lô lên đường vào vùng khai thác vàng. Trong số đó phần nhiều là những thanh niên, cả những học sinh THCS bỏ học… Theo số liệu của thôn Minh Lâm, có thời điểm 80% dân số của thôn đi vào các vùng bãi vàng.

Sau đó, một vài lao động làm vàng dính vào nghiện hút, trở về địa phương. Vốn sống nặng tình làng, nghĩa xóm, người dân Minh Lâm tập trung động viên các gia đình có người thân bị nghiện đi cai nghiện. Nhưng rồi, số người nghiện tăng dần lên. Cũng thời điểm này khi Khu kinh tế Nghi Sơn phát triển, nhiều doanh nghiệp xuất hiện trên địa bàn xã Trường Lâm. Lao động ở thôn Minh Lâm thuận lợi hơn khi đến làm công nhân ở các doanh nghiệp trên địa bàn và các vùng lân cận. Nhưng vẫn có tới hàng chục người gắn bó cuộc sống của mình nơi các bãi vàng.

Nhu cầu cuộc sống của người dân nâng cao, bộ mặt nông thôn thay đổi dần trong từng nếp nhà. Những ngôi nhà tranh vách đất được thay đổi bằng những ngôi nhà bê tông, kiên cố, đẹp đẽ. Chưa kịp vui mừng vì một nông thôn mới đang hình thành trên vùng đất khó ở Minh Lâm thì bóng đen tệ nạn ma túy đã lan nhanh, bao trùm lên. Những ngôi nhà được bao quanh bởi tường rào để ngăn chặn kẻ xấu tiếp cận với con, cháu mình.

Đã có nhiều xã ở Thanh Hóa hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới với sự thay đổi tốt đẹp trong đời sống tinh thần, vật chất của người dân. Nhưng cũng có nhiều địa phương trên hành trình xây dựng nông thôn mới vẫn đang tồn tại những hủ tục, tệ nạn. Nếu vấn đề này không được quan tâm đúng mức thì bức tranh nông thôn mới sẽ khó hoàn thành theo đúng nghĩa tốt đẹp.

Số lượng người bị nghiện ma túy ở Minh Lâm ngày càng tăng lên, nhà có con nghiện thì bố nghiện theo, anh nghiện thì em nghiện theo, vợ dấu chồng bị nghiện, bố dấu con bị nghiện… Rồi việc làng việc xã, chẳng có mấy người tham gia đóng góp. Nếu như cách đây hơn 4 năm, toàn thôn Minh Lâm chỉ một vài người nghiện, thì nay đã có khoảng 80 người nghiện ma túy. Số lượng người đi cai nghiện rất hạn chế. Thôn Minh Lâm xuất hiện tình trạng mất cắp gà, chó, đồ dùng sinh hoạt; những người lạ ở vùng khác đến có nhiều biểu hiện nghi vấn; kim tiêm vứt vương vãi ở những gầm cống, mương ruộng…

Có khoảng 20 năm làm cán bộ thôn, ông Nguyễn Hữu Dung, Bí thư chi bộ thôn Minh Lâm chia sẻ: “Xưa nhà tranh vách đất mà ngủ ngon giấc, nay nhà cao, cửa rộng mà lòng luôn lo lắng, bất an”.

Chưa bao giờ, người dân Minh Lâm lại lo lắng như thế. Người dân nghi ngờ hoạt động mua, bán ma túy diễn ra ngay tại thôn. Bất kể ngày, đêm khuya, những con nghiện đèo nhau bằng xe máy, ô tô đến rồi lại đi. Người dân nhìn thấy đấy, nhưng chẳng ai dám lên tiếng vì sợ bị trả thù. Nhưng không lên tiếng, nỗi sợ của họ ngày càng lớn hơn khi con, cháu họ đang sống giữa vùng tệ nạn. Có người còn nói, nếu có một nơi nào khác để đi, gia đình chúng tôi cũng đã rời làng rồi. Tệ nạn đang tồn tại trong bức tranh xây dựng nông thôn mới ở Minh Lâm đã làm mai một dần tình giữa người với người ở đây.

Những năm qua chính quyền địa phương, lực lượng công an đã có nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng trên, song cứ soi vào việc những đối tượng bị bắt đi rồi lại được thả về nhanh chóng sau đó, khiến cho niềm tin về một bức tranh làng quê nông thôn mới yên bình ở Minh Lâm như còn xa lắm.

Khi tình làng nghĩa xóm bị mai một ảnh 1

Bí thư chi bộ thôn Minh Lâm (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) Nguyễn Hữu Dung trao đổi với phóng viên.

Từ chối nhận danh hiệu “Làng văn hóa cấp huyện”

Kể chuyện làng quê hơn 20 năm trước, ông Nguyễn Hữu Dung thở dài, mệt mỏi: “So với điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất thì hiện nay hơn xưa rất nhiều. Nhưng tình cảm xóm giềng, mối quan hệ gia đình thì mai một đi rõ rệt. Mất mát đó mới là quan trọng!”. Cũng chính vì tình trạng trên, mà ông Dung từ chối nhận danh hiệu “Làng văn hóa cấp huyện” cho thôn Minh Lâm.

Được Đảng, nhân dân tin tưởng, ông Dung luôn cố gắng để làm tốt công việc của mình trên địa bàn, nhưng ông trăn trở, đau đáu khi những kiến nghị của ông, của cử tri địa phương đã được gửi đi, mà sự vào cuộc của các cấp chưa thể giải quyết dứt điểm được tệ nạn trên địa bàn Minh Lâm. Chẳng riêng gì ông Dung, người dân Minh Lâm cho rằng dẹp tệ nạn nghiện hút, nghi buôn bán ma túy ở đây còn cấp thiết hơn xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Bởi nếu nhà văn hóa khang trang mà các cuộc họp chẳng còn giữ được văn hóa tốt đẹp làng xã xưa thì buồn lắm…

Ông Cao Văn Sự, phó chủ tịch UBND xã Trường Lâm cho biết, toàn xã Trường Lâm có tới hàng trăm người nghiện ma túy, có người bị nhiễm bệnh HIV. Tệ nạn này khiến cho việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã gặp nhiều khó khăn.

Cũng trong hành trình xây dựng nông thôn mới, huyện Mường Lát là một trong những huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa. Khó khăn về huy động sức dân, về nguồn vốn khiến cho huyện mới thực hiện được một vài tiêu chí về cơ sở hạ tầng ở đây, tuy nhiên, theo ông Cao Văn Cường- Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, một trong những tiêu chí đang được huyện tập trung triển khai đó là xóa bỏ hủ tục trong tang ma, cưới xin ở địa bàn. Sau 2 năm triển khai việc xóa bỏ hủ tục trong tang ma, đến nay ở một số nơi vẫn còn tình trạng để người chết trong nhà vài ngày. Một số nơi còn cưới xin nhiều thủ tục ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Đã có nhiều xã ở Thanh Hóa hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới với sự thay đổi tốt đẹp trong đời sống tinh thần, vật chất của người dân. Nhưng cũng có nhiều địa phương trên hành trình xây dựng nông thôn mới vẫn đang tồn tại những hủ tục, tệ nạn. Nếu vấn đề này không được quan tâm đúng mức thì bức tranh nông thôn mới sẽ khó hoàn thành theo đúng nghĩa tốt đẹp.

(Bài 7 sẽ được đăng trên số báo ra ngày thứ Hai, 20/6)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.